Nhà báo nữ và những gian nan đo bằng nước mắt

Đi làm từ mờ sáng, về nhà khi đêm xuống, tất cả việc đưa đón con, cơm nước... chồng là người lo toan. Đó là thực tế của nhiều nữ nhà báo.

Nhà báo Hoài Thu trao đổi với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Ảnh: Lê Bảo

Nhà báo Hoài Thu trao đổi với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Ảnh: Lê Bảo

Ra đường bất kể ngày đêm

Từng làm việc ở nhiều môi trường, nhiều tờ báo, nữ nhà báo Hoài Thu - Báo điện tử Tri Thức Trực Tuyến (Zing.vn) đã chia sẻ: “10 năm gắn bó với nghề báo, tôi thấm hết những truân chuyên của nghề. Nhất là phụ nữ, để theo và làm được nghề cần phải nghị lực hơn rất nhiều. Bởi, ngoài phần lớn quãng thời gian dành cho công việc, còn phải cân đối hài hòa với yếu tố gia đình”.

Thu chia sẻ thêm: “Là nhà báo nữ, lại làm mảng thời sự, nội chính tôi thấm thía hơn ai hết những nỗi vất vả ấy. Do đặc thù nên phóng viên làm gần như không có ngày nghỉ. Bất cứ khi nào có sự kiện nóng xảy ra cũng phải sẵn sàng tác nghiệp, lên đường, dù ngày nghỉ hay lễ Tết, dù trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm”.

Chia sẻ thêm về nghề của mình, Hoài Thu nói: “Có những khi sự kiện thời sự dồn dập, tôi ra khỏi nhà đi làm từ sáng sớm và trở về nhà lúc đêm đã về khuya. Chỉ có một chút thời gian cho công việc cá nhân, tôi lại phải “ôm” máy tính làm việc. Còn nhớ khi con còn nhỏ, con rất quấn mẹ nhưng mẹ khi về nhà vẫn không dứt nổi chiếc máy tính. Vì thế, mỗi lần thấy mẹ về là con lấy máy tính ngồi lên trên để cho mẹ không dùng máy làm việc được. Những lúc như thế, thương con vô cùng vì không dành được nhiều thời gian cho con. Bởi vậy, mỗi buổi tối tôi luôn cố gắng dành thời gian chơi với con, chờ đến khi con đi ngủ mới tiếp tục ra làm việc”.

Và những trải nghiệm đáng nhớ

Nữ nhà báo Hoàng Bích.

Nữ nhà báo Hoàng Bích.

Đối với các nữ nhà báo, phóng viên chưa lập gia đình lại có những trăn trở, suy nghĩ mà tưởng chừng khó có ngành nghề nào cảm nhận hết cung bậc cảm xúc khi tiếp xúc với nhân vật, với câu chuyện hay vụ việc. Với họ, sự trải nghiệm đặc thù của nghề không đơn thuần chỉ là khai thác thông tin, tư liệu mà ở đó là sự đồng cảm, sẻ chia.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà báo Hoàng Bích (Báo điện tử Người đưa tin) cho hay: “Cách đây 3 năm, tôi có chuyến đi công tác lên với các em nhỏ vùng cao tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Cũng là người sinh ra và lớn lên ở miền núi Tây Bắc thế nhưng lần lên với Lai Châu ấy đã để lại trong tôi sự xúc động mạnh. Tôi không nghĩ ở quê mình bà con đã lam lũ, vất vả rồi mà trên vùng giáp biên giới ấy trẻ em lại thiếu thốn, khó khăn đủ đường. Bà con ở đây chủ yếu người dân tộc Mông, chỉ có đàn ông biết nói tiếng phổ thông, còn phụ nữ thì không”.

Đặc biệt, nữ nhà báo trẻ này còn rớt nước mắt khi chứng kiến thứ quà vặt của trẻ nhỏ là quả su su sống: “Đến buổi chiều, chúng tôi tổ chức phát quà tại UBND xã, các phụ huynh túc trực cho con đến nhận quà, cũng có em nhỏ thì được mẹ địu. Trong đó, có một em nhỏ chừng 1 tuổi được mẹ địu sau lưng, và trên tay em bé ấy là cầm quả su su sống bé cắn lấy cắn để như một thức quà vặt. Hình ảnh đó ám ảnh tôi, vì tôi cảm nhận được cái đói, cái nghèo với người dân nơi đây, đặc biệt là sự thiếu thốn của các em nhỏ. Lần đầu tiên, tôi được tự tay mặc cho các em nhỏ chiếc áo ấm mới tinh mang từ miền xuôi lên… Đó thực sự là khoảnh khắc để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tạm biệt nơi đây, tôi vẫn mong một ngày gần nhất mình có dịp quay trở lại nơi này”.

Nữ phóng viên trẻ Cao Oanh.

Nữ phóng viên trẻ Cao Oanh.

Trong khi đó, phóng viên trẻ Cao Thị Oanh (Báo điện tử Dân Việt), dù mới trải qua hơn 1 năm tuổi nghề nhưng với Oanh, đó là tình yêu, sự đam mê và dấn thân mỗi khi lên đường tác nghiệp. Oanh cho biết: “Nhớ về những ngày đầu tiên làm báo, tất cả những gì trong tôi lúc đó là tuổi trẻ, xông xáo. Sau những lần tác nghiệp đầu tiên, tôi nhận ra đó là thế mạnh nhưng cũng đồng thời là hạn chế của tôi. Bởi nghề báo không chỉ đòi hỏi sự năng động mà còn phải có kiến thức sâu rộng về bất cứ mọi vấn đề mình tiếp cận”.

Từ một cô gái nhút nhát, Oanh đã trở thành một cô gái đầy mạnh mẽ, ở cái tuổi đôi mươi có thể một mình chạy xe máy như bay để đến hiện trường tác nghiệp. Tuy gian nan vất vả nhưng khi nhìn thấy thành quả của mình xuất hiện trên mặt báo hàng ngày, đó là hạnh phúc lớn nhất của Oanh với nghề nghiệp này.

“Có khi trong cuộc sống sống hằng ngày buộc bản thân phải quên đi rằng mình là con gái, mà chỉ quan tâm đến sự kiện, làm sao lên bài cho kịp giờ. Ngày qua ngày, nghề báo giúp tôi nhận ra nhiều điều mà nếu không trải nghiệm, sẽ không thể nào biết hoặc thấu hiểu sâu sắc. Đó là những chuyến đi, những lần đồng cảm với nỗi bất hạnh của nhân vật hoặc phẫn nộ với tội ác, với sai phạm hoặc tự hào về những điều mà nhân vật của mình đã cống hiến cho xã hội”, nữ phóng viên trẻ cho hay.

Vượt gần 1.000km để viết bài

Nhà báo Nguyễn Huệ (hiện công tác tại Báo điện tử VTC News), suốt 10 năm làm báo không nhớ hết bao nhiêu lần vật lộn chốn rừng thiêng nước độc.

Trao đổi về chuyến đi đáng nhớ nhất, chị Nguyễn Huệ cho biết: “Cuối năm 2018, nhận nhiệm vụ từ tòa soạn, lập tức tôi đã lên đường trên chiếc xe máy Honda Wave đến vùng sâu xa hẻo lánh. Chuyến công tác ấy chỉ trong 4 ngày, tôi đã chạy xe đến 1.000km”.

Chị kể: “Tôi và một nữ đồng nghiệp lên đường và thay nhau đổi lái di chuyển từ Hà Nội lên vùng rốn lũ Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) để thực hiện đề tài “Mà Sa Phìn hồi sinh sau lũ dữ” cho số báo Xuân năm 2018. Chúng tôi lần đầu tiên di chuyển lên vùng này nên chỉ biết sử dụng Google Map để dẫn đường.

Đường từ trung tâm xã Nậm Xây vào Mà Sa Phìn cách chừng hơn 20km nhưng thử thách tay lái còn gấp nhiều lần so với cung đường chúng tôi đi từ Hà Nội lên. Bởi lẽ, đường đi toàn đá hộc, nhiều đoạn cua gấp, dốc dựng đứng... Nhiều đoạn người cầm lái đi theo cảm tính vì không thấy đường đâu. Ngay cả người dân bản địa cũng phải mất đến hơn 1h đồng hồ mới đi vào được. Để đi được trên cung đường ấy, chúng tôi phải chế thêm những thiết bị đặc biệt, thậm chí mang theo trấu để đến đoạn trơn trượt, rắc trấu lên đi tiếp…

“Suốt dọc đường đi, hình ảnh những ngôi nhà bị tốc mái sau trận lũ lịch sử của hơn 1 năm về trước đến giờ vẫn phủ bạt xanh. Hay hình ảnh lam lũ của bà con người Mông, ánh mắt khắc khoải đầy mong mỏi của họ luôn dõi theo xe chúng tôi. Không chỉ thế, Mà Sa Phìn còn u tịch, xơ xác bởi câu chuyện của những người dân trở thành phu đào vàng cho các “bưởng vàng tặc” hay người gùi hàng thuê vào bãi kiếm tiền. Rồi, kẻ mãi mãi ở lại trong rừng, kẻ trở về thành “con” nghiện thân tàn ma dại”, chị Huệ cho hay.

Cũng theo chị Huệ, chuyến đi dù quãng đường tuy dài, thậm chí nhiều người cho là nguy hiểm với 2 người phụ nữ, nhưng với các chị nó thực sự mang lại nhiều cảm xúc và những trải nghiệm trong suốt những năm tháng làm báo

Gắn bó với nghề vất vả là vậy nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, các nhà báo nữ vẫn rất tự hào với lựa chọn của mình. Bởi với họ nghề báo cho họ nhiều trải nghiệm, cơ hội mở mang kiến thức và tầm hiểu biết, mỗi hành trình lại có thêm những bài học bổ ích, quý báu. Dù khó khăn, áp lực nhưng ai đã từng gắn bó với nghề báo thì rất khó để rời xa với sự thú vị và lôi cuốn của nó.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-bao-nu-va-nhung-gian-nan-do-bang-nuoc-mat-20190628155908846.htm