Nhà báo thể thao: Khi cười nụ, lúc khóc thầm
Để hình dung về nghề báo thể thao thì chỉ cần giải câu đố 'Công việc gì mà càng dễ thì… càng khó'. Thật vậy, để bắt đầu công việc của một phóng viên thể thao thì rất đơn giản, nhưng chính vì cái khởi đầu dễ dàng ấy, nên thật sự 'làm được' nghề báo thể thao rất khó.
1. Cố nhà báo Minh Hùng (Báo SGGP) từng có câu nói khiến giới đồng nghiệp một thời nhớ mãi, chính là “Một trận bóng đá có 90 phút, với chừng đó con người trên sân và mọi thứ đều diễn ra trước mắt mọi người, làm sao để thấy được thứ mà ai cũng nhìn mà không thể thấy, thì đấy chính là công việc của người làm báo thể thao”.
Để dễ hình dung hơn, cứ lấy trường hợp của các bình luận viên bóng đá làm ví dụ. Trận đấu chỉ có vậy, nhưng có thể nó sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn khi được bình luận với bình luận viên này (giàu kinh nghiệm, sở hữu vốn kiến thức đa dạng), thay vì một người còn non nghề, chưa có nhiều trải nghiệm cùng bóng đá.
Trong làng báo thể thao vẫn hay nhắc về “huyền thoại” Huyền Vũ (đã mất), người biến các buổi phát thanh bóng đá (khi đó chưa có truyền hình trực tiếp) trên đài Sài Gòn (trước giải phóng) thành sự kiện mà ai cũng quan tâm khi nghe đài. Đơn giản vì qua giọng tường thuật của ông, người nghe có cảm giác đang được ngồi trên sân xem trực tiếp.
Tiếp cận với nghề viết báo thể thao thì đơn giản, nhất là ở thời buổi hiện nay, vì các sự kiện đều được trực tiếp trên nhiều nền tảng internet. Nhưng đó cũng chính là rào cản lớn nhất để một người đam mê thể thao có thể trở thành nhà báo thực thụ. Các sự kiện, nhân vật thể thao càng tiếp cận rộng rãi đến công chúng thì người hâm mộ lại cần đến các thông tin mà họ chưa biết, hoặc những góc nhìn có tính trung lập, chuẩn xác, đa chiều.
Làm sao viết/bình luận về C.Ronaldo và Messi mà lực lượng cổ động viên của cả hai nhân vật này đều chấp nhận, đó chắc chắn không phải việc đơn giản. Bởi khi đó, nhà báo thể thao không chỉ vững vàng về các số liệu chuyên môn mà còn có những phân tích khách quan, đánh giá có cơ sở vững chắc, hay các thông tin được tổng hợp đầy đủ trong một giả thuyết là người đọc/xem còn có nhiều thông tin về cầu thủ của mình hơn cả nhà báo.
Có thể đó là lý do mà ngày càng ít người chọn thể thao làm lĩnh vực theo đuổi khi bước chân vào nghề báo. Ngoài những nghiệp vụ cơ bản của nghề như tường thuật, phỏng vấn, hay thực hiện phóng sự, điều tra thì nhà báo thể thao đang chịu áp lực rất lớn từ sự am hiểu ngày càng rộng của người hâm mộ cũng như sự ràng buộc đang trở nên khắt khe hơn từ yếu tố bản quyền truyền hình, hình ảnh…
2. Những sự kiện thể thao đỉnh cao hiện nay có các tiêu chuẩn tác nghiệp rất cao, không thua kém gì những sự kiện lớn về chính trị, xã hội. Số lượng người được cấp quyền tham gia, được làm gì và không được làm gì, đều được quy định rõ ràng. Thậm chí, ở các cuộc họp báo quốc tế, cần có mối quan hệ với người được phỏng vấn thì mới được chỉ định đặt câu hỏi và nhận câu trả lời.
Nói cách khác, chưa bao giờ, các mối quan hệ lại trở nên quan trọng hơn đối với nghề viết báo thể thao như lúc này. Càng có quan hệ tốt, càng nhận được thông tin mà ai cũng thấy nhưng… không ai biết.
Vẫn như trước, chọn nghề viết báo thể thao là chấp nhận di chuyển liên tục, chịu áp lực về thời gian, nắm vững chuyên môn của môn thể thao mà mình làm, luôn giữ lửa đam mê với nghề báo và với thể thao trong người. Nhưng nay, ở thời đại công nghệ, người làm nghề báo còn phải trau dồi kiến thức nhiều hơn, tích lũy thông tin nhiều hơn, có hiểu biết rộng hơn về những khía cạnh xã hội, hay kinh tế chỉ để phục vụ cho độc giả, khán giả vốn đang đòi hỏi nhiều hơn từ người làm báo thể thao.
Luôn được trân trọng
“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà báo, những người trong suốt hơn 5 năm qua đã hỗ trợ, đồng hành với tôi, với các đội tuyển ở mọi giải đấu. Chính những thước phim và bài viết sâu sắc của mọi người đã tiếp thêm động lực, sự tự tin cho toàn đội hướng những mục tiêu cao nhất. Tôi biết có không ít quý vị từng không hài lòng về một số quyết định của tôi. Song những lời chỉ trích nếu có, tôi xem và nhìn theo hướng khích lệ để bản thân cố gắng và phấn đấu hơn nữa”, HLV Park Hang-seo từng nghẹn ngào chia sẻ ở buổi họp báo cuối cùng trên cương vị HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam hồi năm ngoái.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc sau đó dành cái ôm thật chặt, nắm tay thật chắc với những phóng viên đã lặn lội từ Việt Nam sang Thái Lan tác nghiệp, ủng hộ cho đội tuyển ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022. Đối với phóng viên đeo bám mảng bóng đá, chặng đường đồng hành với thầy trò HLV Park Hang-seo đong đầy cảm xúc, khi được tận mắt chứng kiến những chiến thắng lịch sử, điều mà có thể chỉ trải qua một lần trong đời. Hành trình ấy đẹp như bức tranh, nhưng cũng không thiếu vết gợn. Thậm chí, từng có người suýt mất mạng vì mắc Covid-19 và phải nằm điều trị dài ngày ở xứ người UAE. Song trách nhiệm với nghề, niềm đam mê cùng công việc đã giúp họ chữa lành vết thương thể xác, tiếp thêm động lực về tinh thần để cùng các đồng nghiệp tiếp tục con đường phía trước.
Tác nghiệp ở những sự kiện như SEA Games, chúng tôi luôn có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia. Trong không gian đầy tình thân ái ấy, bên cạnh chủ đề chuyên môn, đôi khi chúng tôi còn vào vai “sứ giả” du lịch, để cùng kể những câu chuyện về quê hương, đất nước của mình. Với những nhà báo thể thao Việt Nam, điều hãnh diện nhất để giới thiệu vẫn luôn là: “Mời bạn một lần đến với Việt Nam, để biết được chúng tôi mến khách cỡ nào, để biết được xứ sở của chúng tôi đẹp đến nhường nào”...
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-bao-the-thao-khi-cuoi-nu-luc-khoc-tham-post694092.html