Nhà báo Trần Mai Hạnh - người đặt nền móng đa phương tiện cho VOV
Nhà báo Trần Mai Hạnh về làm Tổng Giám đốc Đài TNVN và tạo nên nền móng cho tổ hợp truyền thông đa phương tiện. 18h50 ngày 2/4/2024, tại 'Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng', anh nhẹ nhàng về miền mây trắng…
Cơ may, số phận, trí tuệ và bản lĩnh làm người đã tạo nên một vòng tròn khép kín để Anh – nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo TNVN trở lại chiến trường xưa ở tuổi 81, nơi giúp Anh trở thành nhân chứng có tư cách trong các tác phẩm báo chí và văn học về thời khắc lịch sử thống nhất đất nước.
“Chú ơi! Bố cháu vừa mất trong Sài Gòn rồi!..” - Cháu Trần Mai Linh (nguyên Trưởng phòng Phóng viên Báo TNVN) giọng nghẹn lại khiến tôi, do quá đột ngột, lại bị cảm xúc nghẹn ngào của người con trai có tiếng gan góc của Anh chẹn lại, không hỏi được gì thêm.
Biết tôi là người nhận được tin gần như đầu tiên, từ đấy điện thoại tôi liên tục nối thông với nhiều đồng nghiệp VOV chia sẻ sự tiếc thương, trong đó có các giám đốc và đồng nghiệp các cơ quan thường trú VOV TPHCM, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc… là những khối cơ quan mang đậm dấu ấn của Anh. Trên facebook, người nhà Đài đã xuất hiện nhiều sự chia buồn không thể nén… Lãnh đạo Đài TNVN cũng lập tức thể hiện sự quan tâm chỉ đạo trong đêm. Giám đốc VOV TPHCM Nguyễn Ngọc Năm cùng cán bộ của mình đã kịp thời có mặt bên Anh tại Bệnh viện Sài Gòn, cùng người thân của Anh đưa Anh ra sân bay lúc 3h sáng để về Hà Nội trên chuyến bay 6h.
Tình cảm anh chị em VOV dành cho Anh là tất yếu. Anh về làm Tổng Giám đốc Đài TNVN và tạo nên nền móng cho tổ hợp truyền thông đa phương tiện, trong đó Báo Tiếng nói Việt Nam do Anh sáng lập và kiêm Tổng Biên tập đầu tiên là loại hình báo chí thứ hai sau phát thanh truyền thống. Sau đó là Báo điện tử VOV News (tiền thân Báo Điện tử VOV hiện nay) - một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất Việt Nam. Đến nay, VOV đã có đủ 4 loại hình báo chí tạo nên bước ngoặt phát triển mới.
Anh cũng là người quyết định mở các cơ quan thường trú ở nước ngoài đầu tiên của VOV và các cơ quan thường trú khu vực trong nước. Đến nay, VOV đã có 13 cơ quan thường trú nước ngoài và 6 cơ quan thường trú khu vực trong nước.
Với Báo TNVN, Anh không chỉ quan tâm xây dựng đề án, kế hoạch phát triển tờ báo. Ngay cả măng-sét báo, Anh cũng chi tiết với họa sĩ thiết kế về ý tưởng dòng chữ TNVN mang hồn cốt tre trúc, rồi khi bay vào TPHCM làm việc, Anh cũng mang theo để tham khảo ý kiến độc giả phía Nam.
Phong cách làm việc không mệt mỏi và truyền cảm hứng của Anh đã làm nên một tờ báo giấy TNVN ngay từ khi đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của dư luận và người làm báo VOV.
Cách đây 2 tuần Anh còn ngồi với tôi, nói về cuốn sách thứ 5, sau 4 cuốn anh đã xuất bản nối tiếp nhau trong nhiều năm qua, kể từ khi Anh rời khỏi Đài.
Cuốn thứ nhất là tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4.75” mà giá trị của nó không dừng lại ở những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Các cuốn tiếp theo, có cuốn dày gần 900 trang, lần lượt là “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”, “Viết và đối thoại”. Và cuốn này, như một sự quyết toán cuộc đời Anh: “Sống đến bình minh”.
Một sức làm việc không tưởng khi Anh đã ở tuổi 80. Nói đúng hơn, đó là một ý chí thép, một nghị lực phi thường, một sự minh triết được chưng cất từ hoàn cảnh nghiệt ngã. Trước khi về làm Tổng Giám đốc Đài TNVN Anh đã bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một mắt bị hỏng hoàn toàn. Rồi “tai họa nghề nghiệp” ập đến. Chính thời điểm có thể gục ngã Anh lại tĩnh lặng, minh triết đến vô cùng. Sự minh triết giúp Anh tĩnh lại, ý thức hơn về cơ may chứng kiến thời khắc lịch sử mà mình có được, để cho ra đời những tác phẩm để đời: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.
Cũng như cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, Anh lại say sưa nói với tôi về cuốn “Sống đến bình minh”. Cho tôi xem bìa sách đã in mẫu rất ấn tượng, những bức ảnh được Anh tâm đắc lựa chọn khá kỹ lưỡng và mang nhiều thông điệp.
Năm 2013, sau nhiều năm im lặng, từ chối trả lời phỏng vấn, Anh đồng ý để tôi phỏng vấn nhân kỷ niệm 30/4 và 1/5. Có thể do Anh vẫn "nặng nợ" với tờ báo mà Anh “mang nặng đẻ đau”. Cũng có thể do số phận của Anh luôn vẽ ra những vòng tròn khép kín.
Khi còn làm lãnh đạo các cơ quan báo chí, từ tờ Tuần tin tức, Nhà báo và Công luận đến Tổng Giám đốc Đài TNVN, ở đâu có Anh, ở đó tính chiến đấu của tờ báo đều có sức thuyết phục dư luận. Sự thuyết phục bắt nguồn từ sự̣ dấn thân của các nhà báo.
Tôi biết và vẫn dõi theo chuyến đi này của Anh. Đi cùng Anh là người em trai Trần Mai Hưởng. Hai anh em cùng làm báo, cùng là phóng viên chiến trường, cùng có mặt tại Dinh Độc lập chứng kiến thời khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào trưa ngày 30/4.1975, để rồi cùng trưởng thành, nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của 2 cơ quan báo chí hàng đầu đất nước là Đài TNVN và TTXVN.
Chuyến đi này vì thế thật đẹp và ý nghĩa biết bao, hai anh em lại kề vai thăm lại chiến trường xưa trước ngày lịch sử 30/4 đang đến.
“Sống tới bình minh” – Anh đã sống như tên cuốn sách. Cuốn sách rồi sẽ được in. Với tôi giờ đây khó có bức ảnh nào đẹp một cách trong sáng hơn gương mặt sinh viên văn khoa Trần Mai Hạnh ngày rời giảng đường đại học sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.
“Biên bản chiến tranh 1.2.3.4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”, “Viết và Đối thoại”, “Sống đến bình minh” và hơn thế…
Rồi cuối cùng, một vòng tròn lớn đã khép kín. Anh về lại chiến trường xưa, nơi Anh – một nhà báo được chọn làm chứng nhân thời khắc lịch sử và đã làm hết trách nhiệm, Anh nhẹ nhàng bay về miền mây trắng.
Để lại một thông điệp làm Người.
Tiếc thương tiễn biệt Anh!