Nhà báo trong 8 người thoát nạn trở về từ tiểu khu 67:Đồng đội ơi, xin vĩnh biệt các anh!
Đồng đội ơi! Các anh ơi! Vậy là các anh đã ở lại lòng đất mẹ nơi núi rừng thiêng xứ Huế. Lễ truy điệu và an táng các anh, tôi cùng các anh em trong đoàn công tác may mắn thoát nạn khỏi đống đất đá hoang lạnh hôm ấy đã không thể đến thắp nén hương tiễn biệt được. Trên giường bệnh điều trị vết thương sau vụ sạt lở kinh hoàng, tôi xin viết những dòng này, xin gửi nén hương thơm vĩnh biệt các anh, mong các anh yên lành miền cực lạc.
Trái tim người lính luôn kiên trung, không cho phép yếu mềm dù trong bất kỳ trong hoàn cảnh nào, vậy mà giờ đây nhớ lại từng chặng đường hành quân, từng khoảnh khắc bên nhau giữa rừng đêm xứ Huế, tôi đã không thể cầm được nước mắt; xót xa và thương nhớ các anh, nhưng lòng tôi cũng tự hào khi đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng vì nước, vì dân.
Sáng sớm 12-10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy đoàn công tác của quân khu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đi xuồng thị sát dọc sông Hương, sông Ô Lâu. Anh lệnh cho xuồng đi chậm, sát bờ nhằm phát hiện người dân cần giúp đỡ, cứu trợ. Trời mưa ràn rạt, giữa mênh mông biển nước, suốt cả buổi sáng, lúc nào, anh cũng đứng ngoài mạn thuyền, ánh mắt không ngừng quan sát.
Mỗi thùng mì tôm, gói nhu yếu phẩm được trao cho người dân; từng đợt xuồng đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm là mỗi lần nét mặt anh bớt lo lắng. Đến 11 giờ 30 phút, sau khi nghe báo cáo về vụ sạt lở nghiêm trọng ở Thủy điện Rào Trăng 3, khuôn mặt Thiếu tướng Nguyễn Văn Man biến sắc, anh lập tức hạ lệnh cho xuồng trở lại bến, để cơ động đến thủy điện. Anh nóng ruột chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng triển khai các biện pháp để cơ động đến với dân một cách nhanh nhất.
Xuyên trưa vượt nước lũ, đến 14 giờ 45 phút, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Con đường 71 đến Thủy điện Rào Trăng nước ngập qua đập tràn, khiến xe không thể cơ động qua. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man hội ý nhanh với đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (nay là Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng), Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu: Để lại xe ô tô, lội bộ vượt tràn. Từ 15 giờ, đoàn công tác đi bộ đường rừng trên đường 71. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhiều đoạn dốc cao, sương mù trời trở nên âm u, không còn sóng điện thoại để liên lạc… nhưng vì phía trước là người dân đang chờ với hy vọng đến sớm để kịp thời đánh giá tình hình, tập trung cứu nạn, đoàn công tác rảo bước nhanh hơn. Trên quãng đường hành quân xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, bùn đất nhão nhoét, màn đêm bắt đầu buông xuống, mưa không ngừng rơi. Quá trình lội bộ, hầu như bàn chân ai cũng lún sâu dưới lớp bùn nhão, bị cành cây, đá sắc nhọn cứa vào, trầy xước. Nhưng nhìn ánh mắt cương nghị, đôi chân đạp đá vượt lên các điểm sạt lở, dẫn đầu đoàn quân, hướng về phía trước của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, cùng với hình ảnh các công nhân của thủy điện đang chới với, tuyệt vọng giữa bùn nước, mọi người nén đau vượt lên, tiếp tục hành quân. Mỗi khi vượt qua các điểm sạt lở đất, cả đoàn lại đứng lại để hỏi thăm, động viên nhau, ai bị thương, đi lại khó khăn được đồng đội thay nhau dìu đi.
Xuyên màn đêm trong mưa rừng xứ Huế đầy hiểm nguy bởi nguy cơ sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào, đến 19 giờ 45 phút, sau khi đi bộ đường rừng được hơn 10km, trời tối như bưng, mưa càng ngày càng lớn, quãng đường đến Thủy điện Rào Trăng 3 còn hơn 5km, đoàn công tác quyết định dừng chân nghỉ qua đêm tại Trạm Quản lý, bảo vệ rừng sông Bồ, thuộc Tiểu khu 67.
Trạm Quản lý rừng sông Bồ lúc này không có ai. Trong nhà có 4 gian (một gian bếp, 2 gian phòng nghỉ và một phòng giao ban). Thiếu tướng Nguyễn Văn Man lệnh cho thông tin triển khai máy báo về Sở chỉ huy tiền phương hành trình của 21 người trong đoàn công tác và đang nghỉ dừng chân tại Trạm Quản lý, bảo vệ rừng sông Bồ, sáng sớm mai sẽ tiếp tục hành quân vào đến Thủy điện Rào Trăng. Đồng chí lệnh cho 3 đồng chí: Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến, Quân khu 4; Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục đi sâu khoảng một giờ đồng hồ vào hướng đến thủy điện để thị sát tình hình, về báo cáo để đoàn sáng sớm mai tiếp tục hành quân.
Khi ấy ở khu vực bếp, mọi người phát hiện có 3 thỏi lương khô và một thùng gạo nhỏ, cùng một số quần áo khô của các đồng chí kiểm lâm để lại. Mọi người nhường nhau từng mẩu lương khô và quyết định nấu cơm bởi không thể chờ được việc tiếp tế lương thực từ Ban CHQS huyện Phong Điền, vì đường vào nhiều điểm sạt lở. Anh em tìm được trong phòng một chiếc áo gió, nhường cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khoác vào cho đỡ lạnh. Nhưng anh không nỡ mặc mà muốn dành cho anh em khác. Sau khi anh em năn nỉ, Thiếu tướng mới chịu mặc…
Nấu được nồi cơm trong hoàn cảnh này cũng là một kỳ tích, bởi củi ướt nhèm, mọi người tìm được 2 hộp bìa cát tông đựng mì tôm và một đoạn chừng 20cm lốp xe máy. Mọi người hong khô bìa cát tông trước, rồi đốt để sấy khô từng đoạn củi nhỏ mới nhóm được lửa. Đến 21 giờ 30 phút, nồi cơm chín cũng là lúc 3 đồng chí đi thị sát về báo cáo: Phía trước khoảng 3km còn có 3 điểm sạt lở, đất tràn xuống đường. Lúc này, ánh mắt Thiếu tướng Nguyễn Văn Man chùng xuống, anh động viên anh em: “Vì nhiệm vụ, vì nhân dân đang gặp nạn, chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Dù khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Sáng mai chúng ta phải dậy thật sớm để đến được người bị nạn sớm nhất có thể…”.
Bữa cơm muộn giữa thăm thẳm núi rừng, chỉ có cơm trắng với nước mắm. Từ vị tướng đến anh em trong đoàn công tác chia nhau từng thìa nước mắm. Ai cũng muốn nhường phần của mình cho đồng đội. Đúng lúc này, tôi lấy máy ra quay lại khoảnh khắc của đoàn công tác, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man còn căn dặn: “Hình ảnh anh em mình vất vả giữa rừng để lại làm kỷ niệm nhé, đừng gửi phát sóng báo đài nào cả. Với lại dành pin máy, ngày mai vào đến nơi còn quay hiện trường mà báo cáo ban chỉ đạo để có phương án chi tiết, cụ thể cứu hộ, cứu nạn hiệu quả…”.
Không thể ngờ đó là lời dặn dò cuối cùng của vị tướng nhân hậu mà cương trực dặn dò tôi. Dù khó khăn, vất vả, nhưng anh cũng không muốn ai biết đến mà lúc nào cũng nghĩ cho người khác, cho người dân đang gặp nạn. Sau này, khi đồng đội tìm được chiếc máy quay đã bị đất đá làm hỏng, chỉ khôi phục được từng đoạn ngắn trong thẻ nhớ. Xem lại những hình ảnh khi nằm trên giường bệnh, tôi không thể cầm lòng, nước mắt cứ thế rơi...
Tôi và bảy người còn lại may mắn chạy thoát khi hàng nghìn khối đất đá đổ xuống, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh ngay trước mắt. Chúng tôi quay lại gọi lạc cả giọng, hy vọng còn người sống sót, vậy mà chỉ có tiếng đất đá đang chực tràn đổ xuống cùng tiếng “răng rắc”, gãy đổ của các bức tường còn sót lại, hòa lẫn tiếng mưa ràn rạt. Nỗi đau đớn tột cùng làm chân tay chúng tôi bủn rủn. Rồi đợt sạt lở lần hai đổ xuống, không còn một chút hy vọng, chúng tôi như muốn ngã quỵ. Thương các anh, thương đồng đội mình vô cùng...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các đồng đội của chúng tôi ra đi mãi mãi, đi về phía nhân dân, để lại sự khâm phục, tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Sự hy sinh anh dũng của các anh thắp lên trong trái tim cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang toàn quân những ngọn lửa của lòng dũng cảm vì nhân dân phục vụ, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng.