Nhà báo Tuyết Nhung hồi ức về bữa cơm nhà và căn bếp tối

Nhà báo Tuyết Nhung có nhiều năm công tác tại Ban Văn hóa - Xã hội, Đài phát thanh - Truyền hình Hà Nội và được biết đến là người lưu giữ 'đặc sản' Hà thành, bởi vậy đến với chương trình Quán Thanh xuân tháng 11 với chủ đề 'Thương mãi bữa cơm nhà' chị đã có nhiều câu chuyện xúc động về những bữa cơm thời bao cấp.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, với nhà báo Tuyết Nhung thì mảnh đất này luôn đong đầy thương nhớ. Thời kỳ làm ở Đài phát thanh - Truyền hình Hà Nội, bà luôn trăn trở về cách thể hiện tình yêu Hà Nội như thế nào cho khán giả đồng cảm cũng như khơi gợi tình yêu ra sao để thế hệ trước, thế hệ sau cảm thông và thấu hiểu. Trong đó, “Hà Nội của chúng ta” là một trong những chương trình đặc sắc về Hà Nội gắn liền với tên tuổi nhà báo Tuyết Nhung.

Thời bao cấp trong ký ức của nhà báo Tuyết Nhung là những gian bếp thanh bạch được thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của biết bao khu nhà tập thể, của những hộ dân cư chen chúc, ám mùi mắm muối, mùi đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn mùi khói dầu, khói than tổ ong… Bếp dầu, bếp than rồi bếp điện may xo gắn với từng câu chuyện đặc trưng: xếp hàng đong dầu, khêu bấc, thay bấc cho đến nhóm, quạt bếp than, khều than, đun trộm điện.

Nhà báo Tuyết Nhung tại gian hàng mậu dịch.

Nhà báo Tuyết Nhung tại gian hàng mậu dịch.

“Thời đó, cán bộ mới có bếp dầu, gia đình bình thường đun bằng mùn cưa, quét lá rụng về đun, sau đó mới có than quả bàng. Vì gia đình không có tiêu chuẩn bếp dầu nên mẹ tôi khéo léo "chê" là bếp dầu hôi. Chỉ có bà đẻ hoặc đến Tết mới được ăn nước mắm loại tốt, còn thường sẽ là loại 2, mùi nồng nặc. Các mẹ phải cho lên đun nước mắm, hòa nước và muối vào để bớt mùi. Mỗi lần có nhà nào đun nước mắm thì cả khu khổ.

Gạo mốc, phải vo 2- 3 giá: giá 1 để nhặt thóc, cỏ lồng vực, giá 2 để nhặt sạn. Bát cơm gạo trắng là mơ ước của cả một thời. Vì gian khó mà đã nảy sinh vô vàn sáng kiến để xoay sở bữa cơm gia đình. Từ những việc đòi hỏi một sự can đảm nhất định như buôn tem phiếu đến những tiểu tiết như: Quấn vải sạch vào đầu đũa, nhúng một lớp mỡ bôi mỏng khắp chảo để xào rán, lấy lá chuối lót lên chảo để rán đậu không sát, không cháy trong điều kiện không có mỡ...”, nhà báo Tuyết Nhung kể.

Nhà báo Tuyết Nhung trong chương trình Quán Thanh xuân số 11.

Nhà báo Tuyết Nhung trong chương trình Quán Thanh xuân số 11.

Cũng trong chương trình, nữ nhà báo còn kể về ký ức khi mẹ dạy làm món trứng rán, trứng thì ít mà bột mỳ thì nhiều. Rồi bà đã kể về mẹ có nuôi mấy con gà đẻ trứng, nhưng tiết kiệm vô cùng, lúc nào cũng tích trữ mà tích trữ đến hỏng cả trứng nhưng vẫn ăn. Những món ăn như bánh đúc ngô, bánh cuốn ngô, cà muối, canh dưa cá… cũng hiện lên sinh động qua cách kể chuyện dí dỏm của nữ nhà báo. Nói về việc lưu giữ những món ăn của người Hà Nội, nhà báo Tuyết Nhung cho biết, đó là do mẹ và dì truyền dạy lại cho mình từ hồi tấm bé.

Bà khẳng định, chúng ta không thể ca tụng thời bao cấp, nhưng thời đó để lại cho mỗi chúng ta nỗi nhớ da diết, không thể nào quên. “Căn bếp với tôi luôn là điều kỳ diệu, là hình bóng của mẹ, của dì, là những lúc bé hai chị em nấu cơm. Tôi nhớ chạn bát đã có trong căn bếp tối từ lúc tôi sinh ra và lớn lên, trưởng thành. Khi lấy chồng rồi trở về nhà đã thấy tủ nhôm kính sáng loáng lại khiến mình nhớ căn phòng bếp tối vô cùng. Có thể nói bữa cơm và căn bếp tối ấy luôn thắm đượm tình gia đình, nuôi ta khôn lớn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn”, nhà báo Tuyết Nhung kể thêm...

Với nhà báo Tuyết Nhung thì những kỷ vật làm bếp của người mẹ để lại là vô giá, bởi nó gắn bó với bà suốt những năm sống bên mẹ, là cả bầu trời thương nhớ.

N.K

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nha-bao-tuyet-nhung-hoi-uc-ve-bua-com-nha-va-can-bep-toi-115164.html