Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh hóa thân và tiếp tục dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam
Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta; đồng thời, là người khai sinh, xây dựng, người thầy của nền báo chí cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến trọn vẹn và hòa quyện cả cuộc đời mình trong Đảng, hóa thân trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Người khởi đầu sự nghiệp cách mạng từ làm báo và bằng làm báo. Mục đích của cuộc cách mạng - do Đảng ta lãnh đạo mà Người sáng lập và là Lãnh tụ - một cuộc cách mạng nhằm cởi ách nô lệ cho cả dân tộc, giải phóng nhân dân, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa. Và, mục đích của cuộc cách mạng cao cả mà Người theo đuổi đã tôi luyện Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành một nhà báo vĩ đại. Chỉ trong 19 năm (1922-1941), Người sáng lập, trực tiếp tổ chức biên tập, trình bày và phát hành 8 tờ báo và tạp chí chủ lực Le Paria (Người cùng khổ), Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam Độc Lập và Cứu Quốc) với con số tác phẩm khổng lồ: hơn 2.000 bài báo dưới 200 bút danh, nhưng Người tột đỉnh khiêm cung, trước sau vẫn chỉ tự nhận mình có “duyên nợ với báo chí”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - Ảnh tư liệu
Đối với Người và ở Người, nhà cách mạng và nhà báo thống nhất tạo nên Người. Và, dưới sự dẫn dắt của Người, Đảng ta, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện đều coi công tác báo chí là một bộ phận hợp thành chỉnh thể hữu cơ của sự nghiệp cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển báo chí là một phương diện “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng” hết sức quan trọng.
Toàn bộ cuộc đời nhà cách mạng - nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh là hệ giá trị quy chiếu một cách thống nhất và triệt để làm nên tất cả quan niệm và nỗ lực của Đảng trong việc xác lập phẩm giá và cương lĩnh phát triển nền báo chí cách mạng trong lịch sử cách mạng của dân tộc vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt một thế kỷ qua.
Xây dựng một nền báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội vừa là diễn đàn của nhân dân
Trong bóng tối của lịch sử dân tộc 67 năm kể từ năm 1858, “ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo... Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ”(1), bởi ách nô dịch dân tộc và sự cấm đoán của chủ nghĩa thực dân.
100 năm trước, ngày 21-6-1925, với tầm viễn kiến, sự nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, tờ Thanh Niên - đứa con nòi của nền báo chí cách mạng ra đời - khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Và, gần 5 năm sau đó, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đúng ngày ra đời của mình 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định: "Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền"(2).
Như vậy, ngay từ thuở cách mạng trứng nước, Hồ Chí Minh ý thức rõ rằng và bằng hành động khẳng định, báo chí là một mặt trận để "tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng". Và, dù vừa khai sinh, Đảng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam theo tầm nhìn và tư tưởng ấy của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Hơn 95 năm hoạt động, Đảng ta nỗ lực không mệt mỏi tạo dựng tất cả điều kiện cho phép và trong khả năng có thể, vì sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi bước trưởng thành của Đảng, của Nhà nước ta là mỗi bước nâng nền báo chí lên một vị thế và tầm cao mới; và mỗi bước phát triển của báo chí lại là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của Đảng, của chế độ; là động lực mạnh mẽ và quan trọng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao trình độ dân chủ của xã hội, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta vươn lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, củng cố vững chắc chế độ xã hội ta. Và, dưới ngọn cờ của Đảng, báo chí ngày càng xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là phương tiện bảo đảm dòng thông tin hai chiều từ Đảng và Nhà nước tới nhân dân và ngược lại, tạo nên sự hài hòa, thống nhất giữa ý Đảng với dân; là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp lãnh đạo và quản lý đất nước, nói tiếng nói của nhân dân; đồng thời là diễn đàn của nhân dân trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 4-1959, tại Đại hội thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó"(3). Đó là mục tiêu hoạt động, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, là sự nghiệp trọng đại thử thách bản lĩnh, là môi trường phát triển, là thước đo phẩm giá và hiệu quả của nền báo chí nước nhà 100 năm xuyên qua hai thế kỷ XX và XXI.
Xứng đáng là con đẻ của phong trào cách mạng, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lý luận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, báo chí cách mạng nước ta được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, với chủ đề trung tâm và quán xuyến toàn bộ sự nghiệp cách mạng và đời sống báo chí là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong dòng chảy của lịch sử cách mạng, tiếng nói Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội mà báo chí nước ta lãnh nhiệm; diễn đàn của toàn thể nhân dân nước ta mà báo chí gánh vác ngày càng toàn diện, rộng khắp trong sự phát triển rộng lớn về quy mô, sâu sắc và phong phú về tính chất, mạnh mẽ về tốc độ phát triển và đa dạng về hình thái, thể loại, tạo nên gương mặt báo chí bản sắc Việt Nam trong sự phát triển đa dạng, phong phú của nền báo chí thế giới.
Dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi bước phát triển, báo chí cách mạng càng hội tụ và thống nhất hữu cơ với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Trong lòng dân tộc, báo chí không ngừng trưởng thành toàn diện và mạnh mẽ trong sứ mệnh phục vụ chế độ, phục vụ Tổ quốc và phụng sự nhân dân. Và, đến lượt đất nước, vì "chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”, “mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý"(4), báo chí càng tìm thấy cơ hội và môi trường phát triển không ngừng và ngày càng xứng đáng là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể, dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đó là chân trời hoạt động 100 năm qua và tương lai của báo chí nước nhà.
Diễn đạt một cách hình ảnh, hơn bất cứ ngày hội nào khác, cách mạng là lý tưởng, là môi trường, là ngày hội của báo chí cách mạng; và báo chí cách mạng, đến lượt nó, lại cất cao tiếng nói của cách mạng, hành động vì dân tộc, vì đất nước, vì nhân dân và phụng sự Tổ quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng, dưới ngọn cờ của Đảng, không ngừng tiến lên. Chính tất cả điều đó đã tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Nhìn rộng lớn và bao quát hơn, toàn bộ sự vận động và phát triển của báo chí nước nhà được bảo đảm và quán xuyến bởi một hệ điều kiện cần thiết và đủ mạnh do cách mạng tạo ra để thực hiện trọn vẹn, đầy đủ, sâu sắc, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ và chức năng của mình, khẳng định vị thế, sức mạnh và uy tín của nền báo chí cách mạng trong sự phát triển của đất nước và báo giới quốc tế. Và, trải 100 năm, hiện nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển toàn diện, mạnh mẽ và giữ vị trí xứng đáng trong nền báo chí toàn cầu.
Không có Nguyễn Ái Quốc không có nền báo chí cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam; và càng không có sức mạnh và tương lai của nền báo chí cách mạng trên nền móng 100 năm xây dựng và trưởng thành, dưới ngọn cờ của Đảng, đi qua thế kỷ XX và đồng hành cùng lịch sử dân tộc bước tới kỷ nguyên mới trong tầm nhìn năm 2045.
(còn nữa)
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.404.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.12.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.410.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2011, t.8, tr.216.