Nhà cách mạng kiên trung, linh hồn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1-2-1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện là một trí thức giàu nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên, góp phần tích cực vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương sáng về giác ngộ lý tưởng cách mạng, kiên trung, bất khuất, luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đạo đức và tài năng của đồng chí đã chiếm trọn lòng tin của đồng chí, đồng bào, khích lệ, cổ vũ cán bộ, đảng viên.THÀNH VIÊN SÁNG LẬP CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN TẠI HÀ NỘI

Từ nhỏ, với trí thông minh, hiếu học và sự quan tâm của gia đình, đồng chí Nguyễn Phong Sắc sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung, sau đó vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương (năm 1924) và nhanh chóng trở thành một viên chức cao cấp. Tại đây, đồng chí có điều kiện nhìn nhận rõ hơn sự bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến đối với nhân dân ta, ý chí làm cách mạng càng nung nấu rõ hơn trong tâm trí Nguyễn Phong Sắc.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; những bài báo của Xứ ủy Trung kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; những bài báo của Xứ ủy Trung kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Vào làm việc ở Sở Tài chính, ông vẫn giữ quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi là Trần Quang, Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ), Trịnh Bá Bích. Chính từ nhóm bạn này, đồng chí đã được ông Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và đồng chí đã lấy tên mới - Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng thoát khỏi đời nô lệ.

Ngôi nhà 152 Bạch Mai từ đó trở thành cơ sở bí mật và ít lâu sau là nơi tổ chức các cuộc họp của Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ. Đồng chí còn góp cho tổ chức một nửa số tiền lương hằng tháng để giúp việc in ấn, mua sách báo, tài liệu trong điều kiện tài chính của tổ chức rất khó khăn.

Năm 1927, Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ việc làm của một viên chức cao cấp trong chính quyền thực dân, với mức lương cao để lựa chọn con đường đầy chông gai, thử thách nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang - đó là con đường cách mạng. Tháng 6-1927, đồng chí được cử vào Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư. Đây là Tỉnh bộ Thanh niên đầu tiên trong cả nước. Tỉnh bộ Thanh niên tiếp tục phát triển chi hội ở các vùng ven nội và cả nội thành Hà Nội. Nhà đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn là nơi hội họp, ăn ở của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung...

Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại buổi tiếp đón con cháu liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6-5-1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”. Tri ân người cán bộ xuất sắc của Đảng ta, nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã xin được để đồng chí Nguyễn Phong Sắc an nghỉ đời đời trong lòng đất xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Từ hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, với sự nhạy cảm và tư duy chính trị, Nguyễn Phong Sắc đã sớm nhận thấy yêu cầu đặt ra phải có một tổ chức Đảng Cộng sản. Đồng chí là một trong những thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội (tháng 3-1929); tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6-1929), trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công vào Trung kỳ để xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng.

Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung kỳ đã được thành lập do đồng chí làm Bí thư và chỉ đạo, trực tiếp xây dựng các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhiều tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế...

Mùa Xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung kỳ. Đồng chí đã chủ trì thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời; từ đó đồng chí tích cực tham gia xây dựng và phát triển tổ chức Đảng.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn chú trọng gắn công tác xây dựng Đảng, với xây dựng các tổ chức quần chúng và phát triển phong trào cách mạng. Chính vì vậy, cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 ở Trung kỳ nói chung, Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng đã ngày càng phát triển, đưa tới việc thành lập chính quyền Xô viết trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh.

CÂY BÚT SẮC SẢO, ĐA TÀI

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một cây bút sắc sảo và rất đa tài trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Sở trường đó đã được thể hiện qua sự tín nhiệm của Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, họp ngày 28-3-1929 tại tỉnh Sơn Tây, đã phân công đồng chí Nguyễn Phong Sắc phụ trách công tác tuyên truyền. Nhiệm vụ của đồng chí là phải vận động, truyền bá ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tác phẩm “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sâu rộng trong các tầng lớp Công - Nông, nhằm xúc tiến việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội chúc Tết, tri ân gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc nhân Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Lãnh đạo thành phố Hà Nội chúc Tết, tri ân gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc nhân Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Hội nghị ngày 21-7-1929 của Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã quyết định phân công 2 đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách phong trào cách mạng ở Trung kỳ. Dựa vào một khu vực có nhiều thuận lợi cho việc tuyên truyền cách mạng, đồng chí đã chọn Vinh - Bến Thủy làm điểm mở đầu cho các cuộc vận động, giác ngộ cách mạng cho quần chúng Công - Nông, thợ thuyền và dân cày.

Từ địa điểm Vinh - Bến Thủy, dần dần đồng chí Nguyễn Phong Sắc mở rộng địa bàn hoạt động, tuyên truyền ra các vùng lân cận như: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Anh Sơn, Hà Tĩnh… Đó là tiền đề mở đầu cho một phong trào cách mạng long trời chuyển đất sau này với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Vào đầu những năm 1930, với những bài viết trực tiếp cùng với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, các tờ báo ‘Xích Sinh”, “Bôn Sê Vích”, “Công Hội” và “Công Nông Binh” đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Các bài viết của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đăng trên các tờ báo nói trên đã định hướng cho sự hợp nhất của các tổ chức tiền thân của Đảng ở Nghệ Tĩnh, đón nhận sự ra đời của một chính Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3-2-1930. Những bài báo do đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết lúc bấy giờ đã thực sự có tác dụng: “Tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”…

Tháng 3-1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần II ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh. Bị tra tấn dã man nhưng đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch đã xử bắn đồng chí ngày 26-5-1931 tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202201/ky-niem-120-nam-ngay-sinh-dong-chi-nguyen-phong-sac-1-2-1902-1-2-2022-nha-cach-mang-kien-trung-linh-hon-cua-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-943516/