Nhà cách mạng Trần Chí Hiền: 19 tuổi 'quăng thân vào gió bụi'

Từ những năm còn niên thiếu tới tuổi 'xưa nay hiếm', cụ Trần Chí Hiền đã góp công lớn cho sự nghiệp cách mạng nhưng luôn khiêm nhường, lặng lẽ... Ông Trần Chí Thọ vẫn nhớ như in những lời kể của cha mình - nhà lão thành cách mạng Trần Chí Hiền - về những ngày Thu Tháng Tám của 75 năm trước với những câu chuyện khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp đầy 'máu và hoa' mà ít người trẻ hôm nay có thể hình dung được.

Rời trường Quốc học Huế theo cách mạng

Trần Chí Hiền sinh năm 1917 trong một gia đình nghèo ở phố Đông Ba, TP Huế. Xóm nghèo của Hiền gần đồn Mang Cá của quân Pháp. Lớn lên, nhờ học giỏi, Trần Chí Hiền được vào Trường Quốc học Huế. Nhiều nhà hoạt động nổi tiếng và tri thức xuất sắc của Việt Nam đã từng học ở trường này như: Nguyễn Tất Thành; Trần Phú; Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…

Hiền bước chân vào Quốc học Huế chỉ sau mấy năm trường này vừa trải qua những cơn “phong ba” đấu tranh của học sinh toàn thành phố, mà khởi đầu là từ trường Quốc học: Đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1926), bãi khóa đòi dân chủ học đường (1927)… Những gì diễn ra sau đó với cậu học sinh Trường Quốc học Huế này giống như bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu diễn tả: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”…

Sớm giác ngộ cách mạng, vào những năm 1935, Trần Chí Hiền được gặp một số lãnh đạo của Mặt trận Dân chủ Đông Dương như Nguyễn Chí Diễu (Bí thư xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương)... Thế nhưng một biến cố đã khiến cuộc đời cậu học trò Trường Quốc học Huế rẽ sang hướng khác.

 Từ trái qua phải: ông Trần Chí Hiền, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Nguyễn Văn Cung, Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cùng Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh tư liệu.

Từ trái qua phải: ông Trần Chí Hiền, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Nguyễn Văn Cung, Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cùng Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh tư liệu.

Trong giờ lên lớp của một giáo sư người Việt ở trường Quốc học, ông ta thao thao bất tuyệt về “công ơn khai hóa của nhà nước bảo hộ với dân An Nam”, mỉa mai “các hành động phản loạn” của hai cụ Phan, phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ và Xô Viết Nghệ Tĩnh… Cả lớp im lặng, không một tiếng nói cười… Bất ngờ Trần Chí Hiền đứng dậy ngắt ngang lời ông thầy bằng một tràng tiếng Pháp: “Thưa thầy… Ông nói sai rồi! Các phong trào mà ông vừa nêu ra (hai cụ Phan, chống sưu thuế, Xô viết Nghệ Tĩnh…) tuy còn nhiều thiếu sót về hành động, nhưng đã thể hiện đúng tình hình thời cuộc của nước Nam ta. Nếu nhà nước “bảo hộ” không kịp thời tỉnh ngộ, họ sẽ phải trả giá đắt! Nay người dân Việt đã biết mình là ai và cần làm gì…”.

Nói xong, cậu học trò đội mũ, xách cặp bước ra khỏi lớp. Đó là một ngày nắng ráo cuối năm 1936. Khi đó Hiền mới 19 tuổi và đã học gần hết đệ tam niên trung học của Quốc học Huế. Hành động đó đã khiến Hiền vào “sổ đen” theo dõi của mật thám Pháp, kể từ đây chàng thanh niên này bắt đầu “quăng thân vào gió bụi”. Để thoát khỏi sự theo dõi của mật thám, Hiền đi tàu hỏa ra Bắc lên tận vùng biên giới Lạng Sơn xin vào làm phu đập đá ở một công trường làm đường xe lửa, vừa để tự sống vừa nghe ngóng. Làm phu đá một thời gian, biết mình đang bị mật thám cho vào tầm ngắm, Trần Chí Hiền trở về Huế, tạm ẩn cư trong vỏ bọc người làm vườn. Nhưng chỉ ít lâu, Hiền bị mật thám Pháp bắt đi tra tấn, không khai thác được gì, chúng thả, rồi lại bắt. Hiền bị đưa đi “an trí” ở Trà Khê phía tây Phú Yên, nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, bốn bề núi non hiểm trở cùng các nhà cách mạng: Hà Huy Giáp, Lưu Quý Kỳ, Bùi Công Trừng, Hồ Tùng Mậu… Khoảng một tháng sau bọn Pháp quản lý trại tù Trà Khê đã tập trung tù nhân lại và tuyên bố “phóng thích” một số lượng lớn tù nhân, trong đó có Trần Chí Hiền. Về Huế, nắm bắt tình hình, Hiền lao vào hoạt động ngay dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Chí Thanh -Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế.

Một hôm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hẹn gặp riêng Hiền trao đổi: Các tỉnh nam Trung kỳ (từ Khánh Hòa đến Bình Thuận) đang có nhiều khó khăn, đa phần còn là vùng trắng (chưa có tổ chức Việt Minh). Nhân dân vẫn rất hăng hái, nhưng sau các vụ đàn áp vừa qua, các cơ sở mất nhiều… Đoàn thể định cử cậu vào một trong các nơi đó để gây dựng lại phong trào, gấp rút lập các tổ chức Việt Minh… Hiền nhận lời lên đường ngay tới Nha Trang - Khánh Hòa-vùng đang gặp nhiều khó khăn nhất. Nhưng đây lại là vùng có vị trí chiến lược của Nhật ở Đông Dương, có căn cứ quân sự Cam Ranh lợi hại, áp sát đường vận chuyển quốc tế trên Biển Đông… Quân Nhật đóng cả sư đoàn ở đây (hơn một vạn quân), hơn 1.000 quân Pháp, các đảng phái phản động hung hãn… Đến Nha Trang, Trần Chí Hiền ở trọ trong mấy xóm nghèo (Xóm Cồn, Xóm Bóng, Cầu Đá…) trong bộ dạng người đi xin việc, bán hàng vặt, hoặc đi tìm bà con…

Lân la dò hỏi mấy cơ sở các anh Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn giới thiệu mà giật mình: Hầu như họ đều bị bắt, hoặc đã lánh đi cả… có người nghe nói còn bị Nhật bắt đem ra chém đầu để thị uy... Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1945, bằng sự vận động kiên trì và tích cực, Trần Chí Hiền và các đồng chí đã gây dựng được rất nhiều cơ sở Việt Minh ở Nha Trang (cả trong công nhân, nông dân, công chức và binh lính). Ban lãnh đạo chung cho Việt Minh Nha Trang được thành lập, trong đó Trần Chí Hiền phụ trách chung, đặc trách việc chuẩn bị khởi nghĩa.

Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ở Nha Trang, Nhật bắt 1.200 tên Pháp nhốt trong khách sạn Cơvan, giữ nguyên bộ máy bù nhìn Nam triều…

“Thời cơ đến rồi, phải chớp lấy ngay...”

Trong một đêm tối trời ở miền cực Nam Trung Bộ- Nha Trang, thừa ủy quyền của Tổng bộ Việt Minh cấp trên, Trần Chí Hiền khẩn cấp triệu tập cuộc họp thành lập Ủy ban khởi nghĩa Nha Trang. Dưới ánh đèn măng-sông, Trần Chí Hiền nhanh chóng phổ biến tình hình, quán triệt chỉ thị, rồi có lúc đã đập mạnh tay xuống bàn nói to: “Thời cơ đến rồi. Phải chớp ngay lấy! Hành động thật nhanh, thật quyết liệt. Chần chừ là có tội với nước, với dân!”. Lúc đó, Trần Chí Hiền mới 28 tuổi.

Đúng 15 giờ ngày 19-8-1945. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu. Sau đó, lá cờ quẻ ly của ngụy quyền bị hạ xuống và cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên đỉnh cột cờ. Tiếng hoan hô của nhân dân vang lên như sấm. Băng cờ biểu ngữ của Việt Minh từ bốn phía được giương cao. Phút chốc cả sân vận động ngập tràn trong màu cờ đỏ sao vàng… Chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa được thành lập, Trần Chí Hiền được giao phụ trách quân sự.

 Từ trái qua phải: ông Trần Chí Hiền, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Nguyễn Duy Trinh, Phó thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng Bác Hồ trong một lần tiếp Tổng bí thư Đảng Reunion. Ảnh tư liệu

Từ trái qua phải: ông Trần Chí Hiền, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Nguyễn Duy Trinh, Phó thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng Bác Hồ trong một lần tiếp Tổng bí thư Đảng Reunion. Ảnh tư liệu

Sau đó, quân Pháp điều chiến hạm phong tỏa Nha Trang, đổ bộ quân lên thành phố. Ban Chỉ huy mặt trận được thành lập do Trần Chí Hiền làm chỉ huy trưởng, đã lập hai phòng tuyến bao vây địch, đánh nhỏ lẻ thăm dò lực lượng tranh thủ thời gian sơ tán cơ quan và nhân dân ra ngoài… Đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) từ Hà Nội vào trực tiếp thị sát Mặt trận Nha Trang đã họp với Ban chỉ huy Mặt trận (Phạm Kiệt, Trần Chí Hiền, Hà Văn Lâu, Tôn Thất Vỹ…) và góp ý về việc chuyển hướng chiến thuật chặn đánh địch… của chính quyền và Ban chỉ huy Mặt trận Khánh Hòa.

Quân và dân Khánh Hòa tổ chức cuộc chiến bao vây quân Pháp suốt 101 ngày đêm (23-10-1945 / 1-2-1946) và rút lui bảo toàn lực lượng, chuyển sang nhiệm vụ kháng chiến mới. Quan tâm theo dõi cuộc chiến đấu của quân dân ta ở mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa, ngày 22-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen, có nội dung: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa rất khen ngợi chiến sĩ ở các Mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn. 22-12-1945. Hồ Chí Minh”.

Những ngày mùa thu này, ông Trần Chí Thọ lại bồi hồi nhớ lại những câu chuyện mà cha mình kể lại khi ở cùng ông lúc về già. Ông ghi lại hồi ức ấy thành cuốn hồi ký: “Cha tôi -Trần Chí Hiền”. Cuốn hồi ký ấy vẫn còn những trang viết dở sau khi cha ông qua đời năm 2001..

Ông Thọ kể: “Bị thương ở Mặt trận Nha Trang, cha tôi được đưa ra Huế điều trị, rồi làm tỉnh đội trưởng Thừa Thiên-Huế. Mặt trận Huế bị vỡ, ông cùng đồng chí Hà Văn Lâu lặn lội thu nhặt quân, khôi phục lại lực lượng, rồi lập nên chiến khu Hòa Mỹ tiếp tục đánh giặc. Theo chỉ đạo của trên, ông cùng các đồng chí tổ chức lại các đơn vị lẻ thành sư đoàn chủ lực 325 vùng Bình Trị Thiên, rồi ông lần lượt giữ chức Tỉnh đội trưởng Nghệ An, Tỉnh đội trưởng Thanh Hóa. Khi Hiệp định Giơneve ký kết ông trở thành Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban liên hiệp đình chiến khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17. Năm 1956 ông chuyển sang ngành ngoại giao làm Vụ trưởng Vụ Liên Xô-Đông Âu-Bộ Ngoại giao, rồi Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan. Sau đó, ông là Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng từ 1968-1975. Cả một đời ông cống hiến cho cách mạng, sống thanh bạch liêm khiết, ông đã trả lại căn biệt thự được phân ở trên đường Trần Hưng Đạo - Hà Nội cho Nhà nước mà không chút bận lòng”.

Cụ Trần Chí Hiền có 6 người con thì có tới 4 người con trai đều tham gia quân đội và công an, người con cả tham gia Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, người con thứ 4 tham gia tiến công năm 1972, con thứ 3 tham gia Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, và gắn cả cuộc đời mình với quân ngũ. Về hưu với quân hàm đại tá, giờ đây ông Thọ lại tìm kiếm tài liệu, chắp nối ký ức viết về cuộc đời cha mình như một cách giúp cho con cháu biết đến một tấm gương hy sinh vì sự nghiệp chung, để dòng chảy thế hệ trong gia đình sẽ luôn được tiếp nối...

THANH CHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nha-cach-mang-tran-chi-hien-19-tuoi-quang-than-vao-gio-bui-633586