Nhà cải cách, nhân thần Bùi Tá Hán!

Cư dân Đại Việt vào xứ Quảng hồi thế kỷ XVI, bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và một phần Bình Định, tuy còn thưa thớt. Ngoài việc mở đất dựng làng, còn phải khai hoang làm nông nghiệp và chung sống với người Chăm, người Thượng… Đời sống có nhiều thay đổi so với ở cố hương phía Bắc… Tất cả đã được định đặt với một vị tướng quân văn võ toàn tài Bùi Tá Hán, mà ngày nay đọc lại những gì liên quan đến công cuộc mở cõi, bình ổn và canh tân của ông từ hơn 500 năm trước, ta không khỏi ngưỡng vọng…

Đền thờ Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi.

Đền thờ Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi.

1. Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (1496-1568) được xem như “tiền hiền” của xứ Quảng (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần Phú Yên ngày nay). Năm 1546, sau khi đem quân vào dẹp yên tàn quân nhà Mạc ở phía nam đèo Hải Vân đến Phú Yên, ông được triều đình nhà Lê Trung hưng phong làm Đô tướng dinh Quảng Nam, chịu trách nhiệm yên dân và xây dựng một vùng đất rộng lớn. Ông đã đưa ra nhiều chính sách quy dân lập làng, ổn định đời sống, giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa người Kinh với người miền núi và người Chàm…

Sự nghiệp văn võ toàn tài của Bùi Tá Hán đã được nhiều học giả như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bá Trác và các sử liệu ghi lại. Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776) ghi lại: “Năm Chính Trị 11 ( 1558) Thế tổ Thái Vương Trịnh Kiểm sai Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa để phòng thủ giặc phía đông, cùng với Trấn thủ Quảng Nam Trấn quốc công Bùi Tá Hán cứu giúp lẫn nhau, việc địa phương không cứ lớn nhỏ, quân dân thuế khóa đều giao cho cả…”.

Các triều đại phong kiến từ Tây Sơn và các triều vua Nguyễn đều ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công đức, sự ngưỡng vọng về Bùi Tá Hán. Riêng sắc phong đời vua Minh Mạng thứ 3 (1822) phong là Thượng đẳng thần (Khả gia phong Khuông quốc tịnh biên thọ đức Thượng đẳng thần…). Ngày nay, lăng mộ, tượng và đền thờ ông vẫn còn được gìn giữ tại các địa phương như Đền và núi Ông, Rừng lăng và Lăng Ông được xếp hạng Di tích Quốc gia (Chương (Tư) Nghĩa, Quảng Ngãi), Đình Nam Chơn thờ Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán (TP HCM), Đền Tam Thanh (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Đền Ông Bùi (Sơn Hà, Quảng Ngãi) và nhiều nơi khác. Những di tích liên quan đến Bùi Tá Hán đều được người dân cho là rất linh thiêng.

“Người quân tử khi đắc chí phải mang lại phúc trạch cho dân” đã trở thành kim chỉ nam trong tất cả sự nghiệp của ông. Ngày nay, chúng ta có một vùng đất rộng lớn và phát triển phía nam Hải Vân, với những thành phố to lớn, những vùng nông thôn phát triển, đều có công lao của ông như người đặt viên đá đầu tiên của một nửa đất nước. Những ghi chép dưới đây, từ một tư liệu cổ đã chứng minh điều đó…

2. Một gia tộc Lê ở H. Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã lưu giữ một tập tài liệu bằng chữ Hán của tác giả Mai Thị (viết khoảng các năm 1558-1571) có tên Phủ tập Quảng Nam ký sự trong gia phả nhiều đời của dòng tộc này. Tài liệu được con cháu sao lưu nhiều lần vào năm 1824, 1924 để bảo vệ vì e rằng chất liệu giấy cũ sẽ không nguyên vẹn qua thời gian. Đến nay, tài liệu này được đánh giá đã tồn tại đến 400 năm và đã được dịch ra Quốc ngữ từ năm 1996 (Sở VHTT Quảng Ngãi).

Căn cứ bản dịch Quốc ngữ (nhưng rất tiếc chỉ được in có 800 cuốn), ta thấy rằng: “Từ khi đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng, mọi việc lớn nhỏ đều do ông giải quyết…”.

Trong 20 quyết sách về quy dân lập ấp của Bùi Tá Hán, có những nét chính như: Trách nhiệm quân đội; Quy định mẫu nhà, xóm ấp, hướng dẫn dân làm nồi đồng, nồi đất; nông, làm thủy lợi…

Bùi Tá Hán luôn nhấn mạnh đến việc duy trì văn hóa truyền thống đi đôi với đổi mới các tập tục lỗi thời trong đời sống làng xã. Ông kêu gọi tiết kiệm trong hôn nhân tang tế và thờ cúng, nhưng khuyến khích xây dựng đền chùa phục vụ tín ngưỡng. Các làng đều phải có thầy thuốc để chữa bệnh cho dân, có thầy giáo dạy chữ và văn học ở trường tư thục và được cấp công điền để trả công bảo đảm cuộc sống gia đình họ. Để kết nối giao thông liên lạc, ông cho mở đường, xây cầu cống và khuyến khích người dân các vùng làm ghe nan trét dầu rái để dễ di chuyển trên sông nước…

Chính sách xây dựng làng xã tuy cách đây đã 5 thế kỷ, nhưng ngày nay chúng ta nhìn lại vẫn thấy cái tầm của Bùi Tá Hán thật bao quát trong nhiều lĩnh vực đời sống và còn nguyên tính thời sự, kể cả những quy định về định canh định cư, bảo vệ rừng và quan hệ thân ái với người thiểu số, quy định về quốc phòng, kinh tế quốc phòng và các vấn đề an ninh khác…

3. Công lao và tài năng của Bùi Tá Hán không chỉ được hậu thế và người dân khắp nơi tri ân, mà ngay cả các triều đại phong kiến Tây Sơn và Nguyễn cũng ghi nhận. Trong 10 đạo Sắc phong thần còn được lưu giữ từ Cảnh Thịnh đến Khải Định, kéo dài 130 năm liên tục từ năm Cảnh Thịnh 1795 đến Duy Tân 1909 và Khải Định thứ 9 (1925), cho thấy sức sống bền lâu của uy danh ông trong lòng dân.

Đáng chú ý là hai sắc phong Thần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1795) ghi rằng: “Ông thực rõ dũng cảm quả quyết công dày đức cả, luôn giữ nước giúp dân… nau cúi theo dư âm lời ca tụng của công chúng khắp nơi… nhớ xưa mà ra tờ sắc này”. Còn sắc phong của vua Minh Mạng thì: “Ta vưng theo Thế tổ Cao Hoàng Đế (tức Gia Long), chịu ơn tất cả các vị thần nhơn, nay được tiếp nối hồng đồ, truy phong là khuông quốc tịnh biên thọ đức (tức cứu chữa đất nước, giư xyên bờ cõi) Thượng đẳng thần, chiếu theo phép nước cho xã Thu Phổ, H. Chương Nghĩa được phụng thờ đấng thần tướng đã phò hộ dân ta như cũ…”. Thì đã rõ công đức và sức sống của ông trong lòng dân.

Đủ thấy tầm vóc của ông còn ở chỗ là một nhà cải cách!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_230707_nha-cai-cach-nhan-than-bui-ta-han-.aspx