Nhà có người bị tiền sử ho hen nhất định phải tránh làm điều này khi trời nồm
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu nhà có trẻ bị hen, viêm mũi dị ứng thì không nền dùng thảm hay rèm cửa trong nhà, nhất là khi trời nồm.
Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày trời nồm, độ ẩm không khí tăng cao là cơ hội cho sự phát triển của nhiều loại vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, vi rút,… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, chấn thương do trơn trượt. Trong đó, hô hấp là bệnh lý hay gặp hàng đầu vào thời điểm này.
Nguy hiểm nhất là nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu, khiến nhiều người dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết nồm ẩm như hiện nay đặc biệt “hợp” với những bệnh lý có liên quan đến cơ địa dị ứng, các bệnh lý mãn tính như hen phế quản, dị ứng, mề đay... Theo kinh nghiệm của TS Dũng, năm nào cũng vậy, cứ khi thời tiết chuyển nóng, nồm khiến nhà cửa ẩm ướt, đồ đạc, chân tường ở những nhà dưới thấp mốc meo… thì cũng là lúc những trẻ bị hen phải nhập viện điều trị khá cao, do dị nguyên nấm mốc, virus trong môi trường gây nên.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trong nhà có người bị hen, viêm mũi dị ứng cần lưu ý những điều sau đây:
Tạo môi trường sống sạch
Cần giữ vệ sinh nhà cửa, giữ sạch môi trường sống là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển. Trong mỗi gia đình, không nên dùng thảm trải nhà. Nếu có thảm thì phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch, tránh nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như dị ứng, viêm da.
Thực hiện lối sống khoa học
Nên có chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ và đủ giấc và tập thể dục hàng ngày. Với trẻ nhỏ cần cho trẻ xúc với ánh sáng mặt trời 15 phút mỗi buổi sáng sớm hoặc xế chiều. Vệ sinh cơ thể, tay chân cho trẻ thật sạch sẽ trước và sau mỗi bữa ăn, sau khi đi ra đường về, sau khi đi vệ sinh, ... Khi trẻ ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang (với trẻ trên 2 tuổi) để phòng bệnh.
Luôn giữ ấm cơ thể
Với trẻ nhỏ cần giữ ấm bụng vì bị lạnh bụng dễ gây đau bụng, bị tiêu chảy. Vì vậy, hạn chế ra ngoài trời, tiếp xúc với nóng - lạnh đột ngột. Trẻ vừa ngủ dậy không nên cho trẻ ra ngoài ngay, mặc đủ áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Nếu xung quanh có người sổ mũi, hắt hơi hay mắc bệnh, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc.