'Nhà' của những đứa trẻ xa quê
Đó là ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ vẫn còn cha mẹ nhưng từ nơi khác đến sinh sống, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học. Và đó còn là ngôi nhà chính của một số trẻ mồ côi được anh Nguyễn Triều Phương, nhân viên quản lý sân bóng của Công ty cổ phần Sao Việt (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) đưa về nuôi dạy.
Ngôi nhà chung này chính là căn tin trong sân banh của công ty, được anh Phương tận dụng để làm điểm học tập, sinh hoạt cho hàng trăm trẻ em trong suốt 8 năm qua. Với tình yêu thương và sự kiên trì của mình, anh Phương đã xây dựng được một lớp xóa mù chữ đạt chuẩn của ngành Giáo dục và nhận được sự hỗ trợ từ ngành Giáo dục H.Trảng Bom, một CLB đào tạo bóng đá và một mái ấm với tên gọi CLB Mái ấm David.
* Lớp xóa mù chữ
Tiếng chào đồng thanh của 30 học sinh trong lớp xóa mù chữ dành cho chúng tôi ngay khi vừa bước vào cửa lớp. Những khuôn mặt đen nhẻm, những ánh mắt trong veo nhìn về phía chúng tôi hào hứng, không khí thân thiện như rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi với các em.
Anh Thanh Mẫn, giáo viên tình nguyện đến từ một trung tâm Anh ngữ tại TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu cho biết, lớp vừa học xong môn cuối cùng của buổi học, đang chuẩn bị sinh hoạt tập vẽ. Cầm xấp giấy vẽ của các em trong buổi học hôm trước, anh Mẫn cho chúng tôi xem từng tác phẩm của các em khi thực hiện chủ đề vẽ về ngôi nhà mơ ước. Một ngôi nhà cao tầng có đầy đủ các phòng chức năng được hầu hết các em vẽ lên. Có lẽ đây chính là ước mơ mà các em mong muốn bấy lâu nay.
Gắn bó với lớp học tình thương được 3 năm nay, anh Nguyễn Tiến Phước, phụ trách giảng dạy từ lớp 2 trở lên chia sẻ, do các em ở đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều em là dân tộc thiểu số nên việc giáo dục, rèn luyện cho các em cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều em học rất nhanh chán nên ngoài việc dạy học, các tình nguyện viên phải thường xuyên tổ chức các trò chơi để các em vui và chăm chỉ học tập. Tiến Phước tâm sự: “Chúng tôi chỉ hy vọng các em có thể viết được đơn xin việc làm, khi ký vào những bản hợp đồng lao động các em cũng biết được mình ký chỗ nào, nội dung bản hợp đồng ra sao, chỉ như vậy là chúng tôi vui rồi”. Chính những tình cảm xuất phát từ cái tâm của người thầy ấy đã níu chân các thầy cô và các em gắn kết với nhau. Suốt 8 năm qua, khoảng 300 em được học lớp tình thương cho đến khi các em biết viết, biết đọc. Khi đó, một số em phải tạm gác lại việc học để lo mưu sinh phụ giúp gia đình.
* Mái ấm của trẻ mồ côi
Theo anh Nguyễn Triều Phương, tổng số trẻ hiện đang được CLB Mái ấm David bảo trợ là 45 em, trong đó có 15 em là trẻ mồ côi được anh Phương tạo một mái ấm nhỏ nuôi dưỡng các em ngay tại khu vực sân banh của công ty mình làm việc. Để có nguồn nuôi dưỡng các cháu, Công ty Sao Việt đã đồng ý hỗ trợ các cháu suất ăn trưa trong suốt những năm qua.
Lớp học xóa mù chữ đạt chuẩn giáo dục
Theo anh Nguyễn Triều Phương, hiện nay lớp xóa mù chữ của mái ấm đã được công nhận đạt chuẩn giáo dục qua sự kiểm tra trực tiếp từ ngành Giáo dục H.Trảng Bom. Theo đó, các em trong lớp sẽ được giáo viên từ các trường học công lập cho làm các bài tập kiểm tra, được chấm điểm và xem xét trình độ học của từng em. Nếu em nào đạt kết quả sẽ được học lên lớp mới. Em nào chưa qua sẽ phải học và thi lại như một chương trình giáo dục chung.
Kể về những đứa trẻ mồ côi tại mái ấm, anh Phương vui mừng khi mỗi ngày thấy các cháu trưởng thành hơn, biết vâng lời hơn từ sự nuôi dạy của mình. Xúc động và để lại ấn tượng nhất là 4 chị em ruột của lớp trưởng Huỳnh Anh Tuấn được anh Phương đón từ H.Cẩm Mỹ về nuôi dạy. Anh kể, trong một chuyến công tác xuống Cẩm Mỹ cách đây 2 năm, anh được người quen nhờ giúp đỡ một gia đình có 4 đứa trẻ mồ côi mẹ, cha bỏ nhà lập gia đình khác, các cháu khi đó không ngoan, hay nghịch phá và có tính trộm vặt khiến hàng xóm rất phiền lòng. Nghe xong câu chuyện về các cháu, anh Phương đã không ngần ngại chấp nhận đón các cháu về nuôi. Dùng tình yêu thương để dạy dỗ các cháu mỗi ngày, đến nay, 4 chị em đã ngoan hơn, bé Út đủ tuổi ra lớp 1 cũng được anh Phương liên hệ với trường công xin vào học lớp 1 theo quy định.
“Hiện mái ấm có khoảng 12 cháu đủ tuổi đến trường đều được tôi xin cho đi học. Tuy nhiên, các cháu này học yếu, có cháu bị lưu ban. Tôi phải thuê giáo viên về kèm riêng cho các cháu mỗi tuần 3 buổi để các cháu theo kịp bạn bè trên lớp” - anh Phương chia sẻ thêm.
Sau 8 năm gắn bó với công việc nuôi dạy các cháu khó khăn, anh Phương đã nhận được khá nhiều sự sẻ chia, đó là các giáo viên tình nguyện giúp anh rèn luyện văn hóa cho các cháu, sự ủng hộ từ phía Công ty Sao Việt khi họ chu cấp bữa ăn trưa và dành một phần đất sân bóng để cùng anh Phương lo cho trẻ em khó khăn. Bên cạnh đó, chính những trẻ em được anh nuôi nay đã trưởng thành nhưng vẫn ở lại để phụ anh chăm lo cho mái ấm. Nguyễn Văn Thành, một trong số những trẻ em đã trưởng thành hiện đang ở lại để giúp thầy Phương quản lý lớp học và các sinh hoạt trong mái ấm chia sẻ: “Em học được rất nhiều điều từ thầy Phương. Sống với thầy đã giúp cho em hiểu được sự chia sẻ, quan tâm, tinh thần trách nhiệm và biết lắng nghe để khắc phục khuyết điểm của mình” .
* Khuyến khích phát triển năng khiếu
Không chỉ cho học cái chữ, nuôi cái ăn, các trẻ em ở CLB Mái ấm David còn được dạy bóng đá vào buổi tối. Để các em có thêm kỹ năng và môi trường sinh hoạt rèn luyện thân thể, anh Phương đã tổ chức lớp phổ cập bóng đá do chính anh dẫn dắt. Nhiều em đam mê và có năng khiếu bóng đá được phát hiện và đào tạo sâu hơn. Trong quá trình đào tạo bóng đá, anh Phương chăm chỉ cập nhật thông tin tuyển sinh ở các trường đào tạo bóng đá hoặc các môn thể thao trong cả nước. Thấy ở đâu có tuyển sinh và nếu tiêu chí các cháu trong CLB đủ khả năng là anh Phương đăng ký cho các cháu thi tuyển. Những cháu chưa đạt anh vẫn cho thi để cọ xát và chờ cơ hội ở những kỳ tuyển sinh sau.
Sự kiên nhẫn, tận tâm của anh Phương đã nhận về những kết quả khá mỹ mãn khi có những em được nhận vào môi trường đào tạo chuyên nghiệp hơn. Điển hình nhất hiện nay là cái tên Kim Nhật Linh, quê tỉnh Sóc Trăng, được anh nhận về nuôi ngay từ những ngày đầu thành lập CLB, đến nay Linh được 15 tuổi. Hiện Linh đã trúng tuyển vào Học viện Bóng đá Juventus tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là học viện có uy tín, quy trình thi tuyển đòi hỏi kỹ thuật cao, thể chất tốt. Hay như em Nguyễn Thị Loan, 12 tuổi, hiện đang tham gia đội năng khiếu đua xe đạp tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, một số em có năng khiếu vẫn đang tiếp tục được đào tạo để đợi thi tuyển vào các trường đào tạo năng khiếu.
Chia sẻ về định hướng của mình cho các em, anh Phương cho rằng, bản thân việc dạy chữ cho các cháu hiện nay chỉ hy vọng các cháu biết đọc, biết viết. Vấn đề chính anh Phương quan tâm là tương lai của các cháu phải được định hướng và phát triển theo khả năng. Đặc biệt, với điều kiện mình có thể, anh Phương chú trọng rất nhiều đến các môn thể thao.