Nhà cung cấp, nhãn hàng cùng tìm cách thức sáng tạo trên hành trình sản xuất bền vững
Có nhiều thách thức ở phía trước với các nhà cung cấp để đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững mà đối tác của họ đặt ra. Điều này buộc cả hai phía phải ngồi lại cùng nhau tìm ra cách thức sáng tạo, tháo gỡ khó khăn.
Thông tin này được ghi nhận tại phiên thảo luận về sản xuất bền vững trong khuôn khổ chương trình “Tiên phong đột phá cùng Thụy Điển tìm ra những hướng đi mới” vào ngày 3-6.
Đại diện các nhãn hàng, doanh nghiệp Thụy Điển tại phiên thảo luận sản xuất bền vững vào ngày 3-6. Ảnh: Lê Hoàng
H&M là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đã sớm định hướng và áp dụng sản xuất bền vững qua những kế hoạch và hành động cụ thể buộc các đối tác là nhà cung cấp của thương hiệu ở nhiều nước thực hiện.
Là thương hiệu cung cấp các dòng sản phẩm mang tính bền vững, sử dụng chất liệu hữu cơ và có thể tái chế… bà Anastacia Howe, Trưởng điều hành Chương trình Môi trường khu vực Viễn đông châu Á của H&M cho biết các nhà cung cấp của nhãn hàng gặp một số thách thức về sản xuất bền vững, trong đó đáng chú ý là sẽ không sử dụng nhiên liệu than vào năm 2025 và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Mục tiêu này được cho là tham vọng, nhưng theo bà Anastacia Howe là đầy thách thức. Bởi các nhà cung ứng còn rất ngần ngại, không dùng than thì dùng những nhiên liệu nào thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo nào, và liệu có đáp ứng được, hoặc có đủ vốn, nguồn lực để chuyển đổi.
Điều này buộc cả thương hiệu và nhà cung cấp ngồi lại thảo luận và cùng nhau tháo gỡ. Trong đó, phía nhãn hàng sẽ xây dựng niềm tin với các nhà cung ứng về khả năng tiêu thụ sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường, điều kiện về sản xuất xanh cũng như đây là tiêu chuẩn bắt buộc trên thị trường trong thời gian tới chứ không còn là khuyến khích.
Tương tự, IKEA – nhà sản xuất đồ nội thất với mẫu mã đa dạng, thiết kế hiện đại, có tính thân thiện với môi trường, cũng đã đặt ra nhiều yêu cầu với nhà cung ứng trong mục tiêu phát triển bền vững.
Tại sự kiện, ông Martin Otahel, Trưởng điều hành Bộ phận Chất lượng và Tuân thủ Bền vững IKEA, cho biết hãng có chiến lược phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tác động tích cực tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp với nhà cung ứng. Về sử dụng năng lượng, IKEA và đối tác cung ứng vừa đầu tư mới năng lượng tái tạo và đồng thời đầu tư cải thiện những nhà máy hiện hữu theo hướng thân thiện với môi trường.
Chi phí sản xuất và vận chuyển của IKEA được đánh giá khá thấp vì đồ nội thất và phụ kiện của hãng phần lớn được làm bằng vật liệu tái chế và bền vững. IKEA tìm kiếm cách thức để sử dụng ít nguyên liệu nhất có thể và vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận chuyển, do sử dụng ít nhiên liệu và nhân công trong khâu giao nhận nguyên liệu và sản phẩm.
Do đó, theo ông Martin Otahel, sáng tạo trong phát triển sản phẩm và nguyên vật liệu sản xuất không chỉ diễn ra tại nội bộ IKEA mà đồng thời là cho cả chuỗi cung ứng.
Ngoài H&M hay IKEA, tại chuỗi sự kiện của chương trình “Tiên phong đột phá”, các doanh nghiệp Thụy Điển khác đang có mặt tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Atlas Copco, Tetra Pak cũng chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp trong nước và các đối tác khu vực công và tư của Việt Nam.
Ông David Lidén, Tham tán Thương mại kiêm Trưởng đại diện Business Sweden tại Việt Nam, cho biết công nghệ và chuyển đổi xanh là chìa khóa quan trọng trong việc chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.
Theo ông, đổi mới sáng tạo luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia và mang lại chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Chương trình “Tiên phong đột phá” do Đại sứ quán Thụy Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden), UBND TPHCM và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Thụy Điển – Việt Nam về lĩnh vực phát triển bền vững.
Lê Hoàng