Nhà Đại đoàn kết – Nơi hội tụ bản sắc văn hóa
PTĐT - Nằm giữa khuôn viên ngút ngàn cây xanh của ngọn đồi 79 mùa xuân, liền kề Ngã năm Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam có lẽ ít người biết đến. Tiền thân là căn nhà gỗ 5 gian được xây dựng vào thế kỷ 19, là nơi tiếp khách của vua Khải Định tại 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau được sử dụng làm phòng làm việc, hội trường cơ quan của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nơi diễn ra các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch cũng như các sự kiện quan trọng của Mặt trận.Vào khoảng đầu những năm 2000, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có chủ trương xây dựng hội trường mới là khu nhà B hiện nay, vì vậy ngôi nhà gỗ được tiến hành tháo dỡ. Khi đó ông Trần Văn Đăng - nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị chuyển toàn bộ ngôi nhà gỗ này lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng để phục dựng thành mái nhà Đại đoàn kết với mục đích kết nối đồng bào các dân tộc, các tôn giáo khi đến thăm viếng cội nguồn Đất Tổ.
Nắm khá rành việc phục dựng ngôi nhà đặc biệt này, ông Trần Phù Tiêu - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, đầu năm 2002 tỉnh nhận chủ trương được Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển cho ngôi nhà gỗ để phục dựng thành ngôi nhà Đại đoàn kết trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng.Sau khi hoàn tất các thủ tục tiếp nhận từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngôi nhà được tỉnh bàn giao cho Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng tiếp quản. Vào tháng 9/2002, dự án phục dựng ngôi nhà được khởi công với số tiền đầu tư khoảng 580 triệu đồng. Sau gần 4 tháng thi công ngôi nhà được phục dựng nguyên vẹn từ các cấu kiện gỗ đến từng viên ngói. Địa điểm được chọn để đặt ngôi nhà là trên ngọn đồi 79 mùa xuân. Trong khuôn viên khoảng 7ha, căn nhà được bao phủ bởi hàng nghìn cây xanh của 63 tỉnh, thành và từ 54 dân tộc anh em. Nhiều loài cây đặc trưng của nhiều vùng đất trong cả nước đã hội tụ về đây, tượng trưng cho sự đoàn kết, bao bọc lấy ngôi nhà.Đặc biệt, hằng năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tỉnh, thành, tổ chức quốc tế, đoàn, hội… đều lên đây trồng đa dạng các loài cây của ba miền Bắc, Trung, Nam để phát huy ý nghĩa tốt đẹp đó.Từ khi được phục dựng, Nhà Đại đoàn kết là một thiết chế văn hóa quan trọng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà có tình trạng xuống cấp, ẩm mốc, trong nhà còn thiếu các vật dụng và các công trình phụ trợ để có thể sử dụng đón tiếp khách, cũng như chưa phát huy được công năng cũng như giá trị lịch sử vốn có.
Ngày 30/3/2019, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng tỉnh đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp toàn bộ khu nhà để giữ gìn biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời bổ sung trưng bày tư liệu, hiện vật nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả. Sau hơn một tháng khẩn trương thi công, công trình sửa chữa, nâng cấp toàn bộ khu Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam đã hoàn thành. Toàn bộ chi phí công trình lên đến gần 2 tỷ đồng được thực hiện bằng các nguồn công đức, xã hội hóa và nguồn tự bố trí nguyên vật liệu của Khu di tích.Các tư liệu, hiện vật được trưng bày trong ngôi nhà như bộ đàn đá phương Nam; bình gỗ sam của tỉnh Đắk Nông; ấm trà, chóe, lục bình của Bát Tràng; lục bình khảm trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… đã thu hút người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu.Nhà Đại đoàn kết là công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần thiết thực, tiếp tục khẳng định sức mạnh cội nguồn dân tộc, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, kết nối người Việt Nam khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài khi về với Đất Tổ Vua Hùng.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202104/nha-dai-doan-ket-noi-hoi-tu-ban-sac-van-hoa-176413