Nhà đàm phán về con tin Mỹ đến Myanmar thực hiện 'sứ mệnh nhân đạo'
Ông Bill Richardson cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là một nhà đàm phán về con tin – đang có mặt tại Myanmar trong một 'sứ mệnh nhân đạo'.
Hãng AFP ngày 2-11 đưa tin ông Bill Richardson – cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là một nhà đàm phán về con tin – đang có mặt tại Myanmar trong một "sứ mệnh nhân đạo".
Tổ chức của ông, Trung tâm Richardson, thông báo thông tin trên trong bối cảnh Myanmar đã bước vào tháng thứ chín kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2, trong đó chính quyền quân sự đã bắt giữ một nhà báo Mỹ.
Theo Trung tâm Richardson, vị cựu đại sứ sẽ "thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo vaccine ngừa COVID-19, vật tư y tế và các nhu cầu sức khỏe cộng đồng khác".
Tuy nhiên, thông báo không đề cập liệu ông Richardson có làm việc liên quan trường hợp nhà báo Mỹ Danny Fenster hiện đang bị bắt giữ hay không.
Nhà báo Fenster - biên tập viên trang tin Frontier Myanmar - bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giữ hồi tháng 5 với cáo buộc kích động và phát tán thông tin sai lệch.
Ông Fenster, 37 tuổi, bị bắt hôm 24-5 tại sân bay quốc tế ở Yangon, khi sắp lên máy bay rời Myanmar. Ông làm việc cho Frontier Myanmar khoảng một năm và đang định về thăm gia đình.
Biên tập viên này hiện đang bị xét xử và có thể đối mặt mức án đến sáu năm tù nếu bị kết án về cả hai tội danh trên.
Trang truyền thông địa phương Myanmar Now đưa tin ông Richardson dự kiến sẽ gặp lãnh đạo quân đội và các quan chức cấp cao Myanmar khác.
Theo website của Trung tâm Richardson, ông Richardson - cựu thống đốc bang New Mexico - đã đàm phán "thả con tin và lính Mỹ ở Triều Tiên, Cuba, Iraq và Sudan".
Chuyến thăm gần nhất của ông Richardson tới Myanmar là vào năm 2018, trong khuôn khổ một hội đồng được thành lập để tư vấn về tình trạng bạo lực ở bang Rakhine.
Tuy nhiên, ông đã đột ngột từ chức sau chuyến đi này, cáo buộc Cố vấn Nhà nước Myanmar - bà Aung San Suu Kyi thiếu "đạo đức lãnh đạo" trong cuộc khủng hoảng người tị nạn người Rohingya tại quốc gia Đông Nam Á này.
Myanmar rơi vào bất ổn kể từ cuộc chính biến ngày 1-2, với hơn 1.200 người phản đối chính biến đã thiệt mạng, theo số liệu từ một tổ chức theo dõi tình hình Myanmar tuy nhiên chính quyền quân sự không xác nhận con số này.
Một loạt lãnh đạo dân sự Myanmar, trong đó có bà Suu Kyi, đã bị bắt giữ và đối mặt các tội danh tham nhũng.
Người dân Myanmar đã phản đối hành động của quân đội và xuống đường biểu tình dẫn tới các vụ bắt giữ.