Nhà đầu tư bất an với dịch bệnh, chứng khoán châu Á im ắng dù Phố Wall tăng mạnh
Cổ phiếu châu Á không biến động nhiều trong phiên ngày 3/4 do nhà đầu tư vẫn lo ngại tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chứng khoán châu Á giảm điểm
Chứng khoán châu Á chứng kiến phiên giao dịch trầm lắng trong ngày 3/4 do nhà đầu tư hoài nghi về khả năng Nga và Ả Rập Saudi sẽ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ - kỳ vọng giúp giá mặt hàng dầu Mỹ tăng gần 25% trong phiên trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục sụt giảm trong phiên này, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải trượt 0,3%, còn chỉ số Thâm Quyến Composite hạ 0,228%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng sụt 0,6%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,53% trong khi chỉ số Topix mất hơn 0,45%.
Các chỉ số tại các thị trường khác đều phủ sắc đỏ, trong đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0,54%, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,8%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán MSCI, không tính thị trường Nhật Bản cũng sụt 0,57%.
Những biến động của thị trường chứng khoán châu Á xảy ra sau khi giá dầu liên tục trồi sụt trong 2 phiên gần đây. Giá dầu quay đầu đi xuống trong ngày 3/4 sau phiên tăng kỷ lục khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông hy vọng Ả Rập Saudi và Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Trả lời kênh truyền hình CNBC hôm 2/4, Tổng thống Trump cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman, đồng thời hy vọng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ khoảng 10 - 15 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, ông Trump không đề cập việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ.
Bên cạnh sự hoài nghi về khả năng hạ nhiệt cuộc đua sản lượng dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga, nhà đầu tư vẫn còn quan ngại trước những tác động kinh tế kéo dài của đại dịch Covid-19.
Thị trường lao động Mỹ hai tuần qua chịu ảnh hưởng nghiên trọng do các biện ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Bộ Lao động Mỹ hôm 2/4 cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tại Mỹ đã tăng lên hơn 6 triệu trong tuần trước. Đây là con số kỷ lục sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp cách ly và ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh không cần thiết do dịch bệnh.
Chuyên gia Joseph Capurso của Ngân hàng Commonwealth (Australia) nhận định: “Đó mới chỉ là sự khởi đầu vì nhiều bang tại Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa và bảng lương phi nông nghiệp Mỹ - bức tranh khái quát thị trường lao động Mỹ, trong tháng 4 có thể ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục”.
Yếu tố tiêu cực khác ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu châu Á trong phiên này là ngành dịch vụ Trung Quốc chưa thể hồi phục mạnh mẽ khi chỉ số PMI Caixin/Markit ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 3 chỉ đạt 43 điểm, chỉ cao hơn mức đáy 26,5 điểm trong tháng 2.
Dow Jones tăng hơn 450 điểm khi giá dầu nhảy vọt
Cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 2/4 khi nhà đầu tư hy vọng Nga và Ả Rập Saudi đạt thỏa thuận ngừng cuộc chiến giá dầu.
Chốt phiên giao dịch 2/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 470 điểm, tương đương 2,24%, lên 21.413 điểm. S&P 500 tăng 2,28% lên 2.526 điểm, còn Nasdaq Composite cũng tăng 1,72% lên 7.487 điểm.
Chỉ số năng lượng S&P 500, vốn đã lao dốc hơn 50% từ đầu năm do cuộc chiến giá giữa Riyadh và Moscow cũng như lo ngại về nhu cầu sụt giảm, đã bật tăng 9,08% trong phiên giao dịch.
Ả Rập Saudi đã kêu gọi một cuộc họp khẩn giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng Nga và Ả Rập Saudi sẽ ngừng cuộc đua tăng sản lượng dầu mỏ và cắt giảm 10-15 triệu thùng một ngày.
Những thông tin này đã giúp giá dầu tăng mạnh trong phiên 2/4 với giá dầu WTI leo dốc 24,7%, còn dầu Brent nhích 21,5%.
Những cổ phiếu dẫn đầu đà tăng trong S&P 500 chủ yếu là các công ty dầu khí. Cổ phiếu của Occidental Petroleum tăng 18,9%, trong khi Apache Corp và Halliburton cũng tăng hai con số khi kết thúc phiên.
"Thị trường đã diễn biến quá tệ, nó sẽ không tăng mạnh như thế này trừ khi nhiều người nghĩ rằng đà giảm đã trở nên quá mức", JJ Kinahan - chiến lược gia trưởng tại TD Ameritrade đánh giá.
Tuy nhiên, đà phục hồi mạnh của giá dầu khó có thể được duy trì trong thời gian ngắn hạn khi nhu cầu tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch.
Các nhà phân tích dự đoán đà sụt giảm của thị trường Phố Wall sẽ còn tiếp tục khi chỉ thị “giãn cách xã hội” tiếp tục được thực hiện trên diện rộng, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh, sa thải nhân viên, từ đó làm giảm nhu cầu chi tiêu. Cổ phiếu Boeing, biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ, đã giảm 5,68% trong phiên 2/4.
Các nhà đầu tư cũng tiếp tục đón nhận một loạt tin tức tiêu cực, vẽ lên một bức tranh kinh tế Mỹ ngày càng ảm đạm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng lên 6,65 triệu, cao hơn con số ước tính của các nhà kinh tế là 5,25 triệu.
"Nhìn chung, những con số này vẫn cho thấy một bức tranh ảm đạm và thị trường có thể tiếp tục rung lắc. Điều này có thể là sự bắt đầu cho nhiều thứ tồi tệ hơn", nhà chiến lược Kinahan nhận định./.