Nhà đầu tư chật vật thoái vốn khi bế tắc trên thị trường IPO

Hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư đang mắc kẹt ở các công ty tư nhân (chưa niêm yết) bao gồm các công ty khởi nghiệp (startup) trên toàn cầu. Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), con đường thoái vốn phổ biến nhất, đang phục hồi nhưng không nhanh như kỳ vọng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư xoay xở tìm các phương án mới để thu hồi vốn ở các công ty tư nhân.

Thị trường IPO toàn cầu vẫn chưa thuận lợi để giúp các nhà đầu tư thoái vốn khỏi các công ty tư nhân lâu năm. Ảnh: step2growth.com

Thị trường IPO toàn cầu vẫn chưa thuận lợi để giúp các nhà đầu tư thoái vốn khỏi các công ty tư nhân lâu năm. Ảnh: step2growth.com

Sau 2 năm gần như đóng băng, thị trường IPO trên toàn cầu đang hồi sinh nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ. Các doanh nghiệp vẫn ngần ngại niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn địa chính trị gia tăng. Các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân với danh mục đầu tư ngày càng phình to đang xem xét các chiến lược rút lui thay thế, chẳng hạn như bán lại cổ phần trên các sàn giao dịch thứ cấp. Forge Global (Mỹ), công ty vận hành sàn giao dịch thứ cấp dành cho các công ty tư nhân, ghi nhận khối lượng giao dịch trong quí 3-2023 tăng 50%.

Thị trường thứ cấp phát triển mạnh trong thập niên qua, với các ngân hàng lớn, nhà quản lý tài sản và công ty thương mại đổ xô đầu tư vào nhiều nền tảng giao dịch khác nhau. Thị trường này là một kênh giao dịch quan trọng để nhân viên của các startup bán cổ phiếu vì chờ đợi IPO quá lâu. Năm ngoái, các startup như OpenAI và SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã cho phép nhân viên bán cổ phiếu thông qua thị trường thứ cấp.

Dữ liệu của Preqin cho thấy tính đến tháng 9-2023, các công ty tư nhân lâu năm đang nắm giữ lượng tài sản có giá trị kỷ lục 3.200 tỉ đô la Mỹ. Theo dữ liệu của hãng tư vấn quản lý Bain, tính đến năm 2024, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân trên toàn cầu đang nắm con số kỷ lục 28.000 công ty tư nhân chưa bán được. Đó là một vấn đề đau đầu đối với họ. Để tiến hành các thương vụ đầu tư mới, họ thường dựa vào chu kỳ huy động tiền bằng cách bán cổ phần ở các công ty tư nhân hoặc thoái vốn thông qua IPO.

Trong khi thị trường IPO có dấu hiệu hồi phục những tuần gần đây, số lượng thương vụ IPO vẫn ở mức thấp trong một thập niên. Và các kế hoạch niêm yết sắp tới vẫn có thể đổ bể nếu thị trường chứng khoán diễn biến bất lợi hoặc kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gây tranh cãi.

Nhiều công ty muốn duy trì trạng thái tư nhân để tránh sự giám sát của cơ quan quản lý và tránh nghĩa vụ cập nhật thông tin thường xuyên cho nhà đầu tư một khi niêm yết. Nếu giữ nguyên phương án IPO, họ có thể chờ đợi thời điểm thuận lợi nhất.

Ví dụ, Công ty mạng xã hội Reddit (Mỹ) đã chờ đợi gần hai thập niên và huy động được khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ trước khi tiến hành IPO hồi tháng 3. Cổ phiếu của công ty đã tăng giá khoảng 80% so với giá IPO. 20 năm trước, Google của Alphabet chỉ nhận được 25 triệu đô la vốn đầu tư tư nhân trong 6 năm từ lúc thành lập đến thời điểm IPO vào năm 2004.

Sự kiên nhẫn chờ đợi IPO đó kết hợp với cơn bùng nổ thâu tóm dựa vào đòn bẩy nợ trong kỷ nguyên lãi suất thấp trước đây khiến số lượng công ty đại chúng ở Mỹ giảm gần một nửa so với mức đỉnh khoảng 7.500 công ty vào cuối năm 1997.

Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân EQT (Thụy Điển) muốn nắm giữ lâu dài một số công ty sáng giá nhất trong danh mục đầu tư cho đến khi các điều kiện của thị trường IPO thuận lợi.

“Với sự biến động của thị trường chứng khoán và những lo ngại khác mà bạn thấy xung quanh thị trường IPO, chúng tôi cảm thấy cần phải phát triển các giải pháp thay thế”, Christian Sinding, CEO của EQT, nói.

EQT đang phát triển cấu trúc vốn dài hạn, cho phép nắm giữ cổ phần ở các công ty tư nhân lâu hơn thời gian gian nắm giữ thông thường là 5-7 năm. Theo cấu trúc này, công ty sẽ có thể giữ một số tài sản tốt nhất trong khi bán hoặc tiến hành IPO các tài sản khác để tạo ra tính thanh khoản cần thiết.

Tính đến tháng 9- 2023, các công ty tư nhân lâu năm trên toàn cầu đang nắm giữ lượng tài sản có giá trị kỷ lục 3.200 tỉ đô la Mỹ do thiếu cơ hội IPO và bán lại thông qua các thương vụ thâu tóm. Ảnh: Bloomberg

Tính đến tháng 9- 2023, các công ty tư nhân lâu năm trên toàn cầu đang nắm giữ lượng tài sản có giá trị kỷ lục 3.200 tỉ đô la Mỹ do thiếu cơ hội IPO và bán lại thông qua các thương vụ thâu tóm. Ảnh: Bloomberg

Các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng có thể thu hồi tiền mặt bằng cách chuyển nhượng cổ phần trong công ty tư nhân cho các đối tác ngang hàng hoặc nhà đầu tư của chính họ. Năm ngoái, Công ty phần mềm Visma của Na Uy thu hút khoảng 20 nhà đầu tư mới trong một đợt bán cổ phần định giá công ty ở mức 19 tỉ euro. Thương vụ này cho phép một số nhà đầu tư trước đây của Visma thoái vốn. Athena Theodorou, giám đốc cao cấp của ngân hàng UBS, cho biết phương án này cung cấp một lộ trình hấp dẫn để nhà đầu tư thoái vốn một phần.

Tại Anh, nơi số tiền huy động được thông qua IPO vào năm ngoái giảm xuống thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, chính phủ đang đề xuất một hệ thống giúp các công ty tư nhân niêm yết cổ phiếu trong ngắn hạn để nhà đầu tư thoái vốn.

Hệ thống này có tên gọi chính thức là Hệ thống trao đổi vốn và chứng khoán không liên tục tư nhân (Pisces), sẽ hoạt động như một sự giao thoa giữa thị trường đại chúng và tư nhân, cho phép công ty tư nhân có cơ hội niêm yết cổ phiếu trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 3 ngày, với lượng thông tin công bố hạn chế.

Các công ty tư nhân sẽ không được phép huy động vốn mới thông qua Pisces và các nhà đầu tư nhỏ lẻ dự kiến sẽ không được phép mua cổ phiếu từ hệ thống này. Chỉ có các nhà đầu tư tổ chức và nhân viên của các công ty tư nhân được phép giao dịch cổ phiếu thông qua hệ thống. Hệ thống này có thể bắt đầu hoạt động cuối năm nay sau khi được Cơ quan quản lý tài chính Anh phê duyệt.

Pisces có thể giúp nhà đầu tư hiện tại của các công ty tư nhân thoái vốn dễ dàng hơn bằng cách kết nối họ hiệu quả hơn với các nhà đầu tổ chức khác. Hiện nay, nhà đầu tư phải tự tìm người mua nên việc bán bớt cổ phiếu hay thỏa thuận giá cả rất khó khăn.

“Đây là một đề xuất mang tính đột phá cho một thị trường mới sẽ giúp các công ty tư nhân mở rộng quy mô và thúc đẩy quá trình IPO trong tương lai ở Anh”, một nguồn tin của Bộ Tài chính Anh nói.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-chat-vat-thoai-von-khi-be-tac-tren-thi-truong-ipo/