Nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng... 'nghỉ Tết sớm'
VN-Index đang bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ và việc nhiều nhà đầu tư 'nghỉ Tết sớm' khiến dòng tiền suy yếu. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cho thấy cả phía cung và phía cầu đều đang giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi hơn là tích cực tham gia giao dịch.
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán tiếp tục biến động khó chịu, VN-Index rơi một mạch từ quanh vùng 1.260 điểm về sát 1.200 điểm chỉ trong 2 tuần. Giá cổ phiếu liên tục "cưa chân bàn" đi xuống khiến những người kiên nhẫn nhất cũng cảm thấy thất vọng.
Thất vọng về thị trường
Diễn biến thị trường nửa đầu tháng 1 năm nay có phần trái ngược so với hàng năm khi VN-Index thường biến động khá tích cực trong giai đoạn này với xác suất tăng điểm lên tới 70%.
Việc thị trường trồi sụt về điểm số khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, đem tiền gửi ngân hàng, thanh khoản của thị trường ngày càng “teo tóp”. Tần suất các phiên giao dịch giá trị thấp xuất hiện khá dày, chỉ còn khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí trong phiên 9/1 mới đây, giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt hơn 6.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 21 tháng.
Dòng tiền nội hạn chế, khối ngoại cũng “tháo chạy”. Từ đầu năm đến nay, nhóm nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị lên tới gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau 9 phiên giao dịch. Trước đó, riêng trong năm 2024, giá trị bán ròng trên HoSE vượt hơn 90.000 tỷ đồng - con số kỷ lục trong lịch sử.
Đáng chú ý, đà sụt giảm của thanh khoản không chỉ diễn ra mới đây mà đã hình thành xu hướng rõ rệt từ giữa năm ngoái.
Thực tế, VN-Index đã tăng 12% trong năm 2024 nhưng đóng góp chủ yếu là đà tăng của quý I (13%). Phần còn lại của năm, chỉ số chính gần như chỉ dao động trong vùng 1.200-1.300 điểm. Biến động mạnh chủ yếu đến từ một vài cổ phiếu midcap có tính chất đầu cơ cao, với diễn biến “đi tàu lượn” khi liên tục tăng trần rồi lại liên tục đổ sàn khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng vì “đu đỉnh”.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dòng chứng khoán, bất động sản, xây dựng, sắt thép… cũng thua lỗ nặng vì nhiều mã rơi xuống mức thấp nhất nhiều năm. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi hàng loạt thông tin tích cực như nâng hạng thị trường chứng khoán, hệ thống KRX, các quy định mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu…. không mang lại trợ giúp gì.
“Cuối năm 2023, thấy dòng chứng khoán tăng mạnh với kỳ vọng nâng hạng thị trường, tôi mua vào mã chứng khoán SSI. Tuy nhiên, suốt một năm nắm giữ cổ phiếu này, đến giờ tôi vẫn lỗ nặng. Vài cổ phiếu nhóm đầu tư công và bất động sản đang nắm giữ cũng gần như không có lợi nhuận”, chị Phạm Ngọc (Hà Nam) cho biết.
Kỳ vọng dòng tiền tăng trở lại từ quý II
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta cho rằng, tâm lý chung hiện tại của nhà đầu tư tỏ ra khá thất vọng khi thị trường tiếp tục có những pha quay đầu và chưa thể xác định xu hướng. Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy ở những phiên tăng điểm mạnh của thị trường đều đang ở những vị thế không tốt. Thị trường đang ở trong giai đoạn rất khó để kiếm được lợi nhuận trong ngắn hạn, vì vậy nhu cầu giao dịch sẽ giảm từ giờ cho tới hết năm âm lịch 2024.
Ngày 20/1 tới là thời điểm ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các chính sách kinh tế mới có thể gây ra những biến động cho thị trường. Ngoài ra, đà tăng của USD trong ngắn hạn cũng hạn chế dòng tiền vào thị trường Việt Nam. Do đó, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Trần Hoàng Sơn dự đoán thị trường có thể sẽ đi ngang và tích lũy, trước những nhiễu động của thế giới.
Ông Sơn cho rằng trong khoảng 3 – 6 tháng tới, thanh khoản có thể tiếp tục lình xình, đi ngang, chưa rõ ràng. Tuy nhiên, từ sau giai đoạn quý II, dòng tiền trên thị trường có thể bắt đầu tăng cao.
"Nếu xu hướng thanh khoản 2024 là tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm thì thanh khoản 2025 sẽ ngược lại, thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm", ông Sơn dự báo.
Nguyên nhân là ở khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã rõ ràng, theo chuyên gia từ VPBankS. Ở các nước khác, trước khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell có thể đưa ra quyết định nâng hạng), thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và nhịp tăng này có thể kéo dài đến đầu 2026.
Trong bối cảnh hiện nay, sự bình tĩnh và chiến lược đầu tư thông minh sẽ là chìa khóa để vượt qua giai đoạn khó khăn và chuẩn bị cho sự hồi phục trong thời gian tới. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, cũng như xu hướng dòng vốn ngoại để đưa ra các quyết định phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam khuyến nghị, nhà đầu tư cần hướng đến những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt và ổn định xuyên suốt cả năm, đồng thời có sức chống chịu cao với rủi ro có thể xảy ra như các chính sách của ông Donald Trump, rủi ro tỷ giá. Đó là các nhóm ngành như ngân hàng, công nghệ.
Bên cạnh hai nhóm trên, nhóm cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực đầu tư công cũng được bà Thảo khuyến nghị, do Chính phủ đang chi đáng kể cho đầu tư cơ sở hạ tầng, với mức tương ứng 6-7% GDP - cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và liên quan, gồm nguyên vật liệu, năng lượng, cảng biển, logistics… sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Với xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn diễn ra mạnh, đại diện Manulife Investment Việt Nam cho biết các tập đoàn lớn trên thế giới, gồm các tập đoàn công nghệ đã tìm đến Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ dần đặt ra các cải cách về thể chế, cơ sở hạ tầng, cũng như tham gia các xu hướng lớn trên thế giới, như chuyển đổi số, AI, xanh hóa… Do đó, các ngành công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng tái tạo cũng có tiềm năng thu hút dòng tiền đầu tư.