Nhà đầu tư điện gió phấp phỏng với chính sách giá mua điện
Việc Bộ Công thương có tờ trình Chính phủ liên quan đến cơ chế giá mua điện tại các dự án điện gió (FIT) đã dấy lên nhiều hy vọng cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Thời gian này, hầu như không có chủ đầu tư dự án điện gió nào dám chắc về khả năng sẽ hoàn thành dự án trước thời điểm tháng 10/2021 - thời hạn cuối cùng được hưởng cơ chế giá FIT. Nút thắt lớn nhất của các dự án điện gió đang là mức giá mua điện, bởi đây sẽ là yếu tố quyết định lời hay lỗ của dự án.
Ngay cả nhà đầu tư có quy mô lớn nhất nhì trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào các dự án lớn như Trung Nam cũng phải đau đầu tính toán.
Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HBRE (hiện đang triển khai 5 dự án điện gió quy mô lớn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ) cũng cho rằng, việc chưa có quyết định chính thức cho phép kéo dài cơ chế giá FIT sau tháng 10/2021 đối với các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay cho dự án. Bởi các ngân hàng lo ngại tính rủi ro và khả năng trả nợ vay...
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, nếu như đến cuối năm 2021, Chính phủ không còn áp dụng cơ chế giá mua điện ưu đãi áp dụng với điện gió trong đất liền là 8,5 cents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 cents/kWh thì các nhà đầu tư tư nhân rất khó khăn, thậm chí là chịu rủi ro rất lớn.
Theo tính toán của ông Tín, với hàng loạt yếu tố đặc thù như thi công khó khăn, thiết bị phụ thuộc hoàn toàn nguồn cung nước ngoài đã làm tăng đáng kể thời gian đầu tư, xây dựng một dự án điện gió, trung bình khoảng 2 năm đối với dự án điện gió trên bờ và từ 3 - 4 năm đối với điện gió ngoài khơi trong điều kiện bình thường.
Giá điều chỉnh dù ít dù nhiều đều có thể làm thay đổi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống đầu tư dự án của doanh nghiệp
Ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam
Chưa kể, do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng thì thời gian từ nay đến hết tháng 10/2021 là không đủ để nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió trong danh mục dự án được bổ sung quy hoạch được hưởng mức giá FIT.
Do đó, việc kéo dài cơ chế giá FIT là yếu tố sống còn đối với các nhà đầu tư điện gió hiện nay.
Trên thực tế, Bộ Công thương đã cân nhắc về đề xuất Chính phủ phương án áp dụng cơ chế giá mua cố định với dự án điện gió theo Quyết định 39/2018 đến hết ngày 31/12/2023.
Chính phủ cũng đã có ý kiến về việc gia hạn cơ chế mua điện ưu đãi, tuy nhiên về giá có yêu cầu tính toán lại và đây vẫn là điều khiến các doanh nghiệp phấp phỏng không yên.
“Nếu đã tính toán lại thì vẫn có khả năng xem xét giảm giá. Giá điều chỉnh dù ít dù nhiều đều có thể làm thay đổi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống đầu tư dự án của doanh nghiệp”, ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam phân tích.
Cũng theo ước tính của doanh nghiệp này, mức giá điện gió chỉ cần giảm hơn 10% so với mức giá FIT thì nhà đầu tư sẽ lỗ, dẫn tới hệ lụy đổ vỡ mang tính dây chuyền: dự án dở dang, ngân hàng dừng cho vay vốn và kết cục là phá vỡ quy hoạch phát triển năng lượng của đất nước.
Số liệu cập nhật của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 9/2020, trong số 11.600 MW điện gió được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực, gần 470 MW điện gió hòa lưới và khoảng 2.905 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (có khả năng vào vận hành trong năm 2021).
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 8.700 MW điện gió đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch (bao gồm cả 7.000 MW mới được phê duyệt bổ sung) có khả năng không kịp vào vận hành trước tháng 11/2021, là thời điểm hiệu lực để áp dụng biểu giá điện hỗ trợ tại Quyết định 39.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư phát triển điện gió, góp phần đảm bảo cung ứng điện giai đoạn đến năm 2025, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 đến hết năm 2023; đồng thời giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tính toán giá mua bán điện áp dụng từ tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2023 cho các dự án điện gió và thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung các nội dung này tại Quyết định 39 theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.
Bộ này cũng cho biết đã nhận được báo cáo của Hiệp hội Điện gió cùng 10 địa phương có số lượng dự án điện gió lớn đề nghị báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn 1-2 năm thời hạn áp dụng cơ chế FIT tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.