Nhà đầu tư kêu cứu vì các điều khoản về mua bán điện giữa EVN và doanh nghiệp không được thực hiện đúng cam kết

Dự án Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, EVN có văn bản thông báo dừng khai thác 172,12 MW công suất nhà máy kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện. Điều này đang khiến nhà đầu tư gặp nhiều áp lực lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng theo phương án tài chính của dự án.

Đây là hình ảnh của 172 MW điện đã bị cắt giảm. Như vậy, ước tính mỗi ngày đơn vị này thiệt hại 2 tỷ đồng. Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi hiện nay đơn vị này vẫn phải bỏ hàng chục tỉ đồng bảo dưỡng duy tu vận hành cho trạm truyền tải 500 KV đã hoàn thành theo cam kết trong hợp đồng nhưng EVN vẫn chưa nhiệm thu. Do vậy việc cắt 172 MW sản lượng điện thời gian qua khiến cho đơn vị khó chống khó.

Ông NGUYỄN TÂM TIẾN, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Trung Nam Group: “Chúng tôi bây giờ không có đủ tiền vận hành trạm đó, trong khi đây là dự án có điều kiện. Trong khi lẽ ra EVN họ là người nhận trạm này theo điều kiện của Chính phủ để vận hành nhưng họ vẫn chưa chịu nhận. Chúng tôi vẫn đang bỏ tiền ra để vận hành trạm này, đến bây giờ họ lại cắt đến 40% thì kinh phí đâu để chúng tôi tiếp tục vận hành trong việc duy trì, duy tu, bảo dưỡng. Hãy cứu chúng tôi cho chúng tôi phát điện lên khi nào có giá duyệt thì thanh toán lúc đó.”

Theo Khoản 5 Điều 4 hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam với EVN: “Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương”. Và như vậy, theo nhà đầu tư, việc EVN dừng huy động phần công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản mua bán điện đã cam kết.

Đơn vị này mong muốn, Chính phủ cần sớm có giải pháp xem xét tiếp tục ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.

Ông NGUYỄN TÂM TIẾN, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Trung Nam Group: “Chúng tôi kêu cứu là cơ quan thẩm quyền cũng giúp đỡ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và tránh gây lãng phí của xã hội, cũng như những tiêu chí mà chúng tôi đã đáp ứng được, đủ điều kiện theo yêu cầu thì hãy ưu tiên cho nhà máy Thuận Nam bới gần 2 năm nay chúng tôi làm lợi cho EVN hơn 360 tỷ đồng.”

Điện thì không thể tích trữ, bỏ thì đó chính là sự lãng phí. Bình luận về vấn đề này, mới đây, trên trang nangluongvietnam.vn, trong bài viết “Ý kiến chuyên gia tình huống dừng huy động 172/450 MW điện mặt trời Thuận Nam”, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng cần tiếp tục để Trung Nam tiếp tục khai thác phần sản lượng điện này.

Cần thiết cho phép tiếp tục huy động khai thác năng lượng được sản xuất từ phần công suất “dư” nói trên, vì lý do: Toàn bộ nhà máy điện 450 MW và hạ tầng đi kèm đã được đầu tư và đang vận hành. Nếu không được phát lên lưới, nguồn năng lượng từ 172,12 MW (bị cắt) đó sẽ bị lãng phí rất lớn (ước tính ít nhất sẽ sản xuất được trên 258 triệu kWh điện hàng năm từ phần công suất này), trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng không đáng kể. Đây là lãng phí, thiệt hại cho xã hội, trong khi chúng ta đang cần rất nhiều điện và có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

Sự lãng phí này có lẽ cũng đã kéo dài gần 2 năm qua khi không chỉ riêng Trung Nam mà còn rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư năng lượng đang ngóng chờ cơ chế.

Ông BÙI VĂN THỊNH, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận: “Như tôi đã nói vì Covid hay vì 1 lý do nào đó mà dự án đến nay đã hoàn thành nhưng trễ mất thời gian quy định thì đương nhiên EVN họ không thể nào mua điện được được vì họ không biết mua giá nào, hiện tại thì tất cả dự án đang bị dừng, bị dừng như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến tuabin, thiết bị. Về mặt thương mại dự án dừng không có doanh thu trong khi nợ và lãi vay vẫn trả thì đây là khó khăn chồng chất khó khăn.”

Thiết nghĩ, Chính phủ, Bộ Công Thương cần chỉ đạo EVN tiến hành đàm phán và cân nhắc để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ cam kết COP 26 về tăng cường năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Tiền doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cũng là tiền của nhân dân, điểm mấu chốt bây giờ là hài hòa lợi ích để các bên cùng có lợi. Đừng để lãng phí tiền của nhân dân trong khi chúng ta đang phải đi mua điện từ nước ngoài.

Thực hiện : Diệu Huyền Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nha-dau-tu-keu-cuu-vi-cac-dieu-khoan-ve-mua-ban-dien-giua-evn-va-doanh-nghiep-khong-duoc-thuc-hien-dung-cam-ket