Khủng hoảng điện ở Nigeria

Những lớp học thiếu ánh sáng và ngột ngạt ở Nigeria trở nên tràn đầy sức sống vào mỗi buổi sáng khi trẻ em xếp hàng vào học, tuy nhiên, ánh nắng mặt trời là nguồn ánh sáng duy nhất các em có.

Ánh nắng là nguồn ánh sáng duy nhất mà các học sinh ở Olodo Okin (Nigeria) có được. Nguồn: AP.

Ánh nắng là nguồn ánh sáng duy nhất mà các học sinh ở Olodo Okin (Nigeria) có được. Nguồn: AP.

Nhiều nắng nhưng ít vốn

Đó là một thực tế đối với học sinh trên khắp Nigeria, nơi nhiều tòa nhà không có điện lưới quốc gia. Người sáng lập Trường Đạo đức xuất sắc ở Olodo Okin, Ibadan, ông Muyideen Raji cho biết, toàn bộ cộng đồng không được kết nối điện, kể cả trường học. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh khi chúng không thể học cách sử dụng máy tính hoặc Internet và khó khăn khi học vào buổi tối.

Khoảng một nửa trong số hơn 200 triệu người dân của Nigeria được kết nối với lưới điện quốc gia nhưng nó không thể cung cấp đủ điện hàng ngày cho hầu hết những người được kết nối.

Ở một đất nước có nhiều ánh nắng, nhiều người đang tìm đến năng lượng mặt trời để giúp lấp đầy những khoảng trống, nhưng việc thu hút các nhà đầu tư là một cuộc đấu tranh khó khăn, bởi họ sợ rủi ro khi tài trợ cho các dự án lớn có thể cung cấp đủ năng lượng cho Nigeria.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Nigeria có thể tạo ra nhiều điện hơn mức cần thiết từ năng lượng mặt trời nhờ ánh nắng mặt trời mạnh mẽ. Nhưng 14 dự án năng lượng mặt trời quy mô lưới điện ở miền Bắc và miền Trung đất nước có thể tạo ra 1.125MW điện đã bị đình trệ kể từ khi hợp đồng được ký kết vào năm 2016.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), những người đang cố gắng phát triển các dự án năng lượng mặt trời ở nước này đổ lỗi cho lãi suất vay vốn có thể lên tới 15%, cao gấp 2 - 3 lần so với các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty năng lượng mặt trời làm việc ở Nigeria hoặc các quốc gia đang phát triển khác sẽ tốn kém hơn ở các nước giàu. Châu Phi chỉ có 1/5 công suất năng lượng mặt trời của Đức và chỉ 2% đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đổ vào lục địa này.

So sánh 2 dự án tương tự được thực hiện ở Nigeria và Đan Mạch, Giám đốc Nova Power Najim Animashaun cho biết, dự án của Đan Mạch sẽ nhận được nguồn tài trợ với lãi suất từ 2 - 3%, trong khi đó ở Nigeria, ông phải vật lộn để có được các khoản vay ngay cả với lãi suất từ 10% trở lên, dù dự án của Nigeria có thể sản xuất điện năng gấp 2,5 lần so với dự án của Đan Mạch.

Tìm hướng đi đúng

Với công suất dưới 8.000MW và nguồn cung trung bình dưới 4.000MW - chưa bằng một nửa lượng điện mà Singapore cung cấp cho chỉ 5,6 triệu người, tình trạng mất điện xảy ra hàng ngày ở Nigeria. Các cộng đồng không có điện như Trường Đạo đức xuất sắc ở Ibadan nằm cạnh những cộng đồng may mắn hơn được kết nối với lưới điện nhưng thường xuyên bị mất điện và phải sử dụng máy phát điện riêng chạy xăng và dầu diesel.

Khi các khoản trợ cấp xăng dầu kết thúc, nhiều hộ gia đình, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí nhiên liệu cho máy phát điện dự phòng của họ.

Ông Abdulhakeem Adedoja - Hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học Lorat ở Ibadan, cho biết: “Chúng tôi đã ngừng sử dụng máy phát điện để tiết kiệm chi phí. Mặc dù trường học nằm trong khu vực được kết nối với lưới điện nhưng chúng tôi có thể phải sống trong 2 tuần mà không có điện”.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ ngốn nhiều năng lượng hơn như các nhà hàng, họ phải lựa chọn đóng cửa hoặc tiếp tục sử dụng điện dự phòng với chi phí cao làm ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh. Cô Ebunola Akinwale - chủ quán cà phê Nature’s Treat ở Ibadan cho biết, cô phải trả 2,5 triệu Naira (1.700 USD) hàng tháng để cung cấp năng lượng cho máy phát điện dự phòng tại 4 chi nhánh của mình. Cô Akinwale có thể sẽ phải đóng cửa 1 hoặc 2 chi nhánh, mặc dù vẫn đang có kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời. Cô đang đàm phán với ngân hàng về một gói cho vay chi phí thấp được thiết kế đặc biệt dành cho các nữ doanh nhân trẻ để tài trợ cho giải pháp năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và hộ gia đình nào cũng có khả năng tiếp cận như vậy hoặc có đủ khả năng chi trả vốn ban đầu cho một hệ thống năng lượng mặt trời tư nhân. Đối với các trường học, đó là một chi phí quá cao.

Thực tế, không chỉ các dự án năng lượng mặt trời bị đình trệ do thiếu tài chính, mà ngay cả đối với các nguồn phát điện khác, Nigeria vẫn phải vật lộn để thu hút nguồn đầu tư tư nhân rất cần thiết. Bộ trưởng Điện lực Adebayo Adelabu cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến ngành điện, giá cả phải phản ánh chi phí thực sự của dịch vụ vì chính phủ không đủ khả năng chi 3.000 tỷ Naira (2,4 tỷ USD) tiền trợ cấp. Chính phủ cũng khẳng định, việc người dân Nigeria trả đầy đủ tiền điện họ tiêu thụ sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách công Sam Amadi băn khoăn, với mức lương tối thiểu là 30.000 Naira (20 USD) một tháng, liệu người tiêu dùng ở Nigeria có thể chi trả cho năng lượng tiêu thụ mà không cần trợ cấp hay không? Ông cũng muốn có một chính sách giúp các dự án năng lượng mặt trời quy mô nhỏ rải rác khắp cộng đồng, doanh nghiệp và gia đình trở nên hợp lý hơn.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khung-hoang-dien-o-nigeria-10284864.html