Nhà đầu tư lo ngại khi Trung Quốc 'sờ gáy' lãnh đạo Didi
Sóng gió với Didi nổi lên sau khi hãng cung cấp phần mềm gọi xe 'lên sàn' chứng khoán New York (Mỹ) lần đầu tiên.
Ba nhà sáng lập, điều hành Didi Chuxing, hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc (nắm giữ hơn 50% quyền biểu quyết trong Hội đồng quản trị) đang bị Chính phủ Trung Quốc điều tra vì vấn đề an ninh mạng. Nhiều nguồn thạo tin cho rằng, hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc đứng trước nguy cơ phải cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo.
Giao dịch viên sàn chứng khoán New York, Mỹ trao đổi trong ngày đầu tiên Didi Chuxing lên sàn chứng khoán
Làm rõ trách nhiệm 3 người đứng đầu?
Đầu tháng 8 này, theo một số nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Tổng cục không gian mạng Trung Quốc (CAC) đang điều tra Chủ tịch, người sáng lập Didi Chuxing (gọi tắt Didi) ông Cheng Wei; Chủ tịch toàn cầu, người đồng sáng lập Jean Liu Qing và Phó chủ tịch cấp cao Stephen Zhu Jingshi.
“
Những công ty công nghệ trong ngành dịch vụ giao thông như Didi Chuxing sở hữu rất nhiều dữ liệu quan trọng về hệ thống đường sá, phương tiện giao thông, thói quen người dùng. Những loại dữ liệu này rất quan trọng với an ninh quốc gia. Như vậy, việc điều tra Didi có thể là khởi đầu cho một chiến dịch giám sát đối với các công ty internet Trung Quốc.
Wang Sixin, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc
”
Cả ba đang nắm giữ hơn 50% quyền biểu quyết, đưa ra các quyết định quan trọng trong Hội đồng quản trị gồm 8 thành viên của Didi. Các sai phạm cụ thể của hãng gọi xe Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.
Một nguồn tin giấu tên cho hay, ba người này có trách nhiệm chính trong quyết định đưa Didi niêm yết trên sàn chứng khoán New York, đi ngược lại chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung Quốc.
Một số quan chức Bắc Kinh quy đây là hành vi cố ý gian dối. Do đó, vị trí của lãnh đạo cao nhất Liu có thể bị thay đổi.
Sóng gió với Didi nổi lên sau khi hãng cung cấp phần mềm gọi xe “lên sàn” chứng khoán New York (Mỹ) lần đầu tiên mang về thành công lớn, huy động được 4,4 tỷ USD hồi cuối tháng 6.
Chỉ sau đó vài ngày, đầu tháng 7, CAC công bố điều tra Didi, buộc công ty phải gỡ ứng dụng gọi xe và 25 ứng dụng liên kết vô thời hạn. Từ đó đến nay, ngoài CAC, còn có các cơ quan khác của Trung Quốc bao gồm Cục quản lý thị trường Nhà nước (SAMR), Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Bộ Giao thông, Cục thuế Nhà nước tham gia điều tra.
Cũng theo các nguồn tin, vài tuần qua, nhiều lãnh đạo văn phòng của Didi tại Thủ đô Bắc Kinh cũng bị triệu tập đột ngột, kể cả cuối tuần và bị xét hỏi suốt nhiều giờ.
Theo SCMP, Didi có 3 nhà đầu tư lớn là Tập đoàn Alibaba, Tencent, Softbank (Nhật Bản). Trong đó, lãnh đạo Alibaba và Tencent, đều là thành viên trong Hội đồng quản trị, từng kiên quyết cho rằng Didi nên hoãn niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Vá lỗ hổng an ninh
Didi trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu ở Trung Quốc
Ngoài làm rõ trách nhiệm trong quyết định IPO, một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là yêu cầu Didi phải vá lỗ hổng an ninh trên các app.
Từ 2 - 3 tuần qua, Didi đã nâng cấp kỹ thuật với một số ứng dụng theo yêu cầu của cơ quan chức năng về thu thập dữ liệu, lập bản đồ và quyền riêng tư của người dùng.
Một số app đã chỉnh sửa xong, được phép đăng trở lại các cửa hàng ứng dụng của Android và Apple.
Theo hãng tin Reuters, Didi đang đàm phán thuê Công ty An ninh thông tin Westone (là một doanh nghiệp Nhà nước) để giám sát và quản lý dữ liệu công ty, đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng. Còn tờ The Wall Street Journal cho rằng, hãng đang cân nhắc có thể thôi niêm yết chứng khoán. Tuy nhiên, Didi bác bỏ mọi thông tin trên.
Nếu thực sự dừng niêm yết trên thị trường Mỹ, hãng gọi xe Trung Quốc sẽ tổn thất hàng chục tỷ nhân dân tệ tiền bồi thường cho các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của hãng. Không loại trừ khả năng xảy ra kiện cáo.
Tính đến ngày 11/8, cổ phiếu của Didi tại New York rớt 3,9% còn 9,12 USD so với mức giá niêm yết lần đầu tiên là 14 USD. Định giá của công ty hiện tại là 44,2 tỷ USD và khoản đầu tư 4 tỷ USD của “ông lớn” Softbank đang gặp nguy.
Phía Softbank vẫn giữ lập trường án binh bất động trong 1 - 2 năm, nghe ngóng tình hình Trung Quốc quản lý ngành công nghệ, theo thông tin từ Finanical Times.
Cuộc điều tra của Trung Quốc đối với Didi phần nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về môi trường đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc.
Có lẽ vì vậy nên Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc và Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã phải nhanh chóng vào cuộc, trấn an các nhà đầu tư, khẳng định Trung Quốc không cấm các công ty “lên sàn” tại New York, theo SCMP.
Theo phản ứng mới nhất, phía Didi khẳng định: “Hãng đang phối hợp tích cực và toàn diện với cơ quan chức năng trong quá trình đánh giá an ninh mạng. Những đồn đoán khả năng hãng phải cơ cấu lại ban quản trị là không chính xác và chưa có căn cứ”.
Thành lập năm 2012, Didi trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi “đá văng” đối thủ Uber ra khỏi thị trường 1,4 tỷ dân.
Thống kê tới nay cho thấy, Didi có 493 triệu người dùng thường xuyên (active users) và 13 triệu lái xe, trung bình thực hiện 20 triệu chuyến xe mỗi ngày ở Trung Quốc, chiếm 90% thị trường gọi xe của đất nước tỷ dân. Ngoài ra, Didi đang là ứng dụng gọi xe có mặt ở 16 thị trường khác, bao gồm Úc, Brazil, Nhật Bản, Mexico và Nam Phi.