Nhà đầu tư lưỡng lự
Cả bên mua và bán đều có tâm lý lưỡng lự, nhưng trạng thái cân bằng bị phá vỡ khi chỉ số giảm dần. Mặc dù vậy, các tín hiệu thị trường không quá tiêu cực.
Bối cảnh vĩ mô: Lạm phát tại Mỹ giảm chưa bền vững
CPI tháng 11/2022 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng 10 và tăng 7,1% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với dự phóng 7,3% của giới phân tích. Lạm phát hạ nhiệt nên chỉ số USD (DXY) tiếp diễn đà giảm. Tỷ giá USD/VND cũng giảm mạnh từ đỉnh 24.800 trong tháng 11 về quanh mức 23.500.
Tuy lạm phát tại Mỹ giảm, nhưng DSC cho rằng, đà giảm này không bền vững. Hiện tượng giảm tốc lạm phát chủ yếu tới từ cấu phần năng lượng. Cụ thể, từ tháng 7 đến nay, giá dầu Brent đã giảm 25%, trong khi CPI năng lượng lần lượt ghi nhận thay đổi theo tháng là giảm 4,6%, giảm 5%, giảm 2,1%, tăng 1,8%, giảm 1,6%.
DSC đánh giá, xu hướng giảm giá dầu chủ yếu tới từ 2 yếu tố: nhu cầu thế giới suy giảm và Mỹ bán mạnh dầu từ kho dự trữ để hỗ trợ giảm giá năng lượng. Tính tới giữa tháng 12, sản lượng kho dự trữ dầu của Mỹ chỉ còn 378 triệu thùng, thấp kỷ lục trong 40 năm qua, tức không còn nhiều dư địa để trợ giá năng lượng.
Đây là yếu tố tiêu cực, nhất là khi nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng mạnh trong 6 tháng đến 1 năm tới, do Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid-19, tái khởi động bộ máy sản xuất. Trong trường hợp Trung Quốc mở cửa nhanh chóng, nhiều khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại mức cao, ảnh hưởng việc kiềm chế lạm phát của nhiều nước.
Chỉ số VN-Index: Điều chỉnh, nhưng chưa tiêu cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua thiếu vắng thông tin, tạo ra sự lưỡng lự ở cả bên mua và bán. Theo phân tích kỹ thuật, mẫu nến giảm với biên độ lớn phủ nhận trạng thái cân bằng, chỉ số đóng cửa tại 1.020,34 điểm, giảm 3% so với cuối tuần trước đó. Điểm tích cực là lực bán giảm dần và điểm số được neo trên đường MA10 ở biểu đồ tuần (quanh 1.010 điểm).
Ở đồ thị ngày, ngưỡng 1.010 điểm là nền hỗ trợ đáng tin cậy sau 4 lần kiểm chứng liên tiếp. Trong phiên cuối tuần qua, VN-Index có trạng thái nến Doji cân bằng với giá trị giao dịch dưới 10.000 tỷ đồng lần đầu trong nhiều tháng. Với vận động thắt chặt dần, kỳ vọng diễn biến mở xu hướng sẽ sớm xuất hiện.
Sự vận động tích lũy dưới đường tín hiệu khiến chúng tôi hạ dự báo thị trường từ hồi phục mạnh lên mốc 1.130 điểm xuống kỳ vọng vận động đi ngang, với ngưỡng kháng cự ngắn hạn quanh 1.065 điểm và mốc trung hạn tại 1.100 điểm. VN-Index vượt qua mốc 1.030 điểm là điều kiện cần để diễn biến tích cực trở lại và nhóm ngân hàng được kỳ vọng dẫn dắt thị trường thời gian tới.
Ngành đáng chú ý: Ngành thép
Hiệp hội Thép Việt Nam vừa công bố, giá trị sản xuất và xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2022 của ngành thép lần lượt là 27,12 triệu tấn và 5,46 triệu tấn, tương ứng giảm 11,3% và hơn 55% so với cùng kỳ.
Về đầu ra của ngành thép, chúng tôi cho rằng, có 4 điểm đáng lưu ý. Một là, câu chuyện xuất khẩu phục hồi trong ngắn hạn còn mơ hồ khi kinh tế thế giới có khuynh hướng thu hẹp tổng cầu. Hai là, giá thép khó có thể đảo chiều mạnh trong ngắn hạn, khi giá thép thế giới hay giá HRC Trung Quốc đã tăng 10% kể từ đầu tháng 12, nhưng giá thép nội địa lại loay hoay tạo đáy, do tồn kho toàn ngành thép đang ở mức cao kỷ lục.
Chúng tôi đánh giá, giá thép nội địa và quốc tế sẽ có mối tương quan thấp cho đến khi tín hiệu xuất khẩu tích cực trở lại. Ba là, nhu cầu thấp từ ngành xây dựng và thị trường bất động sản chưa có tín hiệu hỗ trợ về mặt chính sách. Bốn là, chính sách tài khóa là kỳ vọng duy nhất trong ngắn hạn thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Các gói kích thích đầu tư công đã đẩy số liệu bán hàng thép thành phẩm trong tháng 11 tăng 2,87% so với tháng 10, mức tăng không đáng kể vì tiến độ dự án chưa được đảm bảo.
Nhìn chung, bối cảnh thực của ngành thép vẫn là bức tranh tối màu, dẫn đến kỳ vọng kém lạc quan trong ngắn hạn, đặc biệt với báo cáo tài chính cuối năm. Song diễn biến trên thị trường chứng khoán lại thể hiện ngược lại, chỉ số ngành thép hồi phục 70% kể từ vùng đáy. Tuy nhiên, chỉ số khi tiệm cận MA200 (93 điểm) đã quay đầu với mẫu nến Bearish
Engulfing “bao trùm giảm”. Nếu chỉ số có nhịp kiểm chứng quanh đường tín hiệu MA20 (73 điểm) sẽ mở ra điểm mua an toàn hơn. Một số cổ phiếu ngành thép đáng chú ý trong nhịp điều chỉnh là HPG, HSG.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-luong-lu-post312482.html