Nhà đầu tư nên thận trọng khi phân tích lợi suất trái phiếu

Nếu thị trường trái phiếu là một thế lực đáng sợ thì đường cong lợi suất là đỉnh điểm của nỗi kinh hoàng. Dù dịch chuyển theo hướng nào thì chúng dường như đều gây ra sự xáo trộn.

Khi đường cong lợi suất đảo ngược vào tháng 10 năm ngoái, trong đó lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống dưới mức lợi suất trái phiếu ngắn hạn, các nhà phân tích đã lo lắng về tín hiệu được gửi đi. Suy cho cùng, đường cong lợi suất đảo ngược thường kéo theo sự suy thoái.

Nhưng đường cong lợi suất dường như đang chuyển hướng nhanh chóng. Mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã thu hẹp rõ rệt. Vào tháng 7/2023, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, và là mức chênh lệch lớn nhất trong 40 năm. Nhưng sau đó, mức chênh lệch hiện đang ở mức khoảng 0,3 điểm phần trăm.

Vì sự đảo ngược của đường cong lợi suất được xem là một điềm báo khủng khiếp nên nhà đầu tư có thể hợp lý khi cho rằng mức chênh lệch thu hẹp của đường cong lợi suất sẽ là một dấu hiệu tích cực. Trên thực tế, thời kỳ “bear steepener”, giai đoạn mà lợi suất trái phiếu dài hạn tăng mạnh hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, hiện tượng này thường xảy ra khi các nhà đầu tư lo ngại về lạm phát hoặc thị trường chứng khoán giảm giá trong ngắn hạn, ngược lại với “bull steepener”, trong đó lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng mạnh hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, lại được xem là một điềm báo khủng khiếp khác của thị trường.

Mức chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trừ đi kỳ hạn 2 năm

Mức chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trừ đi kỳ hạn 2 năm

Nguyên nhân gây lo ngại mới nhất là phần bù kỳ hạn (term premium) gia tăng, thường được mô tả là lợi suất bổ sung mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ chứng khoán có kỳ hạn dài hơn do có thêm sự không chắc chắn trong thời gian dài như vậy. Theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York, phần bù kỳ hạn đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 1,2 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong năm nay, điều này giải thích nhiều hơn sự gia tăng lợi suất dài hạn gần đây.

Tuy nhiên, trên thực tế, thuật ngữ phần bù kỳ hạn là một điều mơ hồ và phải được xử lý một cách thận trọng vì chúng không thể được đo lường trực tiếp. Thay vào đó, đối với một số lượng đáng ngạc nhiên các hiện tượng kinh tế quan trọng, các nhà phân tích phải làm sáng tỏ bằng cách đo lường những phần cụ thể hơn của hệ thống tài chính và xem những gì còn sót lại. Việc ước tính phần bù kỳ hạn cho một trái phiếu kỳ hạn 10 năm đòi hỏi phải dự báo lợi suất ngắn hạn cho thập kỷ tới và xem xét chúng khác biệt như thế nào so với lợi suất kỳ hạn 10 năm. Những yếu tố còn lại – dù lớn hay nhỏ – là phần bù kỳ hạn.

Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó, Giáo sư John Cochrane của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford chỉ ra rằng, mặc dù phần bù kỳ hạn có thể được ước tính dễ dàng hơn ở các kỳ hạn tương đối ngắn, nhưng các phép tính đòi hỏi ngày càng nhiều giả định về tương lai của lãi suất ngắn hạn khi các nhà phân tích di chuyển dọc theo đường cong lợi suất. Khi các ước tính về phần bù kỳ hạn được công bố, chúng thường không đi kèm với biên độ sai số (margin of error). Nếu đúng, biên độ sai số sẽ ngày càng rộng hơn trong thời gian dài hơn khi dự báo được thực hiện trong tương lai.

Điều đáng ngạc nhiên là cũng có rất ít sự kiện lịch sử để rút ra khi đánh giá những thay đổi trong đường cong lợi suất hoặc phần bù kỳ hạn. Trong 40 năm qua, đã có 8 giai đoạn bear steepener đáng kể và chỉ có 3 trong số đó là đường cong lợi suất đã bị đảo ngược. Ba trường hợp đó là vào năm 1990, 2000 và 2008 theo sau là các cuộc suy thoái, nhưng với độ trễ rất khác nhau.

Do đó, những chuyển động trên thị trường trái phiếu vừa dễ vừa khó giải thích. Chúng dễ giải thích vì bất kỳ yếu tố nào cũng có thể thúc đẩy lợi suất, bao gồm chương trình thắt chặt định lượng của Fed, lo ngại về tính bền vững về nợ của Mỹ và lo ngại về sự suy thoái thể chế. Tuy nhiên, việc quy lợi suất trái phiếu cho một yếu tố cụ thể là rất khó khăn. Và nếu không có sự rõ ràng hơn về nguyên nhân của một động thái, việc suy ra tương lai từ hình dạng của đường cong lợi suất sẽ giống như “read tea leaves” (thành ngữ xuất phát từ thực hành của những người sử dụng trà để đoán tương lai, bằng cách đọc các hình dạng và hình ảnh được tạo ra bởi lá trà trong ly) hơn là một nỗ lực mang tính khoa học.

Nhưng một điều chắc chắn là, dù nguyên nhân của chúng là gì và bất kể thành phần của chúng là gì, lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên là thông tin tiêu cực đối với các công ty Mỹ muốn vay trong thời gian dài và những người đi vay nhận các khoản thế chấp mới có liên quan đến lãi suất 30 năm. Tác động đối với những người đi vay nhạy cảm nhất sẽ chỉ trở nên đau đớn hơn nếu lợi suất có kỳ hạn dài vẫn ở mức cao như vậy.

Đối với bất kỳ ai lo ngại về việc liệu đường cong lợi suất đang dịch chuyển hay phần bù kỳ hạn tăng lên báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra hay một cơn ác mộng đối với thị trường, thì những thực tế đơn giản này là yếu tố bắt đầu để các nhà đầu tư nhìn nhận.

Vũ Duy Bắc / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-nen-than-trong-khi-phan-tich-loi-suat-trai-phieu-post331788.html