Nhà đầu tư ngoại háo hức với thị trường xăng dầu Việt
Sự xuất hiện của cây xăng đầu tiên thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã thổi làn gió mới cho thị trường xăng dầu Việt Nam.
Trải nghiệm mới
Nhiều háo hức đã được người tiêu dùng nhắc tới cả tuần qua khi nói về những hành động như đội mưa đón khách của Giám đốc Công ty, lau kính xe miễn phí, cúi đầu cám ơn người mua hay cam kết bán xăng chính xác đến 0,01 lít… tại cây xăng vừa đi vào hoạt động của Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8.
Dẫu vậy thì tất cả những hành động đó chỉ đơn giản là hiện thực hóa lời hứa sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những trải nghiệm mới mà lãnh đạo Công ty Idemitsui Kosan (nhà đầu tư chiếm 50% vốn tại Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8) đã đưa ra từ hơn 1 năm trước, sau khi nhận được giấy phép kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam cho Idemitsui Q8.
Ông Nobuyuki Nakamura, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Idemitsui Kosan từng cho hay, trong năm 2017-2018, sẽ mở 10 trạm xăng tại khu vực miền Bắc và sau đó sẽ có những kế hoạch lớn hơn.
Với hơn 4.000 cây xăng tại Nhật Bản, Idemitsui Kosan không hề thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này và chắc chắn sẽ có những điểm nhấn mới mẻ để thu hút khách hàng cho mình khi tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam.
Sự có mặt của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trên thị trường xăng dầu Việt Nam với các cổ đông sừng sỏ kinh nghiệm và giàu tiềm lực đến từ Nhật Bản và Kuwait cũng hứa hẹn tạo ra những chuyển động mới trên thị trường bán lẻ xăng dầu, nơi có những doanh nghiệp lâu đời như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và hơn 20 đầu mối kinh doanh xăng dầu khác - đều là các DN tư nhân, đang hoạt động.
Trên thực tế, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia WTO và 11 hiệp định thương mại tự do, trừ các DN đầu tư vào các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm của mình làm ra. Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 có hai cổ đông chính là 2 đối tác nước ngoài đều đang nắm giữ 35,1% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - chủ đầu tư Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô hơn 9 tỷ USD.
Tiềm năng lớn
Nhưng không chỉ có mỗi các nhà đầu tư nước ngoài của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới quan tâm tới thị trường xăng dầu Việt Nam.
Cũng đến từ Nhật Bản, JX Nippon Oil & Energy năm 2016 đã bỏ ra khoảng 20 tỷ yên, tương đương 183 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược với 8% cổ phần tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, ngay cuối năm 2016, JX Nippon Oil & Energy đã nhận được khoản cổ tức khủng lên tới 333,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,8 triệu USD.
Nói về thị trường xăng dầu Việt Nam, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài rất thèm khát thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, bởi dư địa để phát triển còn rất lớn, nếu tính theo mức tiêu thụ xăng trên đầu người, cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế.
Số liệu từ thống kê nhập khẩu và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện vào khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm. Cho tới khi Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, nguồn cung cho thị trường sẽ được nhập khẩu là chính, với tỷ trọng 65% thị phần.
“Với quy định hiện hành về chi phí kinh doanh bình quân định mức cho xăng E5, E10 là 1.250 đồng/lít; xăng không chì là 1.050 đồng/lít hay dầu diesel, dầu hỏa là 950 đồng/lít, DN đầu mối nhập khẩu nào có tỷ trọng bán đến tay người tiêu dùng lớn, thì lợi nhuận càng cao bởi không phải trích nhiều cho các đại lý”, ông Dương nói.
Với thực tế đó, Petrolimex hiện chiếm 44% thị phần xăng dầu cả nước, trong đó tỷ trọng bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở ngưỡng trên 50%; bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp khoảng 20% và có kinh nghiệm trên 50 năm chỉ kinh doanh mặt hàng xăng dầu có nhiều lợi thế về thị trường.
Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu thuần hợp nhất là 123.097 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2015) và chi trả cổ tức với tỷ lệ 32,24%. Còn trong nửa đầu năm 2017, lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex sau kiểm toán đã vượt qua con số 2.000 tỷ đồng.
Cạnh tranh quyết liệt
Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại thời điểm năm 2018, nhu cầu xăng dầu của thị trường nội địa là 17,329 triệu m3. Với công suất đầu vào 10 triệu tấn dầu thô/năm và đầu ra là các sản phẩm khí hóa lỏng LPG; xăng A92, A95, A98; nhiên liệu phản lực; diesel cao cấp và diesel thường, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2018 với sản lượng xăng dầu là 9,625 triệu tấn m3/năm. Nếu cộng thêm 7,834 triệu tấn m3 xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và 0,69 triệu m3 của 4 cơ sở pha chế xăng từ condensate hiện có, nguồn cung xăng dầu nội địa đã có sự dư thừa.
Về phía mình, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng mong muốn được tiêu thụ sản phẩm trong nước, thay vì xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này cũng hứa hẹn cuộc tranh đua để giữ thị trường của các DN xăng dầu hiện nay.
Ông Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, Petrolimex đã xác định sự sống còn là phân phối nên đã tự xây dựng hệ thống phân phối của mình và đang rất thành công. “Có những cửa hàng bên ngoài được Petrolimex mua về, sau khi tiến hành cải tạo lại để đáp ứng nhận diện thương hiệu của Petrolimex đã cho sản lượng bán ra tăng 30% so với trước khi về với Petrolimex”, ông Dũng nói.
Với tâm thế này, lãnh đạo Petrolimex cũng cho rằng, với sự định vị chắc chắn của mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên khắp thị trường, Petrolimex sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch trên thị trường trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Dẫu vậy, điểm yếu của Petrolimex hiện nay là không thể gia tăng thị phần trên 50% theo Luật Cạnh tranh. Cộng thêm việc Nhà nước sẽ giữ từ 65% đến 75% số cổ phần, nên cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài “thay da, đổi thịt” và tiếp tục mở rộng thị phần của Petrolimex không có nhiều.
Trái lại, tại PV Oil, cơ hội để gia tăng thị phần và thu hút nhà đầu tư ngoại đang rất rộng mở. Dĩ nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu thông qua PV Oil, còn cần thêm điều kiện đủ là có mua cổ phần của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi đang quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và cũng đang có kế hoạch cổ phần hóa ngay trong năm 2017 này.