Nhà đầu tư ngoại muốn được ngân hàng chia sẻ thông tin về nợ xấu

Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để đánh giá khách quan về thị trường Việt Nam.

Tại buổi làm việc của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương và đoàn công tác với Hiệp hội Lưu ký toàn cầu (AGC), bà Uri Juliana Lee, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) thuộc Deustche Bank, đánh giá tích cực về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, điều này được phản ánh rõ nét qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với những kết quả cụ thể trong nhiều lĩnh vực như: hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân đầu tư công trong nước...

Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam, bà Uri Juliana Lee đưa ra đề xuất cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, qua đó tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có những đánh giá khách quan về thị trường tài chính Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Theo bà Lee, sự chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với các tổ chức đầu tư sẽ hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục được đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Doris Tio, Phó chủ tịch phụ trách Khối dịch vụ quản lý tài sản thị trường toàn cầu, Ngân hàng New York Mellon, đề xuất đơn giản hóa thêm các thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp và việc xây dựng trung tâm dữ liệu của khách hàng để các thành viên thị trường tiếp cận được thông tin khách hàng nhanh nhất, tạo thuận lợi cho việc mở tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Ghi nhận đề xuất từ đại diện các ngân hàng lưu ký, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tổ chức các cuộc trao đổi để lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp về chu trình thanh toán và mô hình CCP; thủ tục mở tài khoản vốn gián tiếp, cấp mã số giao dịch (trading code); tỷ lệ ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm giải đáp các vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các khối ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam.

Trước đó, UBCKNN phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội các Thị trường tài chính và Ngành chứng khoán châu Á (ASIFMA) tổ chức diễn đàn "từ chính sách đến thực tiễn hướng tới nâng hạng thị trường vốn Việt Nam lên thị trường mới nổi”. Bà Vũ Thị Chân Phương cho biết nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Về phía UBCKNN, đến nay đã hoàn tất dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một lúc 4 thông tư về giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ; hoạt động của công ty chứng khoán; và về công bố thông tin.

Dự thảo đang được đăng tải công khai để tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên thị trường, trước khi trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.

“Bộ Tài chính, UBCKNN chúng tôi luôn tiếp thu các ý kiến của thị trường, các đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại diễn đàn, ông Lyndon Chao, Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch ASIFMA đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, lực lượng lao động dồi dào với 56% dân số dưới độ tuổi 35, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.

Dù vậy, đại diện của ASIFMA lưu ý rằng, các quỹ đầu tư không còn hứng thú với các thị trường cận biên, vì vậy nếu muốn thu hút nguồn vốn qua kênh thị trường chứng khoán, Việt Nam phải quyết liệt hoàn thiện chính sách để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Hiện có 8 công ty chứng khoán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và các công ty chứng khoán lớn trong nước cũng có sự tham gia của nhiều cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài, như Hana Bank (Hàn Quốc) tại BSI hay Daiwa (Nhật Bản) tại SSI…

Đối với mong muốn được chia sẻ thông tin về việc sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang nghiên cứu nội dung này để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2014 về hướng dẫn thực hiện quy trình này.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/nha-dau-tu-ngoai-muon-duoc-ngan-hang-chia-se-thong-tin-ve-no-xau-1101605.html