Nhà đầu tư ngoại tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam
Do niềm tin được củng cố, nên các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến mới, mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô dự án hiện hữu. Đây là lý do giải thích vì sao đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước đã thể hiện sức hút của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Trong ảnh: Công nhân thực hiện công đoạn lắp ráp ô tô trong một nhà máy của Toyota tại Việt Nam: Ảnh: Lê Toàn
Niềm tin được củng cố, dự án lớn quay trở lại
“Niềm tin” là cụm từ được nhắc tới khá nhiều trong các báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình kinh tế - xã hội, cũng như báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2025.
“Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sức hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế”.
“Con số này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tương ứng là 9,3 tỷ USD, giảm 9,6%; 8,95 tỷ USD, tăng gấp 2,2 lần; và 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% - PV), cho thấy sự đa dạng trong các hình thức đầu tư và niềm tin ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế”.
Gần 72% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư. Con số này cho thấy sự kiên định về niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam”, khi công bố Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cho biết như vậy, dù điểm số đạt được của kỳ khảo sát này chỉ là 61,1 điểm, giảm nhẹ so với quý I/2025.
“Vốn đăng ký điều chỉnh ghi nhận mức tăng trưởng cao, với 826 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư trong việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam”.
Đó là những nhận định đã được Bộ Tài chính đưa ra. Chưa kể, Bộ Tài chính khẳng định, việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất của 6 tháng trong vòng 5 năm qua đã “phản ánh khả năng thực thi và triển khai dự án hiệu quả của Việt Nam”.
Những nhận định trên một lần nữa khẳng định, đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, các nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới, mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu. Đấy là lý do đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực.
Hơn thế, điểm đáng chú ý là, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã “đổ bộ” vào Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến dự án 1 tỷ USD của Tập đoàn SYRE (Thụy Điển), hay dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Trump Organization.
Tương tự, có thể kể Dự án Công viên Yên Sở, tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD; hay Dự án Phát triển khu phố mới Nam Thăng Long, tăng vốn thêm 780 triệu USD. Các dự án này đã góp phần rất lớn đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng qua tăng mạnh và đúng như nhận định của Bộ Tài chính, điều này đã cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
SYRE là một nhà đầu tư châu Âu. Bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE cho biết, với khoản đầu tư 1 tỷ USD, SYRE đang hướng đến việc biến Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Tương tự, đầu tháng 4/2025, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã khánh thành nhà máy hơn 1,3 tỷ USD ở Bình Dương (nay là TP.HCM).
Cần những dự án mang tính dẫn dắt
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang không ngừng chảy mạnh. Nhưng chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, đã nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài mặc dù “rất tích cực”, nhưng “chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo dựng hệ sinh thái”.
Đây chính là những dự án mà Việt Nam cần hướng tới, nếu muốn thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng trên 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong những năm sắp tới. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư các tập đoàn lớn, trong những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn là điều mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.
“Cải cách không thể chỉ dừng ở việc cắt giảm giấy tờ. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý minh bạch, có thể dự đoán, cùng sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cũng chia sẻ vậy.
Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch DVL Ventures, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), thể chế là yếu tố then chốt.
“Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ, nhưng vẫn cần tiến xa hơn trong số hóa toàn bộ quá trình đầu tư, từ đăng ký, cấp phép đến vận hành dự án. Giải pháp là xây dựng một nền tảng số quốc gia hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tích hợp thông tin về quy hoạch, chi phí logistics, chính sách ngành, đất đai…, cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên sâu”, ông Nguyễn Hồng Chung nói.
Có hai câu chuyện có thể ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Đó là chính sách thuế quan của Mỹ và việc Việt Nam vừa sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh điều này.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể tạo tâm lý lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong quá trình giải ngân, nhất là với các dự án quy mô lớn, dài hạn.
Tuy vậy, những thông tin tích cực đã đến sau cuộc điện đàm trực tiếp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump. Bình luận về điều này, VinaCapital cho rằng, chỉ cần thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước khác, thì Việt Nam vẫn “hút mạnh” vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, với việc tổ chức lại bộ máy hành chính, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đây cũng là yếu tố then chốt củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tạo kỳ vọng về cải cách hành chính sâu rộng và môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong thời gian tới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-ngoai-tiep-tuc-doc-von-vao-viet-nam-d324236.html