Nhà đầu tư nội sẵn sàng rót vốn vào dự án điện gió Cần Giờ
Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ, trong đó giai đoạn I có công suất 1.000 MW, tổng mức đầu tư 56.133,5 tỷ đồng và đang đề nghị bổ sung công suất Dự án vào Quy hoạch Điện VIII.
Đầu tư hơn 56.133 tỷ đồng cho giai đoạn I
Mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã nghe các sở, ngành báo cáo về Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ (1.000 MW) do Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (trụ sở tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đề xuất.
Được biết, Dự án được nhà đầu tư đề xuất xây dựng với 2 giai đoạn. Giai đoạn I có công suất 1.000 MW, tại khu vực ven biển các xã Lý Nhơn, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Địa điểm xây dựng nhà máy được đề xuất khảo sát trên diện tích khu vực 1 là 7.673 ha, cách bờ khoảng 3 km; khu vực 2 là 6.663 ha, cách bờ 6 km, nằm hoàn toàn trong ranh giới vùng nước cảng biển TP.HCM.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, cụm Nhà máy Điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ giai đoạn I gồm 10 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 100 MW. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 56.133,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay thương mại). Theo tính toán, khi các nhà máy này đi vào khai thác, mỗi năm sẽ cung cấp 2.908.812 MWh cho TP.HCM.
Đối với giai đoạn II, công suất 1.000 MW, nhà đầu tư dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025 và sẽ trình bổ sung sau.
Công ty Tân Hoàn Cầu đề xuất 2 phương án đấu nối với giải pháp chung là đầu tư 1 trạm biến áp 220 kV hoặc 500 kV gom công suất để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Nhà máy điện gió sẽ đấu nối đến trạm biến áp gom bằng hệ thống cáp ngầm trên biển 35 kV.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Từ cuối năm 2022, sau khi nhà đầu tư đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành góp ý đối với dự án này. Trong văn bản góp ý của mình, nhiều đơn vị đã đề nghị nhà đầu tư làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến Dự án.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, căn cứ Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, thì vị trí đặt Nhà máy Điện gió ngoài khơi Cần Giờ không thuộc phạm vi ranh giới hành chính do TP.HCM quản lý, nên sở này đề nghị nhà đầu tư liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để có ý kiến.
Trong khi đó, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho rằng, Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi Cần Giờ thuộc vùng nước cảng biển TP.HCM, nhưng công tác quản lý hoạt động hàng hải thuộc thẩm quyền của Cục Hàng hải (Bộ Giao thông - Vận tải), nên nhà đầu tư cần lấy ý kiến của Cục Hàng hải.
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc lưu ý, khu vực lân cận hiện cũng có nhà đầu tư đề xuất nhà máy điện gió với quy mô 449,1 ha với tổng công suất 6.000 MW. Do đó, đề nghị nhà đầu tư cập nhật thông tin nhằm tránh trùng lặp giữa các dự án, đồng thời đánh giá tác động của Dự án đến định hướng phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Ngoài ra, theo phương án đề xuất của nhà đầu tư, đường dây 220 kV mới sẽ nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, nên sở này đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất thêm các hướng tuyến nhằm tránh ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển cũng như khu vực đất rừng lịch sử tại Cần Giờ.
Tương tự, huyện Cần Giờ cũng đề nghị nhà đầu tư có đánh giá tác động của Dự án đối với môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ để làm cơ sở báo cáo đề xuất với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động đến vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho ngư dân, do vùng biển đánh bắt bị thu hẹp bởi Dự án.
Đối với đơn vị quản lý ngành điện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCM) ủng hộ việc xây dựng Nhà máy Điện gió ngoài khơi Cần Giờ, song đề nghị nhà đầu tư đăng ký với các cơ quan chức năng để bổ sung công suất của Dự án vào Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Ngoài ra, EVN HCM lưu ý chủ đầu tư cần xem xét phân kỳ đầu tư theo cụm công suất 500 MW để tối ưu việc giải tỏa công suất của nhà máy cho phù hợp với tình hình vận hành lưới điện trong khu vực.
Trước ý kiến đề nghị làm rõ của các sở, ngành về việc có bị chồng lấn với các dự án khác hay không, Công ty Tân Hoàn Cầu giải trình: Dự án mà Công ty đề xuất cách dự án của nhà đầu tư khác 40 km, cách Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ 1,2 km, nên không bị chồng lấn.
Đối với các vấn đề liên quan đến tác động môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, nhà đầu tư này cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Dự án vào Quy hoạch Điện VIII (hoặc quy hoạch điện lực quốc gia), Công ty sẽ triển khai các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.