Nhà đầu tư nước ngoài bắt đáy khi chứng khoán giảm hơn 10 điểm

Trong ngày VN-Index giảm hơn 10 điểm và lùi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài chi hơn 350 tỷ đồng để gom cổ phiếu.

 Chứng khoán giảm thêm 10 điểm trong phiên 22/7. Ảnh: Nam Khánh.

Chứng khoán giảm thêm 10 điểm trong phiên 22/7. Ảnh: Nam Khánh.

Nối tiếp quán tính điều chỉnh từ tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên 22/7.

Ngay từ những giờ mở cửa đầu tiên, VN-Index đã rung lắc với biên độ lớn. Càng tiến về giờ nghỉ trưa, chứng khoán lại càng bị bán tháo mạnh, đẩy nhiều cổ phiếu rơi xuống giá sàn.

Đỉnh điểm vào đầu phiên chiều, VN-Index thiệt hại gần 20 điểm với hơn 40 mã giảm kịch biên độ. Phải đến cuối giờ, dòng tiền bắt đáy mới lộ diện và nâng đỡ một số cổ phiếu, đồng thời thu hẹp đà lao dốc của chỉ số.

Kết phiên, VN-Index giảm 10,14 điểm (-0,8%) xuống 1.254,64 điểm; HNX-Index giảm 2,14 điểm (-0,89%) xuống 238,38 điểm; UPCoM-Index giảm 1,12 điểm (-1,16%).

Toàn thị trường ghi nhận 570 mã giảm (gồm 37 mã giảm sàn), 782 mã đứng giá và 249 mã tăng (gồm 24 mã tăng trần). Thanh khoản được đẩy lên 24.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với 2 phiên trước đó.

Riêng rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 phân hóa mạnh với 15 mã giảm, 3 mã giữ tham chiếu và 12 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ giảm nhẹ 0,23% xuống mốc 1.299 điểm.

 VN-Index tiếp tục quán tính rơi thêm hơn 10 điểm. Ảnh: TradingView.

VN-Index tiếp tục quán tính rơi thêm hơn 10 điểm. Ảnh: TradingView.

Phiên hôm nay, nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số gọi tên GVR (-5,1%), HVN (kịch sàn), FPT (-1,5%), DGC (-6%), GAS (-1%), ACB (-1,4%), NVL (-6,3%), LPB (-1,4%), MBB (-0,8%) và PGV (-4%).

Trong khi đó, nhóm bảo vệ thị trường chủ yếu là các mã tài chính - ngân hàng như TCB (+1,1%), CTG (+0,8%), VCB (+0,2%), HDB (+1,4%), TPB (+1,1%) và HCM (+1,9%). Ngoài ra, nhóm này cũng có sự ủng hộ từ MSN (+1,7%), SAB (+0,9%), VPI (+3,9%), POW (+1,1%).

Ở khía cạnh nhóm ngành, trước sự điều chỉnh của đầu tàu FPT, nhóm cổ nghệ đều bị bao phủ bởi sắc đỏ, điển hình như CTR (-5,2%), CMG (-3,3%), ELC (-1,7%), ABR (-3,3%), ICT (-1,1%).

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhóm nhựa và hóa chất. Bên cạnh các mã vốn hóa lớn như GVR, DGC kể trên, nhóm này còn ghi nhận DCM (-3,5%), DPM (-1,9%), LAS (-6,6%), CSV (-6,3%), APH (-1,4%).

Trong khi đó ở nhóm bất động sản, dòng tiền bảo vệ cổ phiếu “họ Vin” khỏi diễn biến chung của thị trường. Điều này một phần nhờ kết quả kinh doanh quý II mà các doanh nghiệp công bố mới đây có phần tích cực hơn trong bối cảnh thị trường nhà đất còn im ắng.

Trái lại, nhà đầu tư có xu hướng bán mạnh KDH (-1,3%), TCH (-3,4%), KSF (-1,5%), PDR (-0,7%), SJS (-1,5%), CEO (-3%). Trên thực tế, trước khi được dòng tiền bắt đáy thu hẹp mức thiệt hại, các cổ phiếu bất động sản có thời điểm giảm xuống sát ngưỡng giá sàn.

Khối ngoại tranh thủ nhịp điều chỉnh của thị trường để bắt đáy hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, mã SBT (+375 tỷ đồng) được gom vào đáng kể theo hình thức thỏa thuận.

Mặt khác, DGC bị bán ròng 128 tỷ đồng, VPB (-51 tỷ đồng), MWG (-39 tỷ đồng).

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-bat-day-khi-chung-khoan-giam-hon-10-diem-post1487608.html