Nhà đầu tư nước ngoài than phiền về thủ tục kéo dài tại Đồng Nai

Chỉ vì các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai mất đi cơ hội kinh doanh do không mở rộng được nhà xưởng.

Bốn tháng chưa được cấp phép mở rộng trạm bơm

Dẫn câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Atsumi Kazuhiko, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Bình (Loteco) cho biết, Loteco có một trạm bơm cung cấp nước sạch đã xuống cấp trầm trọng, doanh nghiệp đề nghị được cải tạo sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trạm bơm thêm 70 m2. Công ty đã nộp hồ sơ xin cải tạo từ tháng 11/2023, nhưng đến nay vẫn vướng thủ tục giấy tờ, dù đã được Ban Quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) hướng dẫn chi tiết.

Một trong những thủ tục phức tạp nhất theo quy định hiện nay là các dự án cải tạo, sửa chữa nhà để xe, nhà bảo vệ, trạm bơm… của doanh nghiệp, nếu không thực hiện đúng trên vị trí hiện hữu hoặc mở rộng thêm diện tích cho dù nhỏ hay lớn, thì đều phải thực hiện hai bước gồm: lấy ý kiến quy hoạch rút gọn và xin cấp phép xây dựng.

Khi nộp hồ sơ tới Diza, Loteco phải xin ý kiến của 13 - 16 đơn vị liên quan. Ông Atsumi Kazuhiko tỏ ra ngạc nhiên vì quy trình này mất quá nhiều thời gian. “Tôi chưa bao giờ thấy việc xin cấp phép xây mới, cải tạo công trình lại khó khăn, mất thời gian và chi phí như vậy”, ông Atsumi Kazuhiko phản ánh tại hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 3.

Khá nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp vướng mắc tương tự. Công ty TNHH Công nghiệp Boss tại Khu công nghiệp Sông Mây lên kế hoạch mở rộng nhà xưởng vào tháng 8/2023 cho kịp tiến độ đơn hàng năm 2024. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là nội dung về quy hoạch.

Cụ thể, theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ, khi doanh nghiệp muốn mở rộng nhà xưởng, thì phải lập quy hoạch tổng thể mặt bằng cho tất cả các dự án đầu tư mới và dự án hiện hữu mở rộng. Điều này gây khó khăn, tốn nhiều thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp. Một dự án đầu tư muốn được cấp giấy phép xây dựng thì phải mất 9 tháng làm thủ tục.

Bên cạnh thủ tục xây dựng, đối với việc cập nhật các thông tin liên quan đến công trình để làm hồ sơ vay vốn, doanh nghiệp cũng phải chờ đợi hàng tháng trời. Ông Atsumi Kazuhiko cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Bình muốn cập nhật công trình hoặc xin cấp sở hữu công trình, phải xin ý kiến của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai về việc công trình có phải đóng thuế hay không.

Theo quy định, thời gian giải quyết tối đa là 5 ngày kể từ ngày hồ sơ được chuyển từ Sở Tài nguyên và Môi trường sang Cục Thuế tỉnh lấy ý kiến, nhưng hiện nay hồ sơ của nhiều doanh nghiệp mất đến gần 3 tháng. “Việc chậm trễ này làm cho doanh nghiệp không có được hồ sơ bổ sung cho ngân hàng để vay vốn, mất đi cơ hội kinh doanh”, ông Atsumi Kazuhiko nêu thực trạng.

Sở, ngành “đá bóng” trách nhiệm

Sau khi nghe phản ánh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan làm rõ vấn đề doanh nghiệp nêu.

Liên quan đến việc chậm giải quyết hồ sơ của Loteco, ông Nguyễn Văn Viện, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết, hồ sơ của Loteco còn thiếu, chưa ghi đầy đủ thông tin, Cục Thuế đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai đề nghị bổ sung thông tin về các công trình trên đất, sau đó gửi lại Cục Thuế để giải quyết cho doanh nghiệp. Phản hồi thông tin này, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian phản hồi của Cục Thuế rất chậm, có khi 2-3 tháng.

Trước tình trạng “đá bóng” trách nhiệm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai xác định trách nhiệm của từng đơn vị để báo cáo UBND tỉnh nhằm chấn chỉnh trong thời gian tới.

Cho rằng, cách giải quyết hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thỏa đáng, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Đồng Nai rà soát lại quy trình và thời gian cấp phép. Điều quan trọng nhất là tỉnh cần có ý kiến với các bộ, ngành để điều chỉnh quy định cho phù hợp thực tế.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-than-phien-ve-thu-tuc-keo-dai-tai-dong-nai-d212166.html