Nhà đầu tư Trạm BOT Ninh Lộc: Vì sao chưa ký hợp đồng thu phí tự động không dừng?
Trong khi 2 nhà đầu tư Trạm BOT Cam Thịnh (thành phố Cam Ranh) và BOT Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đã hoàn tất việc ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với đơn vị cung cấp dịch vụ thì nhà đầu tư Trạm BOT Ninh Lộc (Ninh Hòa) chưa đàm phán xong, vậy đâu là nguyên nhân?
Trong khi 2 nhà đầu tư Trạm BOT Cam Thịnh (TP. Cam Ranh) và BOT Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đã hoàn tất việc ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với đơn vị cung cấp dịch vụ thì nhà đầu tư Trạm BOT Ninh Lộc (Ninh Hòa) chưa đàm phán xong, vậy đâu là nguyên nhân?
Theo quyết định số 19 ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31-12, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng (ETC). Trạm nào không thực hiện ETC đúng thời hạn sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí. Thời điểm này, chỉ còn cách hạn lắp đặt thu phí khoảng 1 tháng, nhưng trên địa bàn tỉnh mới có Trạm BOT Cam Thịnh và Trạm BOT Ninh Xuân đã hoàn tất đàm phán hợp đồng; nhà đầu tư Trạm BOT Ninh Lộc vẫn chưa hoàn thành.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (đơn vị đầu tư Trạm BOT Ninh Lộc) khẳng định, việc triển khai thu phí tự động điện tử không dừng là chủ trương đúng, tạo tính minh bạch trong hoạt động thu phí, doanh nghiệp (DN) ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã có vướng mắc một số vấn đề liên quan đến phụ lục hợp đồng thu phí với nhà đầu tư cung cấp dịch vụ, cần được tháo gỡ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Cũng theo đại diện DN này, trạm thu phí là tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn ngân hàng thực hiện dự án. Do đó, việc nhà đầu tư dự án đàm phán với DN cung cấp dịch vụ thu phí không dừng có ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình thu phí, phương án tài chính tại dự án. Vì vậy, mọi thương thảo về mức phí bổ sung theo phụ lục hợp đồng phải được ngân hàng thống nhất, tránh phá vỡ cam kết theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính pháp lý cũng như quan hệ tín dụng của nhà đầu tư với ngân hàng. Chưa kể, DN cũng cần tính toán đến nguồn thu hàng ngày của trạm; nếu lượng phương tiện giảm, kéo theo doanh thu giảm sẽ dẫn đến không đủ chi phí vận hành, duy trì bộ máy, chưa nói đến việc bảo trì hay trả nợ ngân hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm thu phí như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ lại quy định mức phí khác nhau. Như vậy, đã phát sinh sự không thống nhất trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Ông Vũ Hải Long - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho hay, theo dự báo, doanh thu từ thu phí tự động không dừng chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của toàn bộ trạm trong quá trình thu phí. Thế nhưng, đơn vị cung cấp dịch vụ tự động không dừng muốn phân chia theo tỷ lệ 50 - 50 trong tổng doanh thu; điều này không hợp lý, cần phải xem xét, cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, DN sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán và ký các phụ lục hợp đồng trước ngày 31-12.
Mạnh Hùng