Nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô mua trái phiếu chính phủ
Nhà đầu tư Trung Quốc đang rút tiền gửi từ các ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các sản phẩm quản lý tài sản có mức lợi suất cao hơn.
Trong tháng 4, tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc giảm 1,3%, tương đương 3,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (538 tỉ đô la Mỹ). Điều này xảy ra khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các tài sản khác và các nhà hoạch định chính sách tìm cách ngăn chặn các doanh nghiệp tận dụng các chương trình lãi suất ưu đãi ở mức cao để gửi tiền vào các ngân hàng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm tại các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện ở mức thấp kỷ lục, chỉ 1,45%.
Việc nhà đầu tư chuyển tiền vào các tài sản có lợi suất cao hơn cho thấy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm thúc đẩy khẩu vị đầu tư rủi ro hơn đang bắt đầu có kết quả.
“Các yếu tố, bao gồm cả việc chấm dứt tình trạng vay với lãi suất thấp ở ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác cung cấp mức lãi suất tiết kiệm cao hơn, đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tái phân bổ tiền gửi và điều này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra. Mọi người đang rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng để chi tiêu và đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách sẽ vui mừng khi thấy điều đó”, Ming Ming, nhà kinh tế trưởng của Citic Securities ở Bắc Kinh, nói.
Theo phân tích của Citic, giá trị đầu tư của các sản phẩm quản lý tài sản ở Trung Quốc tăng thêm 2,95 nghìn tỉ nhân dân tệ (415 tỉ đô la Mỹ) trong tháng 4. Trong đó, các sản phẩm tập trung vào tài sản có thu nhập cố định thu hút nhiều vốn đầu tư nhất. Các quỹ hoán đổi danh mục theo dõi trái phiếu chính phủ Trung Quốc hút ròng vốn 428 triệu đô la trong cùng tháng, cao nhất từ tháng 12, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Tuần trước, Bộ Tài chính Trung Quốc đã bán lô trái phiếu đầu tiên của chương trình phát hành trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn trị giá 1.000 tỉ nhân dân tệ (138 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 30 năm và lợi suất trung bình 2,57%, chính thức giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến vào hôm 22-5. Nhu cầu tăng vọt của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đẩy giá trái phiếu tăng đến 25%, khiến giao dịch phải tạm dừng do vượt biên độ tăng tối đa cho phép là 10%.
Daniel Duan, chuyên gia tư vấn cho các cá nhân có giá trị ròng cao tại bộ phận ngân hàng tư nhân của một ngân hàng thương mại ở Thâm Quyến, cho biết một số khách hàng của ông đã chuyển tiền gửi ngân hàng sang trái phiếu chính phủ siêu dài hạn để hưởng mức lợi tức cao hơn.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy một lượng nhỏ tiền gửi ở các ngân hàng chảy sang cổ phiếu, chủ yếu là những cổ phiếu có mức chi trả cổ tức cao. Chỉ số cổ phiếu chia cổ tức cao ở Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải tăng 16% trong năm nay và đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2015 vào tháng trước.
Thị trường trái phiếu và chứng khoán Trung Quốc cùng tăng giá trong nhiều tháng qua khi nhà đầu tư đặt cược rằng Ngân hàng hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, trong khi một loạt biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những lo ngại dai dẳng về triển vọng kinh tế không chắc chắn khiến nhà đầu tư ưu tiên cổ phiếu trả cổ tức cao hơn những cổ phiếu của các công ty tăng trưởng.
Tháng trước, PBoC cấm các ngân hàng cung cấp lãi suất tiền gửi ưu đãi cho các công ty nhằm chấm dứt hoạt động vay tiền với lãi suất thấp hơn ở ngân hàng này và kiếm lợi nhuận bằng cách gửi tiền vào ngân hàng cung cấp lãi suất tiết kiệm cao hơn. Trong khi đó, để khuyến khích người dân chi tiêu, chính phủ đã làm việc với các ngân hàng quốc doanh để yêu cầu giảm lãi suất tiết kiệm.
Theo dữ liệu của PBoC, trong số 3,9 nghìn tỉ nhân dân tệ tiền gửi ở các ngân hàng bị rút ra trong tháng 4, có 1,9 nghìn tỉ nhân dân tệ là tiền gửi của các hộ gia đình.
“Tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng chảy sang các sản phẩm quản lý tài sản là sự thay đổi lớn nhất trên thị trường gần đây. Nhà đầu tư chủ yếu rút tiền ngân hàng để mua các sản phẩm có thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, nợ do các công ty tài chính của chính quyền địa phương phát hành và chứng chỉ tiền gửi”, Chen Yicong, giám đốc cao cấp của Beijing Chengyang Asset Management, cho biết.
Tuy nhiên, ông cho rằng làn sóng mua trái phiếu này không thể bền vững vì cuối cùng sẽ đẩy lợi suất xuống quá thấp. “Xu hướng lớn hơn là nguồn vốn sẽ tiếp tục chảy vào các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu chia cổ tức cao”, ông nói.
Dù dòng vốn chảy vào trái phiếu sẽ giúp chính quyền trung ương có nguồn tài trợ cho dự án đầu tư, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy niềm tin của các hộ gia đình đang ở mức thấp. Nhiều năm thua lỗ trên thị trường chứng khoán và khủng hoảng bất động sản đã làm xói mòn tài sản và làm suy giảm niềm tin của đội quân đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc.
“Điều này phản ánh niềm tin vào nền kinh tế và triển vọng thu nhập nhìn chung còn yếu ớt. Vì vây, mọi người sẽ tìm kiếm lợi nhuận ở các tài sản đầu tư, thay vì tăng chi tiêu tiêu dùng, điều mà chính quyền mong muốn”, Shen Meng, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Chanson & Co, nói. Ông cảnh báo nếu mức lợi nhuân cao hơn trên thị trường vốn không được duy trì, nhà đầu tư có thể chuyển tiền trở lại vào các ngân hàng.
Các chuyên gia khác dự kiến xu hướng tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng để chuyển vào các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn có thể kéo dài dài ít nhất thêm vài tháng nữa.
“Hoạt động rút tiền gửi sẽ tiếp tục gia tăng và tăng trưởng cho vay của các ngân hàng sẽ giảm trong những tháng tới”, Xing Zhaopeng, nhà chiến lược cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng các cơ quan quản lý cũng không muốn thấy tiền gửi ngân hàng chảy sang hoạt động đầu cơ trái phiếu chính phủ.
Trong tuần này, truyền thông trong nước lưu ý đến hiện tượng đổ xô mua trái phiếu chính phủ. “Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đang theo đuổi đợt tăng giá trái phiếu chính phủ một cách phi lý và cơn sốt này có thể dẫn đến thua lỗ nếu nguồn cung trái phiếu tăng lên”, tờ Thời báo Chứng khoán của Trung Quốc cảnh báo trong một bài viết.
Theo Bloomberg
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-trung-quoc-do-xo-mua-trai-phieu-chinh-phu/