Nhà đầu tư vẫn uất hận sau 'lời xin lỗi muộn màng' của Shark Thủy?
Lời xin lỗi của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) sau khi 'đẩy' nhà đầu tư vào 'bước đường cùng', mất nhà và gồng lưng trả lãi khiến họ không nguôi uất ức.
"Lời xin lỗi muộn màng"
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Egroup, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Anh ngữ Apax.
Thời gian vừa qua, dư luận đang rất xôn xao về chuỗi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền, doanh nghiệp bị thua lỗ, cưỡng chế thuế, nhà đầu tư đòi lại tiền vì đã đầu tư vào các hệ sinh thái liên quan Shark Thủy...
Trước sức ép của dư luận, Shark Thủy đã lên tiếng xin lỗi những người liên quan và xin nhận mọi trách nhiệm về các sai lầm, thậm chí nếu được trao cơ hội, ông sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đang gặp phải.
Theo Shark Thủy, chuỗi giáo dục Apax Leader bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015. Năm 2019, Apax Leader đã tăng trưởng "nóng", đầu tư nhiều tiền để mở trung tâm mới. Chỉ sau vài tháng đã xảy ra dịch Covid-19 và phải đóng cửa. "Chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh, cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn", Shark Thủy bộc bạch.
Shark Thủy cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Công ty đã gặp khó khăn về tài chính khi các trung tâm tiếng Anh đóng cửa gần 3 năm. Tính riêng 6 tháng miễn học phí online, Apax Leader đã tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng.
Shark Thủy cũng thừa nhận, một số phụ huynh đã bức xúc và yêu cầu rút lại học phí. Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính hiện tại, công ty muốn dồn tập trung cho việc tái cấu trúc, tái khai trương để mở lại các hoạt động của trung tâm.
Ở giai đoạn tái cấu trúc, chậm nhất đến hết tháng 3/2023, công ty sẽ mở cửa tất cả các trung tâm tiếng Anh và nâng cấp giải pháp học tập như trước dịch. Với các bậc phụ huynh muốn rút học phí, công ty cũng hướng đến thanh toán dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Do đó, Shark Thủy đang đề xuất với các phụ huynh cho công ty chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc. Cụ thể là biến thành các hợp đồng vay 6 tháng, 8 tháng, tốt hơn có thể là 1 năm và bắt đầu chi trả vào sau tái cấu trúc. Công ty có thể bắt đầu chi trả vào tháng 4/2023 và chia thành các kỳ chi trả. Những phần trả chậm thì xin trả lãi như một khoản vay.
Shark Thủy cũng gửi lời xin lỗi các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào hệ thống vì đã chậm trong việc đối thoại trực tiếp, gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Ông Thủy mong mỏi nhất là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng. Ông Thủy mong tất cả mọi người cho cơ hội thực hiện được cam kết của mình. Chủ tịch Egroup khẳng định không hề có ý định trốn tránh và ra nước ngoài.
Theo lời của Shark Thủy, trong thời gian vừa qua, ông đã dành nhiều thời gian đi đến các cơ sở kinh doanh, tiếp xúc với các quỹ đầu tư để có lộ trình cải thiện về tài chính. Ông Thủy cam kết sẽ tiếp tục tìm các quỹ đầu tư, các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước để đồng hành đi cùng, hồi phục và phát triển.
Phương án tái cấu trúc được Shark Thủy đưa ra là trước hết sẽ tập trung vào các mảng lõi, đó là giáo dục tiếng Anh với thương hiệu lớn nhất là Apax English. Ông Thủy và các cộng sự đang tìm cách để bù đắp sự thiếu hụt tài chính tại Apax Leaders.
Với tất cả các trường hợp bức xúc, Shark Thủy mong được đối thoại, trao đổi để tìm ra giải pháp trên phương diện hoạt động của công ty phải phục hồi. Vì chỉ khi công ty quay trở lại hoạt động bình thường thì công ty mới tiếp tục thực hiện những cam kết đang dang dở.
Không thể giải tỏa được những bức xúc của nhà đầu tư
Dư luận cho rằng, "lời xin lỗi muộn màng" của Shark Thủy chưa thật sự thuyết phục. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong suốt thời gian dài, họ đã rất nhiều lần tìm đến trụ sở công ty, thậm chí chờ đến quá nửa đêm để được đối thoại với Shark Thủy nhưng vẫn không được hồi đáp.
Chỉ đến khi sự việc vỡ lở, áp lực dư luận quá lớn, Shark Thủy mới lên báo để thanh minh và hứa đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Dư luận cho rằng, các giải pháp này vẫn tiếp tục là "lời hứa" chứ chưa thực sự giải quyết vấn đề nhà đầu tư đang gặp phải. Đặc biệt đối với các trường hợp vay nợ để đầu tư theo Shark Thủy là quá nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, gia đình bà Phùng Thị Hưởng (57 tuổi) cho biết, cả nhà đã hùn vốn đầu tư theo Shark Thủy khoảng 5 tỷ, nhưng tới kỳ cả năm không nhận được một đồng lãi, gốc càng không.
Điều đáng nói, trong số đó có khoản tiền 2 tỷ vay Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hà Nội (PG Bank), hàng tháng trả lãi khoảng 18 triệu đồng. Theo người nhà bà Hưởng, việc vay ngân hàng PG Bank đều do phía công ty của Shark Thủy đứng ra thực hiện các thủ tục.
Những tưởng việc vay ngân hàng để gửi gắm cho Shark Thủy sẽ giúp gia đình Bà Hưởng kiếm thêm ít lãi suất chênh lệch, nhưng đến giờ cả ngôi nhà đang ở cũng bị mất.
Gia đình bà Hưởng liên tục đòi tiền Shark Thủy nhưng không được, trong khi đó ngân hàng vẫn liên tục "siết nợ". Bà Hưởng đã phải bán nhà để trả phần nào gốc cho ngân hàng. Khi mất nhà, gia đình phải kéo nhau đi thuê nhà, chi phí đội thêm mỗi tháng hơn 12 triệu đồng.
Theo người nhà bà Hưởng, lời xin lỗi của Shark Thủy là không thể giải tỏa được những uất ức hay giảm bớt được những thiệt hại mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Ngày 12/12, Shark Thủy cũng xin gặp và hứa với gia đình bà Hưởng như: "Anh đang cố xoay em ạ", "Đợt này anh căng quá em ạ"... Tuy nhiên, mẫu chốt vấn đề vẫn không trả tiền để gia đình trả lãi ngân hàng và trang trải cuộc sống.
Được biết, hiện nay cũng có rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng đầu tư theo Shark Thủy đang lâm vào cảnh khốn cùng vì không thể lấy lại được tiền. Mặc dù Shark Thủy vẫn lên tiếng xin lỗi, thanh minh và hứa hẹn nhưng nhiều nhà đầu tư đã không còn niềm tin vào những lời hứa liên tục bị "nuốt lời" từ Shark Thủy.
Hệ sinh thái liên quan Shark Thủy đang nợ bảo hiểm hàng chục tỷ đồng
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vừa công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) 6 đến 24 tháng trên địa bàn. Trong đó, hàng loạt công ty "hệ sinh thái" liên quan đến Shark Thủy đang nợ bảo hiểm các loại tới hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten có 732 lao động đang nợ bảo hiểm 16 tháng với số tiền hơn 14,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giáo dục Tư duy và Sáng tạo CMS là công ty liên kết với Apax Holdings cũng nợ đóng gần 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và phân phối Egame, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Ecapital, Công ty cổ phần Apax Global do ông Thủy làm người đại diện pháp luật cũng nợ bảo hiểm 8-21 tháng với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/11, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với tổng số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.
Liên quan kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Apax Holdings đạt gần 1.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 23,7 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp về doanh thu của Apax English cho hệ thống đạt hơn 836 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 17,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Apax Holdings thu lãi từ tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay khoảng 26 tỷ đồng nhưng phải trả chi phí lãi vay 124 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải trả 2,4 tỷ đồng lãi trái phiếu phát hành.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 4.809 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings âm hơn 266,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 gần 106 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings đã giảm sàn 15 phiên liên tiếp trong thời gian (23/11 - 13/12) xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, tương ứng từ 15.500 đồng/cp xuống mức đáy 6 năm là 5.310 đồng/cp. So với đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 4/2017 là 26.840 đồng/cp, hiện cổ phiếu IBC đã mất hơn 80% giá trị.
Động thái đáng chú ý liên quan cổ phiếu IBC, trong khoảng thời gian từ ngày 25/11 đến ngày 9/12, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đặt lệnh bán giải chấp 300.000 cổ phiếu IBC do Tập đoàn Giáo dục Egroup sở hữu nhưng bất thành khi cổ phiếu mất thanh khoản.