Nhà đầu tư xem xét 'trừng phạt' doanh nghiệp rút lại chính sách ESG
Các nhà quản lý tài sản ở châu Âu đang xem xét 'trừng phạt' những công ty đang tận dụng sự nới lỏng quy định quản lý để rút lại các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thông qua việc thoái vốn hoặc khởi kiện.

Nhiều công ty không còn chú trọng các mục tiêu ESG do chi phí đầu tư tốn kém trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang nới lỏng các quy định về môi trường và bền vững. Ảnh: iStock Photo
Sau khi bị phản đối mạnh mẽ ở Mỹ, các quy định về ESG gần đây cũng được nới lỏng ở châu Âu. Điều này khiến các nhà đầu tư tổ chức tìm kiếm những cách thức mới để buộc các công ty chú trọng hơn đến các chỉ số ESG.
Các nhà quản lý tài sản và chủ sở hữu tài sản tại Bắc Âu cảnh báo sẽ cắt giảm phân bổ vốn cho những công ty đang lấy lý do thiếu quy định như là cái cớ để kém minh bạch hơn về rủi ro ESG. Họ cũng cân nhắc tiến hành khởi kiện để bảo vệ danh mục đầu tư khỏi rủi ro về biến đổi khí hậu và nhân quyền.
Diễn biến này diễn ra sau một sự thay đổi lớn về chính sách môi trường ở châu Âu, nơi từ lâu là thị trường ESG lớn nhất, tập trung hơn 80% tài sản của các quỹ bền vững trên toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách ở Liên minh châu Âu (EU) đang thu hẹp đáng kể tham vọng trước đó về quy định yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin môi trường và bền vững. Đức, Pháp và các nhóm vận động hành lang kinh doanh lập luận rằng, các quy định ESG khắt khe của châu Âu khiến khối này thua thiệt về mặt cạnh tranh với bên ngoài.
Châu Âu cũng chịu áp lực rất lớn trong việc xóa bỏ các quy định môi trường có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp Mỹ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách gạt chính sách ESG khỏi môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư châu Âu phải tự xắn tay áo giải quyết vấn đề.
“Chúng tôi đã hợp tác với một số công ty luật để hiểu rõ hơn về cách tình hình chính trị thay đổi ở Mỹ sẽ tác động đến quyền của chúng tôi với tư cách là cổ đông thiểu số và những rủi ro tiềm ẩn mà chúng tôi có thể đối mặt khi thực hiện các nỗ lực chủ động để thúc đẩy mục tiêu ESG", Kiran Aziz, người đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm tại quỹ hưu trí KLP của Na Uy đang quản lý khoảng 114 tỉ đô la tài sản nói.
Aziz cho biết, ngày càng có nhiều nhà đầu tư giảm mức độ tiếp xúc với các công ty không cung cấp các dữ liệu ESG quan trọng.
Trong số các nhà đầu tư tổ chức châu Âu chuẩn bị thoái vốn khỏi các công ty kém minh bạch về ESG là quỹ hưu trí PME của Hà Lan. Quỹ này đang xem xét lại toàn bộ danh mục đầu tư, bắt đầu từ cổ phiếu, để loại bỏ các khoản đầu tư quá rủi ro vì doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí ESG.
Nhiều công ty luật đang tiếp cận các nhà đầu tư tổ chức ở châu Âu để hỗ trợ giải quyết xung đột về chính sách ESG ở những doanh nghiệp mà họ đầu tư.
“Cách tiếp cận truyền thống là khởi xướng đối thoại không chính thức với doanh nghiệp đang trở nên kém hiệu quả hơn”, Jonathan Gardner, đối tác quản lý của hãng luật Labaton Keller Sucharow nhận định.
Các cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh đến rủi ro của các vụ kiện liên quan đến ESG. Tuần trước, Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) cảnh báo, các tổ chức cho vay có thể sẽ đối mặt với kiện tụng nếu không đạt các mục tiêu liên quan đến khí hậu.
Giới doanh nghiệp đang cảnh giác vấn đề này. Hơn một nửa số doanh nghiệp toàn cầu được hãng luật Baker McKenzie khảo sát gần đây cho biết đang phân bổ nhiều tiền dự phòng hơn để giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan đến ESG cũng như thực hiện các thay đổi để ngăn chặn các vụ kiện tụng tốn kém.
Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất nới lỏng quy định nhằm buộc hàng chục ngàn doanh nghiệp phải tiết lộ và giải quyết các rủi ro ESG. Theo đó, hơn 90% trong số khoảng 50.000 công ty ban đầu buộc phải tuân thủ Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) sẽ được miễn trừ.
Số công ty bị bắt buộc tuân thủ Chỉ thị thẩm định phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSDDD), bao gồm các quy tắc về chuỗi cung ứng, cũng được cắt giảm xuống chỉ còn 20% so với mục tiêu ban đầu.
Theo Eric Pedersen, giám đốc đầu tư có trách nhiệm của công ty quản lý tài sản Nordea Asset Management, diễn biến này có nghĩa nhà đầu tư không còn có thể mong đợi các công ty nằm trong danh mục đầu tư hướng đến tính bền vững nữa. Doanh nghiệp “sẽ không đốt tiền” vào các nhiệm vụ không cần phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý.
Anders Schelde, giám đốc đầu tư của quỹ hưu trí AkademikerPension (Đan Mạch), mô tả động thái thu hẹp các yêu cầu ESG của châu Âu là điều đáng thất vọng. Ông cũng cho biết, nhà đầu tư châu Âu đã sẵn sàng chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm xóa bỏ chính sách ESG.
AkademikerPension muốn đối thoại thẳng thắn các công ty về vấn đề ESG trong một môi trường phi chính trị hóa. Thế nhưng, Anders Schelde cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công ty cũng cân nhắc đến “việc sử dụng các phòng xử án nhiều hơn”.
Theo Bloomberg