Nhà địa chất bật khóc khi nhận tin đầu tiên về động đất Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà địa chất cho rằng số người thiệt mạng tăng cao trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria những ngày gần đây đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn.
Khi Ezgi Karasozen - nhà địa chất sống ở Colorado (Mỹ) nhưng lớn lên ở Ankara - nhận được email cảnh báo về trận động đất lớn ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2, cô đã bật khóc.
Karasozen nghiên cứu về các trận động đất tại quê hương mình. Vì thế, cô ngay lập tức biết rằng trận động đất mạnh 7,8 độ đồng nghĩa với sự tàn phá.
Hầu hết nhà địa chấn học đều có danh sách rút gọn các địa điểm trên thế giới mà họ lo lắng. Đó là những điểm nóng mà bất kỳ tin tức nào về một trận động đất lớn cũng dẫn đến khoảnh khắc lo sợ đến quặn thắt bụng, theo Washington Post.
Những lo ngại này đặc biệt đúng với cái gọi là “khoảng trống địa chấn”, khi các phân đoạn của vùng đứt gãy có thể tạo ra các trận động đất lớn, nhưng lại “im hơi lặng tiếng" trong một thời gian dài bất thường - đủ lâu để mọi người có thể mất cảnh giác.
Chẳng hạn, các nhà khoa học và quan chức chính phủ từ trước đã biết đến vết đứt gãy Đông Anatolia vỡ ra trong tuần này ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó chưa từng gây ra trận động đất thảm khốc nào trong ít nhất một thế kỷ.
Điểm mù
Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng một số quy tắc trong xây dựng để đề phòng động đất. Nhưng thảm kịch tuần này - với số người chết đã tăng lên hơn 22.000 - làm nổi bật mối lo ngại từ lâu của giới khoa học rằng biện pháp trên không được thực thi đủ nghiêm ngặt.
Đối với các nhà địa chất học, phần lớn cái chết và sự tàn phá từ những trận động đất lớn có thể ngăn chặn được bằng biện pháp xây dựng tốt hơn.
Nhưng con người lại thường hành động dựa trên kinh nghiệm - tức những điều đã xảy ra trong cuộc đời của chúng ta hoặc trong một vài thế hệ trước. Vì vậy, một số người có thể mất cảnh giác.
Và ngay cả khi các quy định xây dựng được đưa ra để bảo vệ người dân, những vấn đề cấp bách hơn có thể chiếm ưu tiên. Điều đó có nghĩa là một số quy tắc có thể bị bỏ qua, và cấu trúc các ngôi nhà cũ hơn có thể vẫn dễ bị tổn hại.
“Một sai sót có thể tồn tại qua nhiều thế hệ nhưng chỉ trong vài giây đến vài phút, tất cả sẽ vỡ tung”, Harold Tobin, nhà địa chấn học tại Đại học Washington cho biết. “Vết đứt gãy kéo dài hàng trăm năm giữa các trận động đất là điều khá bình thường. Vì vậy, người dân thường không có ký ức nào về nó”.
Ngoài ra, xu hướng muốn dự đoán các mối nguy hiểm cụ thể của con người có thể vô tình đặt những mối nguy khác vào điểm mù.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã dự đoán hiểm họa siêu động đất “Big One” có thể xảy ra đâu đó dọc theo vết đứt gãy San Andreas ở California.
“Chúng tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ về nơi đó. Khi nào thì vết đứt gãy có thể vỡ?”, Wendy Bohon, một nhà địa chất động đất ở Maryland, cho biết.
“Nhưng còn có những khe nứt đang “ngủ say" khác trên thế giới với lực căng và áp lực tích tụ lại chậm hơn. Chúng tôi không tập trung nhiều sự chú ý vào chúng vì chúng không phải là vấn đề rõ ràng… mặc dù chúng tôi biết khu vực như vậy có nguy cơ địa chấn cao”, bà nói.
"Động đất không giết người, tòa nhà giết người"
Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực nóng thường xảy ra hoạt động địa chấn, do mảng Anatolia bị kẹp ở giữa bởi các mảng kiến tạo khác bao gồm mảng Arab, mảng Á - Âu và mảng châu Phi.
Trong nhiều năm, sự chú ý của giới khoa học đổ vào một vết đứt gãy khác ở Thổ Nhĩ Kỳ - đứt gãy Bắc Anatolia.
Các trận động đất đã để lại một khoảng trống địa chấn rõ ràng bên dưới Biển Marmara, gần Istanbul - một trong những thành phố đông dân nhất trên Trái Đất.
Các nhà khoa học đã cố tính toán khả năng xảy ra động đất lớn ở đó trong vài thập kỷ tới. Những người này thường nói rằng giờ chỉ còn là thời điểm chứ không phải “nếu như".
Ngược lại, vết đứt gãy Đông Anatolia đã trải qua một số trận động đất 6,0 độ trong thời kỳ theo dõi địa chấn hiện đại, bắt đầu từ những năm 1960.
Vào năm 2020, Karasozen và một nhóm các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu chi tiết về khả năng xảy ra động đất 6,8 độ do vết đứt gãy vỡ gây ra.
Do đó, trận động đất mạnh 7,8 độ trong tuần này đã được dự đoán trước một phần. Nhưng nó vẫn khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì cường độ quá lớn.
Động đất được đo theo thang logarit, có nghĩa là sự khác biệt giữa 6,8 và 7,8 có thể gây ra tác động lớn hơn nhiều so với việc chỉ nhìn vào con số. Tăng một số nguyên trên thang đo cũng có tạo ra sóng địa chấn với biên độ gấp 10 lần, giải phóng năng lượng gấp 32 lần.
“Đôi khi trận động đất lớn hơn bạn dự đoán", Michael Steckler, nhà địa vật lý tại Đài quan sát Trái Đất Lamont-Doherty của Trường Khí hậu Columbia, cho biết.
Ông lưu ý rằng người ta từng dự đoán một trận động đất mạnh 7,0-7,5 độ sẽ xảy ra ở Tohoku, Nhật Bản. Nhưng vào năm 2011, trận động đất với cường độ 9,0 đã gây ra sóng thần và tàn phá trên diện rộng.
“Nhìn lại, giờ đây hóa ra khu vực đó có một trận động đất mạnh 9 độ cứ sau hàng nghìn năm”, ông nói.
Mặc dù các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác hoặc ngăn chặn động đất nhưng họ biết cách ngăn ngừa tử vong - điều khiến chúng ta đau lòng khi chứng kiến những sự kiện như vậy ở các nơi trên thế giới.
“Người xưa có câu: 'Động đất không giết người, tòa nhà giết người'”, Tom Parsons, nhà địa vật lý của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nói. “Thật đau lòng, đặc biệt là khi bạn nhìn thấy một tòa nhà được xây dựng kiên cố trong khi tòa nhà bên cạnh bị sụp đổ hoàn toàn”.
Điều khiến các nhà khoa học lo lắng nhất là ngay cả khi các quy tắc xây dựng tồn tại, con người vẫn gặp rủi ro vì các quy định có thể không được tuân theo nghiêm ngặt.
Mustafa Erdik, người thành lập khoa kỹ thuật động đất tại Đại học Boğaziçi ở Istanbul, cho biết các vấn đề ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở “mức độ tuân thủ quy tắc”.
“Chúng tôi sử dụng các quy định xây dựng để phản ánh tình trạng kỹ thuật”, ông Erdik nói. “Thiệt hại dự kiến xảy ra sau những trận động đất lớn như vậy. Nhưng loại thiệt hại (các tầng đổ chồng chất lên nhau) không nên xảy ra”.
Tính đến sáng 10/2, số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên đến hơn 21.000, AFP đưa tin.
Trong khi đó, Reuters nhận định hy vọng về việc giải cứu thêm nhiều người còn sống sót đang mờ dần.
Thông thường sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Karasozen sẽ kiểm tra gia đình và bạn bè có an toàn hay không, rồi lao vào khoa học, đắm mình trong vật lý về sự lan truyền sóng địa chấn, biến dạng sau địa chấn, dư chấn.
Cô tự hào rằng công việc của mình có thể giúp ích cho đất nước.
Thế nhưng, lần này, cô không thể bắt mình nhìn vào những dữ liệu mới. Thay vào đó, Karasozen dồn năng lượng vào việc gây quỹ.
“Trận động đất này rất khác. Xem tất cả dòng tweet (từ những người bị mắc kẹt) dưới đống đổ nát mà xem… Thật sự quá nhiều”, cô nói.