Nhà giáo - Nghề cao quý
Dù cuộc sống có xoay vần thế nào thì xã hội vẫn luôn trân trọng, đề cao địa vị nhà giáo.
Tuy nhiên, vai trò của nhà giáo xưa và nay cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn khách quan.
Tự hào nghề giáo
Dù đã qua thời học sinh phổ thông nhưng Nguyễn Thị Hồng Nhung – cựu sinh viên Học viện Tài chính vẫn chuẩn bị món quà ý nghĩa tặng thầy, cô giáo đã từng dạy dỗ, dìu dắt mình trong suốt thời niên thiếu. Với Nhung, ngày 20/11 luôn là ngày hội lớn. Là ngày để bao thế hệ học trò bày tỏ lòng tri ân với thầy cô giáo - những người không quản khó khăn, vất vả để dạy chữ, dạy người. “Em vẫn luôn tâm đắc câu nói: “Không thầy đố mày làm nên” – Hồng Nhung bộc bạch.
Ngay từ nhỏ, cô Võ Thị Dương - giáo viên Trường THCS Lộc Nga (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã mơ ước được đứng trên bục giảng. Sau bao năm miệt mài đèn sách, cô cũng đã toại nguyện vì đạt được ước mơ của mình. Cô Dương đã thắp lên bao đam mê cho thế hệ học trò. “Tôi vẫn luôn tự hào vì mình là nhà giáo và nếu để chọn lại, tôi vẫn chọn là “cô giáo làng” – cô Dương bộc bạch.
Nhìn nhận phẩm chất, đạo đức của nhà giáo là yếu tố cốt lõi làm nên cái tâm của người thầy, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ: Làm nghề giáo thì tri thức của người thầy là quan trọng nhưng đạo đức và phẩm cách còn quan trọng hơn. Để thực hiện được sứ mệnh, người thầy phải dạy trò bằng nhân cách của mình. Cho nên dù trong hoàn cảnh xã hội nào, người thầy luôn phải trau dồi đạo đức.
Theo cô Dương, nếu diễn viên có thể hoàn thành vai diễn của mình trong một thời gian thì nhà giáo suốt cuộc đời sống trong nhiều vai diễn: Làm thầy, làm cha/mẹ, làm bạn, thậm chí phải đặt mình trong cuộc sống của các em để hiểu, cảm thông và chia sẻ… Bởi quá trình dạy học không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà còn là hành trình vun đắp nhân cách, khơi dậy đam mê, xây dựng tình nhân ái, nghĩa đồng bào… cho nhiều thế hệ.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý GD&ĐT Trung ương I (nay là Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, dù ngày xưa hay thời nay, người thầy đạt tới nhân cách chân chính phải thực hiện 3 nhiệm vụ: Người truyền đạo (truyền bá một hệ giá trị cao quý) cho người học; Người giải hoặc (gạt đi được những nghi hoặc nhảm nhí) giúp cho người học có niềm tin và đức tin trong sáng vào lẽ sống đúng đắn; Người thụ nghiệp (giúp người học lập chí, lập thân, lập nghiệp) trong cuộc đời. “Đã là thầy phải có sư đạo (tức đạo làm thầy, hết lòng vì học sinh); sư đức và sư thuật (tức là làm thầy giáo cũng phải có nghệ thuật)” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Nghề cao quý được xã hội tôn vinh
Cho rằng, đề cao địa vị nhà giáo thực chất là đề cao sự học, xem nghề giáo là nghề cao quý được xã hội tôn vinh, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho hay, ngày xưa, nhiều nhà rất nghèo nhưng vẫn cố gắng cho con đi học nhằm mong sau này con mình đỗ đạt, thoát khỏi cái nghèo, hoặc chí ít cũng học được cái chữ để làm người tử tế, có lối sống, cách ứng xử hợp đạo lý, biết giữ gìn thanh danh của bản thân và giữ lấy đạo nhà… Mặt khác, nhà giáo được coi trọng còn bởi đạo đức, phong cách, sự hiểu biết và cách đối nhân, xử thế được nhân dân thừa nhận. Nhà giáo là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh cao đẹp.
“Ngày xưa, ông đồ nghèo không chỉ giỏi về chữ nghĩa, mà còn giỏi bốc thuốc trị bệnh cứu người, giỏi địa lý, tướng số… được dân làng tin cậy, nhờ vả. Nhiều ông đồ từng đỗ đạt cao được xã hội rất mực kính trọng, quan lại địa phương cũng nể sợ. Họ là những người luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách và coi họ là chuẩn mực, hình mẫu để noi theo” - TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh viện dẫn; đồng thời cho rằng, theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, vai trò nhà giáo luôn được đề cao nhưng ít nhiều có sự đổi thay trong việc xác định vị trí cụ thể của nhà giáo. Cùng với đó, phương pháp giáo dục học trò của nhà giáo cũng cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử.
Theo ThS Lê Thị Loan – Hội Cựu giáo chức Việt Nam, trong giáo dục truyền thống, nhiều lúc người thầy có vị trí toàn năng, tri thức là thầy, thầy là tri thức. Trong thời đại ngày nay, cùng với sự bùng nổ của cách mạng khoa học và công nghệ, phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, kiến thức không chỉ đến từ người thầy. Xu hướng dân chủ trở thành phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, vai trò của người thầy cũng có nhiều thay đổi: Từ người truyền đạt tri thức sang người định hướng, dẫn dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện giúp người học tìm kiếm tri thức.
Qua đó đã cho thấy, trong xã hội hiện đại, vai trò của người thầy là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa vào chính mình. Dạy cho người học biết tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả. “Nghĩa là giúp người học phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động trong tiếp nhận tri thức” - ThS Lê Thị Loan nhấn mạnh.
Là sinh viên năm thứ nhất, Trần Thị Thảo Nguyên – Khoa Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì tin rằng, dù cuộc sống có xoay vần thế nào thì xã hội vẫn luôn trân trọng, đề cao địa vị nhà giáo. Nữ sinh cũng hiểu, xã hội sẽ ngày càng có những yêu cầu cao với nghề giáo, nhất là về phẩm chất, đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ, đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên trau dồi.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-nghe-cao-quy-post615523.html