Nhà giáo Thái Thị Liên: Vô cùng nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình yêu thương
Hình ảnh cô giáo Thái Thị Liên nghiêm túc, tỉ mỉ trong dạy đàn piano nhưng đầy tình yêu thương và nhân văn luôn in đậm trong ký ức của các thế hệ học trò.
9h37p sáng 31/1, nghệ sĩ, nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên đã qua đời ở Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 106 tuổi.
Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên sinh năm 1918, là giảng viên piano đầu tiên của trường âm nhạc Việt Nam và cũng là người có công lớn với nền giáo dục âm nhạc Việt Nam.
Bà là một trong những người sáng lập nên Học viện Âm nhạc Quốc gia, đào tạo nhiều giảng viên, nghệ sĩ thành danh.
Bà cũng chính là cô giáo đầu tiên và là người truyền đam mê âm nhạc cho hai con là NSND Trần Thu Hà (nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia) và NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ piano số 1 Việt Nam, người Việt đầu tiên đoạt giải F.Chopin năm 1980.
Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên đã ra đi nhưng ký ức đẹp đẽ về cô giáo vẫn vẹn nguyên trong các học trò Trường Âm nhạc Việt Nam xưa (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Uốn nắn, dìu dắt nhiều thế hệ thành danh
Bà Nguyễn Thị Phương Chi (nguyên giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia, sinh năm 1939, hiện 84 tuổi) - một trong những học trò piano lứa đầu tiên của nghệ sĩ Thái Thị Liên, chia sẻ với VietNamNet: Bản thân bà cũng là lứa học viên khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam hồi năm 1956, khi đó, cô Liên là tổ trưởng bộ môn piano của trường.
“Sau khi đi học từ Tiệp Khắc trở về, cô Liên là người đầu tiên sáng lập ra bộ môn/khoa Piano của trường. Thời điểm đó, những người biết đánh đàn piano cũng chỉ là nghiệp dư tự phát, chứ chưa qua trường lớp”.
Bà Chi cho hay, Nghệ sĩ Thái Thị Liên có tác phong nghiêm túc, lịch thiệp, nghiêm khắc trong công việc.
“Trong quá trình dạy học, cô rất nghiêm khắc và có thể nói “không cho qua” bất cứ một lỗi nào. Những lỗi nhỏ của học trò, cô đều nắn chỉnh chỉn chu. Cô làm việc rất nghiêm túc, khoa học, luôn lên lớp đúng giờ, quan hệ cô trò có trên dưới rõ ràng. Cô rất nhiệt huyết, luôn muốn truyền đạt hết phần kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn của mình cho học trò và luôn được các chuyên gia nước ngoài kính nể”.
Nghiêm khắc trong chuyên môn và dạy học nhưng nghệ sĩ Thái Thị Liên lại là người rất tình cảm trong cuộc sống thường ngày, gần gũi với học trò.
“Cô rất yêu thương học trò, thậm chí coi như con cháu trong nhà. Do đó, chúng tôi rất thích, dù nhiều khi căng thẳng, thậm chí phải khóc trong giờ học bởi cô đòi hỏi rất cao. Cô cũng có những cách truyền đạt cho học trò rất dễ hiểu và tiếp thu. Điều này cũng là những nền tảng cho chúng tôi sau này khi đi dạy học”.
Bà Chi cho hay có được ngày hôm nay cũng nhờ cô Liên uốn nắn bà từ chuyên môn cho đến đời thường.
“Thời đi học, tôi cũng là học sinh giỏi của cô. Thế nhưng, để được học sinh giỏi của cô thực sự cũng vượt qua nhiều nước mắt chứ không hề đơn giản", bà Chi nhớ lại.
NSƯT Trần Thị Tuyết Minh (sinh năm 1944, hiện 79 tuổi) được là học trò của nghệ sĩ Thái Thị Liên giai đoạn từ năm 1961-1963. Trong mắt cô học trò 17-18 tuổi khi đó, nghệ sĩ Thái Thị Liên là một giảng viên nghiêm khắc, nề nếp, tỉ mỉ trong từng hành xử, công việc.
“Cô Liên nghiêm khắc lắm. Thậm chí đi giày đi dép không đúng khi học đàn, cô cũng nói. Từ trẻ đến mãi sau này, cô vẫn luôn chuẩn mực về giờ giấc và cẩn thận lắm.
Ngày trước, làm gì có chân đàn hay chân ghế điều chỉnh độ cao được như bây giờ. Tôi nhỏ người nên thường kê thêm để có thể ngồi cao hơn khi đánh đàn. Có lần, tôi vô ý dùng quyển sách có mặt nhà soạn nhạc Beethoven để kê ngồi lên thì bị cô quát cho một trận”.
Theo bà Minh, nghệ sĩ Thái Thị Liên không chỉ dạy học trò về đàn mà còn dạy bảo đủ thứ về ăn nói, thưa gửi,...
Song, theo bà Minh, sau này nhìn lại, chính những điều đó cũng giúp bà cũng như các bạn của mình có tính kỷ luật, chuẩn mực trong văn hóa ứng xử,...
“Có lẽ cũng vì cô dạy cẩn thận, bài bản, tỉ mỉ cho nên các thế hệ học trò chúng tôi đều có kết quả tốt. Tốt nghiệp, tôi cũng được trường giữ lại làm giảng viên”.
Nghiêm khắc song rất yêu thương học trò
“Có lần, căn nhà của tôi ở khu tập thể bị cháy do chập điện từ nhà bên. Nghe tin, cô gửi tiền và cả sách vở về cho tôi, dù ngày đó ai cũng khó khăn”.
Bà Minh cho hay, cô giáo mình có trí nhớ rất tốt, biết nhiều ngoại ngữ. “Cho đến khi 100 tuổi, cô vẫn thuộc lòng để biểu diễn các bản nhạc. Chúng tôi ở tuổi này theo được cô còn mệt”, bà Minh nói.
Thỉnh thoảng bà Minh cùng các bạn lại gọi nhau về thăm cô.
“Khi chúng tôi đến thăm, cô dù đi không vững nhưng vẫn nói chúng tôi dìu ra đàn piano, lấy một đôi dép riêng để dẫm pedal của đàn. Thói quen chỉn chu với việc chơi đàn vẫn được giữ từ ngày ấy đến bây giờ, khi cô đã lớn tuổi. Ngày trước, cô cũng nghiêm khắc với chúng tôi về việc đó, luôn dặn dò rất cẩn thận từ tư thế ngồi cho đến giày dép khi chơi đàn”.
Bà Minh kể, dù lớn tuổi, song trí nhớ cô rất tốt và thích đánh đàn cho học trò nghe và nghệ sĩ Thái Thị Liên vẫn thường động viên những người học trò của mình tiếp tục chơi đàn dù ở tuổi nào.