Nhà giáo Ưu tú chia sẻ kinh nghiệm rèn học sinh giỏi
Đằng sau những thành tích, tấm huy chương của học sinh đều có bóng dáng những người thầy trong công tác phát hiện, bồi dưỡng.
Họ không những thể hiện sự đam mê kiến thức, tình yêu với học trò mà còn đúc rút nhiều bài học, phương pháp, kinh nghiệm quý giá để đào tạo nhân tài.
Hình mẫu kiến thức
Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT Chuyên Lào Cai (Lào Cai) có 26 năm dạy học môn Ngữ văn và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi (với 40 giải học sinh giỏi quốc gia; trên 200 giải học sinh giỏi cấp tỉnh).
Chia sẻ kinh nghiệm “thổi” đam mê môn học, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Muốn học trò đam mê học tập, trước hết người thầy phải là “tấm gương” về sự đam mê kiến thức”. Đam mê phải xuất phát từ giáo viên mới có thể truyền tới học trò. Khi học sinh đã đam mê môn học, có được nền tảng kiến thức cơ bản tốt, việc “truyền lửa” cho các em sẽ nhanh và thuận lợi.
Cũng theo cô Hạnh, quá trình bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi đòi hỏi giáo viên có năng lực vững vàng, phải luôn cập nhật kiến thức mới bên cạnh những phương pháp lý luận kinh điển. Giáo viên phải chinh phục học sinh bằng năng lực của mình. Làm sao để các em khâm phục, ngưỡng mộ về chuyên môn để học hỏi và vươn tới…
Mặt khác, tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên nhất định phải tận tâm, hết mình với học trò. Bên cạnh truyền đạt kiến thức, luyện tập… phải chịu khó đọc bài và sửa bài cho học sinh, uốn nắn từng lỗi câu, chính tả, diễn đạt, tách đoạn, điều chỉnh kiến thức…
Theo kinh nghiệm của cô Hạnh, học sinh vào học lớp chuyên Văn hay tham gia đội tuyển… hầu hết đều xuất phát từ yêu thích môn học nhưng kiến thức, kĩ năng chưa cao. Do đó, giáo viên phải dạy một cách bài bản rồi mới hướng dẫn cách vận dụng, làm bài, tiếp đó dần nâng cao kiến thức. Mặt khác, quá trình dạy học sinh giỏi có nhiều em thông minh, cá tính, có cách hiểu, diễn đạt khác giáo viên. Tuy nhiên, điều này đáng mừng, giáo viên cần tôn trọng để phát huy khả năng sáng tạo của học trò, khơi gợi những kiến giải mới, thay vì áp đặt văn mẫu làm triệt tiêu sáng tạo...
Em Trần Hồng Nhung, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lào Cai, thành viên đội tuyển quốc gia của trường tâm sự: Cô Nguyễn Thị Hạnh có nhiều phương pháp khác biệt. Ngoài việc giảng dạy, cô còn hình thành cho học sinh năng lực tự học, nghiên cứu tài liệu. Từ đó học sinh nâng cao khả năng tự tìm hiểu bài học hiệu quả…
Với học sinh đội tuyển, việc học bao giờ cũng “nặng” hơn. Nhưng cô Hạnh luôn tạo điều kiện, lên thời khóa biểu dạy học hợp lý để học trò có thời gian học các môn khác, tự học, đọc tài liệu tại thư viện. Cô giúp học sinh giảm áp lực, không bị dồn kiến thức quá nhiều vào một thời điểm hay một môn học.
Dạy chắc kiến thức cơ bản
NGƯT Nguyễn Hoàng Vân dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử tại Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) với thành tích 23 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử (trong đó 8 giải Nhì, 15 giải Ba) cũng có những kinh nghiệm quý trong bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cô Vân cho biết: Để có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh môn Lịch sử, giáo viên phải khơi gợi được niềm đam mê, truyền cảm hứng học tập với môn học. Khi có đam mê, các em sẽ quyết tâm, nỗ lực vượt lên dù đây là môn nhiều em “ngại” học. Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Vân luôn giữ phương châm: Dạy chắc kiến thức cơ bản rồi mới nâng cao. Thông qua những bài giảng cụ thể để dạy phương pháp tư duy cho học trò. Dạy dạng bài có tính quy luật trước, dạng bài có tính đơn lẻ, đặc biệt sau.
Cũng theo cô Vân, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử và giúp các em đạt thành tích cao không thể thiếu việc khuyến khích, phát huy tinh thần tự học, tự đọc của học sinh. Bởi thời lượng trên lớp không nhiều, việc tự học, tự đọc sẽ giúp các em bổ sung, hiểu sâu sắc thêm kiến thức.
Tuy nhiên, việc khuyến khích học sinh tự đọc muốn đạt hiệu quả, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những đầu sách hay, cần thiết… để định hướng việc đọc từ ban đầu. Thiếu sự định hướng của giáo viên, học sinh sẽ tìm đọc một cách tràn lan, thiếu trọng tâm, kém hiệu quả.
Quá trình học trò đọc sách, giáo viên cũng cần hướng dẫn các em biết cách rút ra nội dung trọng tâm để sử dụng trong quá trình làm bài. Có khi trong cả một cuốn sách nhưng chỉ yêu cầu học sinh tóm lược lại ý chính. Sau đó các em trao đổi với giáo viên để được chuẩn hóa lại kiến thức từ việc đọc sách sao cho phù hợp với việc ôn luyện, làm bài thi…
Em Vũ Thu Ngân - cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy, đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử (2019) chia sẻ: Phương pháp dạy của cô Vân dễ hiểu bởi dạy theo logic của vấn đề. Cô giúp học sinh có cái nhìn khách quan, sâu sắc, tổng quát nhất rồi mới đi vào những chi tiết, đặc biệt…
“Quá trình được cô dạy và huấn luyện trong đội tuyển học sinh giỏi Sử, em khâm phục cô về sự kiên nhẫn. Cô không khi nào tỏ ra thất vọng hay cáu gắt với những non yếu của học trò, luôn kiên trì yêu cầu học sinh luyện tập và chữa từng chút một. Điều đó giúp em ngày càng hoàn chỉnh trong cách làm bài và nâng cao kiến thức bộ môn”, Thu Ngân nói.
Cô Vân luôn đề cao tính phản biện của học sinh trong quá trình học tập, bởi như vậy chứng tỏ các em đã nắm chắc nội dung kiến thức nào đó. Nếu sự phản biện của học sinh chưa đúng với quan điểm, kiến thức chung cũng là cơ hội để giáo viên biết và điều chỉnh phù hợp nhất. Mặt khác, khi học sinh nêu quan điểm đúng hoặc phát hiện ra vấn đề mới mà bài giảng chưa có nên sẵn sàng ghi nhận bởi trên thực tế không phải kiến thức nào giáo viên cũng biết.