Nhà giàu, trí thức cũng khóc vì ám ảnh chung cư
Sống lâu tôi mới ngã ngửa ra rằng chung cư không phải lúc nào cũng văn minh, sạch sẽ.
Kết hôn 5 năm, vợ chồng tôi mua được căn chung cư nhỏ. Trước khi chọn mua chung cư, hai vợ chồng cũng so sánh rất kỹ giữa nhà đất và chung cư. Với số tiền vừa phải cộng với những tiện ích của chung cư, chúng tôi quyết định xuống tiền và khá hài lòng khi chỉ 1 năm sau đã nhận nhà mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình đã chuyển về căn hộ được 6 tháng. Đúng như chúng tôi kỳ vọng, sống ở chung cư sạch sẽ, gọn gàng hơn hẳn căn nhà mà chúng tôi thuê trước kia. Diện tích chỉ gần 70m2 nhưng với tôi, thế là đủ dùng cho gia đình 3-4 thành viên, không quá vất vả việc dọn dẹp.
Ở chung cư còn có một tiện ích khác mà tôi không có được khi ở nhà đất. Đó là dịch vụ bán hàng online của các chị em trong khu vô cùng tiện lợi. Nhiều khi bận việc cơ quan, tôi chỉ việc ‘còm’ (comment) một cái là hàng được giao đến tận cửa phòng, có khi cả tuần không phải đi chợ.
Thế nhưng, tôi lại không tính đến một bất tiện khác, đó là văn hóa tập thể ở chung cư.
Mặc dù hầu hết cư dân đều trẻ, là dân trí thức cả nhưng cũng không thiếu những người ý thức kém. Trên cộng đồng cư dân chúng tôi thường xuyên có những bức ảnh chụp cư dân xả rác, chất thải ra khu vực chung.
Khu vực xả rác gây bức xúc nhất ở chung cư nhà tôi là thang máy. Đôi khi, các bà các mẹ bế con cháu vào thang máy, vô tình bọn trẻ tè ra cả thang máy. Thậm chí có lần cư dân còn chụp cả hình ảnh chất thải đại tiện của trẻ con ị đầy trong thang.
Khổ nỗi, trẻ con ị đái thì không cấm được nhưng người lớn lại không có ý thức dọn dẹp ‘hậu quả’ của con cháu mình. Nhân viên vệ sinh chỉ làm việc theo ca, không phải lúc nào cũng xử lý được những tình huống phát sinh như thế.
Có lần, cư dân còn phát hiện bãi nôn đầy mùi chua loét trong thang máy, có lẽ do ông nào đi uống rượu say về nôn ra.
Còn chuyện vào thang máy thỉnh thoảng lại ngửi thấy mùi lạ như mùi tanh của cá, mùi chua của dưa cà mắm muối… là chuyện thường ngày.
Chưa hết, mỗi sáng đi làm xuống sảnh tầng 1 tòa nhà, tôi cảm giác như đang đi giữa nhà trẻ. Các bà rủ nhau bế cháu xuống vừa cho cháu ăn rong vừa buôn chuyện. Mỗi bà một bát một thìa chạy theo đứa trẻ dỗ dành để đút ào một miếng vào miệng. Cảnh tượng ấy không chỉ mất mỹ quan mà còn khiến cơm cháo vương vãi đầy sàn nhà. Đến nỗi, chiếc sofa sang trọng đặt ở sảnh ra vào bây giờ đã loang lổ thành màu cháo lòng, mỗi lần định ngồi xuống tôi còn phải do dự.
Còn một nơi nữa cho thấy ý thức kém của cư dân, đó là phòng rác. Dù biển thông báo yêu cầu cư dân phải vứt rác vào thùng nhưng không ít lần rác được tiện tay đặt ngay bên cạnh, khiến mùi hôi thối xộc thẳng lên mũi mỗi khi mở cửa căn phòng này.
Mỗi tầng đều có một nhóm ‘chat’ riêng, hễ có chuyện gì là mọi người lại đưa ra thảo luận, phê bình nhưng hôm sau lại đâu vào đấy. Lạ cái là không ai nhận nhà mình vứt rác bừa bãi nhưng hôm sau lại có túi rác để ngay cạnh thùng, đến mức nhiều người đề xuất lắp camera chỉ để canh cho cái phòng rác được sạch sẽ, không mùi.
Không chỉ thế, thỉnh thoảng lại có cư dân phản ánh tình trạng ném đồ đạc từ trên tầng cao xuống. Có nhà thì chỉ do vô tình để sát song sắt, gió to rơi xuống, nhưng có những ‘vật thể lạ’ không thể biện hộ là do vô tình rơi. Dưới sân là người già người trẻ đủ cả đi lại, vui chơi. Những thứ đó lỡ rơi trúng đầu ai thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Thực sự, trước khi mua chung cư, tôi cử tưởng sống ở chung cư là phải văn minh lắm vì những người mua chung cư hầu như đều là vợ chồng trẻ, có ăn học đàng hoàng, thế mà sống lâu mới ngã ngửa. Tôi cũng nghe mọi người phản ánh rằng không chỉ có ở chung cư nhà tôi, mà nhiều chung cư đều có tình trạng như vậy.
Tất nhiên không phải vì thế mà tôi lại chuyển sang ở nhà đất. Nhưng giờ mới biết ở đâu cũng có ưu nhược riêng. Theo tôi, nếu ai đang có ý định mua nhà chung cư hãy suy nghĩ kỹ về những vấn đề trên trước khi quyết định.