Nhà giàu Trung Quốc đua nhau chuyển tài sản ra nước ngoài
Trải qua thời gian bị áp đặt các biện pháp kiềm chế hà khắc để phòng chống dịch Covid-19 và lo ngại về khẩu hiệu 'thịnh vượng chung' của Bắc Kinh, giới nhà giàu Trung Quốc đang đẩy mạnh chuyển tài sản cá nhân ra nước ngoài...
Theo Nikkei Asia, nguyên nhân đằng sau làn sóng này là nỗi lo rằng chủ trương thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng xấu tới tài sản của người giàu.
Giữa làn sóng này, Singapore nổi lên là một địa chỉ hàng đầu để dịch chuyển tài sản tới của giới giàu Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát Hồng Kông - động thái gây ảnh hưởng tới danh tiếng của thành phố vốn được mệnh danh là một trung tâm tài chính quốc tế cũng như một nơi an toàn để cất giữ tài sản.
Khi các thành phố lớn của Trung Quốc - bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải - bị phong tỏa để phòng dịch vào năm ngoái, các tổ chức tư vấn di cư đầu tư, công ty quản lý tài sản và công tư vấn quản lý tài sản gia đình chứng kiến sự gia tăng đáng kể yêu cầu của khách hàng từ Trung Quốc Đại lúc muốn đưa tài sản của họ sang quốc gia khác.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra sau khi Trung Quốc từ bỏ chiến lược Zero Covid vào tháng 12 năm ngoái và mở lại biên giới sau gần 3 năm đóng cửa. Theo công ty tư vấn di cư Henley Partners có trụ sở tại Anh, số lượng yêu cầu nói trên trong tháng 1 đã tăng 600% so với tháng trước đó.
"Điều này cho thấy các chính sách Covid và chính sách hiện tại của Trung quốc khiến người giàu cảm thấy thiếu an toàn. Vì vậy, để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, họ phải đưa tài sản ra nước ngoài”, giáo sư tài chính và quản trị Joseph Fan tại Đại học Queensland của Australia, nhận xét.
Chia sẻ với Nikkei Asia, nhiều công ty cố vấn của các khách hàng siêu giàu Trung Quốc cho biết lệnh phong tỏa kéo dài trong 2 tháng chưa từng thấy với 25 triệu dân Thượng Hải, cùng với nhiều biện pháp phòng dịch hà khắc, chính là một bước ngoặt khiến nhiều người phải chuẩn bị cho tình huống xấu.
"Một số khách hàng bắt đầu dịch chuyển tài sản sớm nhất có thể. Họ tới Hồng Kông hoặc Singapore”, một cố vấn cho biết.
Bên cạnh đó, các chính sách của Bắc Kinh - bao gồm biện pháp kiểm soát vốn như siết quản lý hoạt động sòng bạc ở Macau hay siết quản lý lĩnh vực tư nhân khiến nhiều “đại gia” công nghệ bị phạt nặng, hay chủ trương “thịnh vượng chung”, cũng khiến giới giàu lo lắng.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vào tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã xoa dịu những lo lắng về nỗ lực "thịnh vượng chung" của Bắc Kinh. Ông khẳng định các chính sách thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo "tuyệt đối không phải là chủ nghĩa bình đẳng hay chủ nghĩa phúc lợi”.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng cảm thấy sốc khi các chính phủ phương Tây trừng phạt hàng loạt cá nhân giàu có người Nga sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, làm dấy lên lo ngại rằng họ cũng có thể trở thành “nạn nhân” của căng thẳng địa chính trị quốc tế.
“Họ lo sợ rằng khi tình hình địa chính trị ngày càng trở nên phức tạp, tài sản và lối sống của họ sẽ không còn được an toàn ở những nơi như châu Âu, châu Mỹ, châu Mỹ hay châu Úc”, ông Rupert Hoogewerf, chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report - báo cáo theo dõi tài sản của các doanh nhân Trung Quốc cho biết.
Theo dữ liệu của Henley & Partners, năm ngoái Trung Quốc chứng kiến số lượng người giàu - có tài sản ít nhất 1 triệu USD - di cư ròng là 10.800 người. Con số này chỉ sau Nga với 15.000 người.
Dữ liệu cho thấy Hồng Kông, nơi chứng kiến làn sóng di cư liên tục của cư dân và người nước ngoài những năm gần đây, đã mất khoảng 3.000 cá nhân có tài sản ròng cao, trong khi Singapore tăng thêm 2.800 người trong năm ngoái.
Theo Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore, trong năm 2020-2021, số lượng các công ty quản lý tài sản gia đình tại Singapore đã tăng gần gấp đôi lên 700, dù không tiết lộ nguồn gốc quốc gia của những công ty này.
Ông Loh Kia Meng, giám đốc điều hành của Dentons Rodyk & Davidson tại Singapore, ước tính có tới một nửa số công ty quản lý tài sản gia đình mới được thành lập ở nước này trong năm ngoái đến từ khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area). Khu vực này bao gồm Macao, Hồng Kông và một số thành phố phía Nam của Trung Quốc, bao gồm Quảng Châu và Thẩm Quyến. Theo ông Loh, con số này tăng từ tỷ lệ khoảng 30% đến từ khu vực này vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Theo các công ty cố vấn quản lý tài sản, để chớp thời cơ, Singapore đã tung ra chương trình thị thực 5 năm mới để thu hút đầu tư nước ngoài và người giàu Trung Quốc có vẻ đã tìm hiểu về chương trình này.
Theo ông Harvey Chan, giám đốc kinh doanh tại Payments Asia, các quỹ tính thác do người Trung Quốc thành lập tại Singapore đã tăng 44% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm, vượt qua mức tăng 23% so với giai đoạn năm 2018-2019. Còn tại Hồng Kông, mức tăng trưởng chỉ là 15% trong cùng giai đoạn.
“Trước đây, người Trung Quốc không mấy quan tâm đến Singapore, nhưng thành phố này đang nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn ở châu Á”, một người phát ngôn của Henley & Partners nói. “Đây hiện là lựa chọn được ưa chuộng thứ 4 của người giàu Trung Quốc muốn dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, sau Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Grenada”.
Một số người vẫn lạc quan tin rằng Hồng Kông sẽ sớm lấy lại danh tiếng là "lựa chọn ưa thích" của giới nhà giàu Trung Quốc sau nhiều năm tự cô lập vì Covid-19. Những người ủng hộ cho rằng khả năng tiếp cận dễ dàng với đất liền, thuế suất thấp và ưu đãi thuế sắp được tung ra sẽ những yếu tố sẽ thu hút các công ty quản lý tài sản gia đình.
"Hồng Kông rất hấp dẫn với các gia đình Trung Quốc Đại lục muốn điều hành công việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc", ông Andrew Lo, trưởng bộ phận tư vấn công ty quản lý tài sản gia đình khu vực Trung Quốc Đại lục tại UBS ở Hồng Kông, nói với Nikkei Asia. "Thành phố này là cửa ngõ tốt hơn nhiều, gần hơn rất nhiều”,
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nha-giau-trung-quoc-dua-nhau-chuyen-tai-san-ra-nuoc-ngoai.htm