Nhà giàu Việt dư tiền, gia sản hơn 600 tỷ USD cần tìm người quản lý

Sự gia tăng dân số và thu nhập trung bình đầu người, đặc biệt, nhu cầu đầu tư và bảo vệ tài sản của nhóm dân số trong độ tuổi từ 25 đến 49 tuổi, đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản tại Việt Nam. Thị trường được McKinsey & Company dự báo sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2027

Vẫn còn sơ khai

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và dân số trẻ, thị trường Việt Nam đang tạo ra những cơ hội và tiềm năng, bên cạnh nhiều thách thức trong lĩnh vực quản lý gia sản còn mới mẻ này. Tuy nhiên, ngành quản lý tài sản tại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai và bắt đầu định hình thị trường.

Theo thống kê, các dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào các sản phẩm truyền thống như ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Chủ yếu một số ít các dịch vụ Priority banking và Private banking của vài ngân hàng đang thử nghiệm tiên phong, các sản phẩm quỹ đầu tư của các công ty quản lý quỹ, các giải pháp quản lý và đầu tư BĐS của các công ty BĐS, hay tư vấn danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu từ các công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT nhận định, những dịch vụ này cũng rất sơ khai, chưa thực sự mang lại nhiều giá trị cho khách hàng do vẫn chỉ gói gọn trong những dịch vụ mà các định chế tài chính có thể cung cấp.

“Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý gia sản mà những sản phẩm dịch vụ hiện tại chưa thể đáp ứng được, ví dụ như việc tối ưu thuế, thừa kế & hôn nhân hay cung cấp cho khách hàng một kế hoạch tài chính, kế hoạch hưu trí toàn diện”, ông Dũng nói thêm.

Theo các chuyên gia tài chính, có một thực tế đáng lo ngại, người Việt Nam vẫn đang thiếu hụt về đào tạo tài chính cá nhân. Những dịch vụ quản lý tài sản chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp và siêu cao cấp nên hiện tại chưa có tổ chức, cá nhân nào có thể giúp phần lớn người dân quản lý tài sản của mình một cách thực sự hiệu quả.

Trong 2-3 năm trở lại đây, thị trường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sâu sắc và trên diện rộng: trái phiếu mất thanh khoản, những vụ lùm xùm về hiểu sai khái niệm sản phẩm giữa người tư vấn và khách hàng trong ngành bảo hiểm nhân thọ, hoặc BĐS phân lô bán nền không đảm bảo tính pháp lý, đầu tư BĐS hứa hẹn lợi nhuận cao khiến cho người dân phải chịu rất nhiều thiệt hại về tài chính.

Điều này thúc đẩy sự xuất hiện của một sản phẩm “tài chính toàn diện” giúp quản lý toàn bộ tài sản cho khách hàng một cách hiệu quả.

Thị trường 600 tỷ USD cho nghề quản lý gia sản

Báo cáo của McKinsey & Company cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á, đầu thế kỷ 21 Singapore và Hong Kong cũng đã tiên phong tạo ra thế hệ Financial Planner (nhà hoạch định tài chính cá nhân) và Financial Advisor (cố vấn tài chính) theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp người dân có được tư duy quản lý tài sản toàn diện.

Thị trường quản lý tài sản tại Singapore và Hong Kong phát triển rất mạnh mẽ. Ước tính tại Singapore tổng tài sản quản lý (AUM) đạt khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2022, đối với Hong Kong, AUM cũng đạt khoảng 3.900 tỷ USD vào năm 2022 và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tương tự, tại Mỹ từ năm 1970, nghề hoạch định tài chính cá nhân chính thức ra đời, đánh dấu mốc quan trọng trong việc thay đổi ngành quản lý tài sản tại Mỹ và sau đó là trên toàn thế giới. Xu hướng tại Mỹ cũng dần thay đổi, thay vì tập trung chủ yếu vào quản lý tài sản của các cá nhân siêu giàu và tổ chức, dịch vụ tài chính cá nhân đã mở rộng ra cung cấp cho toàn bộ tầng lớp trung lưu và cận trung lưu trong xã hội.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2019, tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,21% mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tăng trưởng giảm xuống còn 2,87% và 2,55%. Năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chương trình phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP đã hồi phục mạnh mẽ, đạt 8.02%.

Năm 2023 tuy GDP giảm xuống còn 5.05% do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và những xung đột chính trị, tuy nhiên theo dự báo của CBRE, quy mô GDP của Việt Nam từ 2024 đến 2028 sẽ tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình 6,7%/năm.

Tại Việt Nam thị trường quản lý gia sản dự kiến đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hơn 11%/năm từ mức 360 tỷ USD cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ niềm tin về sự phát triển của thị trường tiềm năng này, đầu tiên, dân số Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người, với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) chiếm 62,2%. Với tỷ lệ dân số vàng và thu nhập từ lao động chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

"Những cá nhân và gia đình có tài sản lớn đang bắt đầu tìm kiếm các giải pháp quản lý tài sản hiệu quả để bảo vệ và tăng trưởng giá trị tài sản của họ', ông Dũng nói.

Việt Nam tuy đi sau nhưng đang được hưởng lợi và có thể học hỏi từ những thành tựu của các quốc gia phát triển, nhất là những lợi thế về công nghệ ở giai đoạn hiện tại. Sự phát triển của những ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) không chỉ giúp người dân có thể lập kế hoạch tài chính mà còn có thể cung cấp các giải pháp đầu tư tự động dễ tiếp cận. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ AI, blockchain để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài sản.

Trong khi đó, khung pháp lý, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các dịch vụ tài chính đang dần hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong ngành phát triển.

Cuối cùng, các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý tài chính cá nhân và quản lý tài sản của Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng, tổ chức giáo dục đào tạo được đẩy mạnh. Đặc biệt là kế hoạch sớm công nhận nghề “hoạch định tài chính cá nhân” và đưa “quản lý tài sản” thành một danh mục được phép kinh doanh.

Nguyễn Anh Dũng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nha-giau-viet-du-tien-gia-san-hon-600-ty-usd-can-tim-nguoi-quan-ly-d112173.html