Nhà hàng, khách sạn Đà Nẵng gặp khó vì cấp độ dịch liên tục thay đổi
Đà Nẵng đang nỗ lực phục hồi kinh tế, tập trung thúc đẩy du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Thế nhưng các nhà hàng, khách sạn tiếp tục dè dặt khi mở cửa hoạt động. Nhiều khách sạn vừa mở cửa đã phải đóng hoặc hủy các dịch vụ do cấp độ dịch ở cấp phường luôn thay đổi.
Sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh, dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, một số khách sạn, nhà hàng ven biển Đà Nẵng mở cửa đón khách trở lại. Thế nhưng, các cơ sở lưu trú, dịch vụ vẫn gặp không ít khó khăn vì cấp độ dịch ở các phường liên tục thay đổi. Khách du lịch đến lưu trú cũng sớm rời đi vì các dịch vụ, khu điểm vui chơi chưa mở cửa trở lại.
Bà Ngô Thị Hương - Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho biết, việc áp dụng đánh giá cấp độ dịch theo phạm vi xã, phường hiện nay ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của cơ sở lưu trú. Đơn vị phải thường xuyên xin lỗi khách vì hủy các dịch vụ đã đặt trước do địa phương thay đổi cấp độ dịch. Hôm nay, đang là vùng vàng, ngày mai thành vùng cam hoặc nâng lên vùng đỏ thì tất cả các dịch vụ tổ chức như hội nghị, dạ tiệc, hoạt động đông người đều phải hủy bỏ.
Theo bà Ngô Thị Hương, từ ngày 10 đến 20/1, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn xuất hiện ổ dịch tại chợ Bắc Mỹ An. Vì vậy, phường này nâng cấp độ dịch lên cấp độ 3. Khách sạn dù tách biệt hoàn toàn với khu vực chợ đó, nhưng vì đứng chân trên địa bàn có dịch cấp độ 3 nên buộc phải hủy khá nhiều các chương trình hội nghị đã nhận của khách hàng.
“Về việc đánh giá cấp độ dịch, chúng tôi 2 lần bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nhiều nhất là dịp trước Tết vừa rồi. Đó là thời điểm cao nhất để chúng tôi có thể đón được những đoàn khách đi hội nghị và sử dụng các chương trình về tiệc gala hay dịch vụ MICE. Nhưng vì cấp độ dịch thay đổi, khiến tất cả các hội nghị của chúng tôi đều phải dừng lại hết, gây thất thu cho chúng tôi khá nhiều” - bà Ngô Thị Hương nói.
Trong Tết Nhâm Dần, dù lượng khách đến Đà Nẵng có tăng trở lại nhưng so với một số địa phương trong khu vực thì Đà Nẵng thua xa về lượng khách du lịch. Trong khi Nha Trang, Huế, Hội An…, khách du lịch đông đúc du Xuân thì tại Đà Nẵng vẫn thưa vắng du khách. Vì sao có tình trạng này? Trước hết, thành phố Đà Nẵng vẫn đang là điểm nóng về dịch Covid-19 so với cả nước. Cách chống dịch của thành phố thiếu linh hoạt. Một số dịch vụ như spa, karaoke, massage, các hoạt động, khu điểm vui chơi vẫn chưa được phép mở cửa hoạt động trở lại. Nhiều du khách đến Đà Nẵng không biết vui chơi ở đâu.
Từ Mỹ về Việt Nam ăn Tết và đi du lịch tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Duyên cho biết dự định đến Đà Nẵng sẽ ở vài ngày để xem cầu Rồng phun lửa, đi tham quan Bà Nà nhưng các hoạt động này đều chưa mở lại nên sẽ rút ngắn thời gian lưu trú tại đây: “Tôi dự định ở đây 2 đêm, nhưng không còn địa điểm để chơi nên chúng tôi phải về Hội An. Bà Nà Hill và một số khu du lịch đang đóng cửa nên chúng tôi rất tiếc, vì không được tham quan những điểm du lịch đó. Ngay hôm qua đến giờ chỉ đi được mỗi chợ Cồn, hôm nay tính đi chùa Linh Ứng rồi về Hội An thôi”.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, hiện nay thành phố Đà Nẵng đang ở cấp độ 2 về dịch Covid-19 nhưng có tới 12 xã, phường cấp độ 3 và 2 phường cấp độ 4. Theo quy định, đối với những địa phương từ cấp độ 3 trở lên phải hạn chế các hoạt động dịch vụ ăn uống, tập trung đông người. Đây chính là trở ngại lớn trong nỗ lực khôi phục kinh tế, đặc biệt là khôi phục ngành du lịch vốn là thế mạnh của Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ không bắt buộc đánh giá cấp độ dịch đến cấp phường mà chỉ quy định đánh giá phạm vi cao nhất đến cấp phường. Việc đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã, phường là quá rộng, vô hình trung khiến tất cả những người không liên quan đều bị hạn chế, đặc biệt là các dịch vụ khách sạn. Trong dịp Tết vừa qua, các khách sạn lớn đều không dám mở cửa vì lo ngại nếu mở cửa, xã phường đó công bố vùng cam hoặc vùng đỏ thì lại phải đóng cửa.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương phải linh hoạt trong đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp chống dịch tại địa phương. Theo đó, không đánh giá cấp độ dịch đến cấp xã, phường nữa mà phải thu hẹp lại, tạo điều kiện tối đa để phục hồi kinh tế, đặc biệt là tập trung khôi phục các hoạt động dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Quảng nói: "Tôi đề nghị, cách đánh giá vùng dịch cần phù hợp. Chẳng hạn, ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, các khách sạn hoàn toàn tách rời khỏi khu dân cư. Nếu ở phường đó, cấp độ dịch cả phường là vùng cam thì đương nhiên khách sạn đó sẽ không được mở nữa. Chúng ta phải linh hoạt chống dịch và phù hợp với thực tiễn thì mới mở lại hoạt động du lịch. Nếu không, chúng ta cứ đóng rồi lại mở, các chủ cơ sở lưu trú không biết đâu mà lần, người ta rất lo ngại. Quan điểm của thành phố là vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, trong đó có ngành du lịch”./.