Nhà hát CAND dàn dựng vở kịch mới về chống tham nhũng

Ngày 20/5, kịch bản 'Trái tim thành phố' của biên kịch Minh Nguyệt đã được Nhà hát CAND chọn và đưa vào dàn dựng. Vở diễn này do NSND Lê Hùng đạo diễn.

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cho biết, kịch bản “Trái tim thành phố” được chọn để dàn dựng với mong muốn mang đến một “món ăn tinh thần” mới cho CBCS và nhân dân. Đây sẽ là vở diễn thứ 2 được đơn vị tập trung đầu tư để đưa đi dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

Trước đó, vở diễn “Con đò của mẹ” đã được Nhà hát hoàn thành, có buổi diễn báo cáo đầu tiên để lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn. Trong vở diễn thứ 2 này, đơn vị chủ động chọn kịch bản về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Thiết kế sân khấu cho vở “Trái tim thành phố”.

Thiết kế sân khấu cho vở “Trái tim thành phố”.

Đây là vấn đề thời sự, rất được quan tâm hiện nay. Hy vọng, 2 tác phẩm với những “sắc màu” rất khác nhau sẽ góp phần khắc họa sinh động, đa dạng, đa chiều hơn về người chiến sĩ CAND trên sân khấu, khẳng định được “màu cờ sắc áo” của các nghệ sĩ – chiến sĩ Công an tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 và thu hút được đông đảo CBCS, nhân dân.

Được biết, tác giả kịch bản “Trái tim thành phố” – biên kịch Minh Nguyệt là cây bút rất “có duyên” với lực lượng CAND. Mặc dù công tác trong lực lượng Quân đội nhưng chị có nhiều kịch bản viết về người chiến sĩ Công an được đánh giá cao. Hai kịch bản của chị gồm “Tình bạn và công lý” và “Vụ án Am Bụt Mọc” đều nhận giải B Trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” của Bộ Công an năm 2017 và năm 2019.

Hai vở diễn được dàn dựng từ 2 kịch bản này cũng đạt giải cao tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2020. Tuy nhiên, với “Trái tim thành phố”, nữ biên kịch chọn mảng đề tài rất khác. Như chính chị chia sẻ thì kịch bản lần này tập trung khai thác về đời sống người công nhân, người lao động ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Họ rời quê lên phố mưu sinh, để con cái ở lại với ông bà. Cuộc sống khó khăn, họ tằn tiện từng đồng, không dám ăn ngon, mặc đẹp, ở thuê trong các khu nhà trọ lụp xụp. Thông điệp mà nữ biên kịch còn mong muốn chuyển tải trong tác phẩm là những đứa trẻ sớm rời vòng tay cha mẹ, sống với người thân ở quê sẽ rất thiệt thòi về nhiều mặt, có thể khiến nhân cách của trẻ không trọn vẹn.

Cũng theo biên kịch Minh Nguyệt, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, có nhiều chính sách chăm lo cho người lao động. Nhưng quá trình thực hiện, vì nhiều lý do, ở một số nơi, các chính sách ấy chưa được triển khai hiệu quả. Trong tác phẩm “Trái tim thành phố”, địa phương mà ông chủ tịch tỉnh, một nhân vật trong vở kịch mới về nhận công tác là một trong những nơi như thế. Chị xây dựng nhân vật ông chủ tịch tỉnh như là một điển hình về sự tận tâm với công việc, với nhân dân.

Đối trọng với ông chủ tịch tỉnh là phó chủ tịch và dàn ê kíp cũ với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm “qua mặt” lãnh đạo để bảo vệ lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho người lao động. Trong cuộc đấu tranh cam go ấy, chủ tịch tỉnh luôn có sự ủng hộ của lực lượng Công an, cụ thể là giám đốc Công an tỉnh.

Hình ảnh người chiến sĩ Công an trong tác phẩm lần này cũng được xây dựng đa chiều với những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt… Nữ biên kịch bày tỏ tin tưởng, với tài năng của đạo diễn, NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ, chiến sĩ Nhà hát CAND, “Trái tim thành phố” sẽ chuyển tải được thông điệp nhiều ý nghĩa, tiếp tục xây dựng được những hình ảnh đẹp hơn nữa về người chiến sĩ Công an trên sân khấu.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nha-hat-cand-dan-dung-vo-kich-moi-ve-chong-tham-nhung-642336/