Nhà hát Kịch Việt Nam: Đa dạng các sản phẩm nghệ thuật

Với một số lượng tác phẩm lớn ở nhiều đề tài khác nhau từ lịch sử, chiến tranh cách mạng cho tới khai thác những vấn đề nóng hổi tính thời sự của đời sống đương đại..., Nhà hát Kịch Việt Nam đã trở thành một trong những điểm sáng đèn của sân khấu Thủ đô với những suất diễn cố định vào cuối tuần.

P.V. Bí quyết gì khiến Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn vững vàng với vai trò “anh cả đỏ” và tiếp tục tạo dấu ấn với đồng nghiệp và khán giả Thủ đô?

- Phó giám đốc, NSƯT Kiều Minh Hiếu: Tôi đã gặp khá nhiều khó khăn kể từ khi NSND Nguyễn Xuân Bắc làm Cục trưởng. Theo quy định, cơ cấu tổ chức Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có khoảng 3 đến 4 người.

Các thành viên Ban Giám đốc sẽ chia nhau để quản lý và điều hành một số lĩnh vực trong Nhà hát. Nhưng bây giờ, tất cả các công việc của Nhà hát dồn hết vào một mình tôi, tôi phải làm hết thảy mọi việc, trong khi sức người có hạn.

Điều đó tạo ra những khó khăn nhất định. Vì ở Nhà hát không chỉ có công việc chuyên môn mà còn rất nhiều mảng khác. Chẳng hạn, công tác Đảng, công tác xã hội, công tác công đoàn…

Các cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chủ động trong từng vị trí công việc của mình, với tình yêu và tinh thần trách nhiệm cao nhất và điều này đã mang lại những thành tích cho đơn vị

Các cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chủ động trong từng vị trí công việc của mình, với tình yêu và tinh thần trách nhiệm cao nhất và điều này đã mang lại những thành tích cho đơn vị

Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là trong quãng thời gian làm Phó Giám đốc, giúp việc cho Giám đốc Nguyễn Xuân Bắc, tôi đã kinh qua hết tất cả công việc đó nên bây giờ không bỡ ngỡ, không thiếu kinh nghiệm để giải quyết.

Khi còn ở vị trí giám đốc Nhà hát, NSND Nguyễn Xuân Bắc luôn nhắc chúng tôi về chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các lãnh đạo Bộ đó là khi thực thi nhiệm vụ phải có sự quyết tâm, chủ động và phải đặt hiệu quả lên hàng đầu.

Đó là lý do đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chủ động trong từng vị trí công việc của mình, với tình yêu và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Với tinh thần này, các Trưởng, Phó đoàn kịch Cổ điển và Đương đại, các lãnh đạo các phòng chức năng và tập thể cán bộ, nghệ sĩ đều đoàn kết một lòng nên tất cả công việc trong Nhà hát thời gian qua (khoảng 6 tháng) vẫn trôi chảy, đạt hiệu quả cao.

Lịch diễn hiện nay của Nhà hát được thông tin công khai trên mạng xã hội và các trang của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trung bình mỗi tháng, Nhà hát diễn từ 9 đến 12 buổi, cao điểm tháng 3.2025 lên tới 20 buổi. Các buổi diễn vào cuối tuần thường xuyên diễn ra vào khung giờ cố định là 20h, vào thứ Sáu, thứ Bảy, và Chủ nhật.

Vở kịch Đêm trắng do NSND Nguyễn Xuân Bắc dàn dựng đã được trao HCV cho vở diễn và 3 HCV cho diễn viên tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Vở kịch Đêm trắng do NSND Nguyễn Xuân Bắc dàn dựng đã được trao HCV cho vở diễn và 3 HCV cho diễn viên tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

.Điều dễ nhận thấy nhất chính là sự thành công của nhiều chương trình nghệ thuật, trong đó đều là các vở kịch chính luận, có cả những vở đề tài về cách mạng, Bác Hồ cũng rất ăn khách như Đêm trắng, Người tốt nhà số 5, Người trong cõi nhớ... đều bán vé doanh thu cao. Bí quyết gì khiến sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam nằm tại số 1 Tràng Tiền với diện tích nhỏ, nằm trong ngõ lại thu hút được khán giả?

- Đúng là Nhà hát Kịch Việt Nam có sự thiệt thòi và chịu sự cạnh tranh rất lớn so với các sân khấu khác trên địa bàn Thủ đô bởi hạn chế về diện tích cũng như địa điểm biểu diễn.

Điều này là sự nỗ lực của Ban giám đốc và Phòng tổ chức biểu diễn – truyền thông trong những năm gần đây đã xây dựng được một địa chỉ nghệ thuật riêng với lượng khán giả quen thuộc đến xem ổn định. Chúng tôi đã làm được một việc mà lâu nay chúng tôi khát khao, đó là hàng tuần sáng đèn sân khấu và bán vé trực tiếp cho khán giả.

Đầu tiên, chúng tôi phải số hóa tất cả thông tin, những công việc của nhà hát, bởi vì đó là một xu thế tất yếu nên ta phải tìm hiểu, tiếp cận càng sớm càng tốt.

Thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được nhận diện và xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội, và khán giả có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về các buổi diễn của nhà hát.

Lịch diễn của Nhà hát luôn được cập nhật liên tục trên các nền tảng mạng xã hội, khiến khán giả luôn dễ dàng theo dõi và không bỏ lỡ bất kỳ buổi diễn nào.

Rất nhiều khán giả đã chủ động tìm tới nhà hát để mua vé xem biểu diễn trực tiếp...

Đó là lý do có những khán giả chia sẻ họ không bỏ sót một vở diễn mới nào của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nhà hát Kịch Việt Nam có một dàn kịch mục biểu diễn với nhiều đề tài phong phú

Nhà hát Kịch Việt Nam có một dàn kịch mục biểu diễn với nhiều đề tài phong phú

Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chú trọng tới cách truyền thông các tác phẩm sân khấu, ngay từ các clip giới thiệu tác phẩm cũng được đầu tư khá kĩ lưỡng, chỉn chu và có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung.

Chúng tôi tự tin với chất lượng tác phẩm của mình và vì thế không có lý do gì để không quảng bá rộng rãi để mọi người biết đến.

Tư duy của chúng tôi là cứ 1.000 người biết sẽ có 100 người hỏi và 10 người quan tâm đến nhà hát, như thế đã là thành công.

.Ông có thể chia sẻ những tác phẩm sân khấu mà Nhà hát Kịch Việt Nam dự định sẽ diễn trong thời gian tới?

- Có thể tự hào rằng Nhà hát Kịch Việt Nam hiện có một số lượng tác phẩm lớn và đa dạng về đề tài. Trong kịch mục biểu diễn luôn sẵn sàng có các tác phẩm ở nhiều đề tài từ kinh điển đến hiện đại để đáp ứng mọi yêu cầu và sở thích của khán giả.

Tác phẩm kinh điển của Việt Nam và nước ngoài có: Kiều, Ả ca ve ở nhà hàng Maxim, Quan Thanh tra... Kịch đề tài chiến tranh cách mạng có: Đêm trắng, Bão tố Trường Sơn, Biệt đội báo đen...

Đặc biệt là chúng tôi có một chùm các vở kịch của Lưu Quang Vũ với những tác phẩm tiêu biểu như: Bệnh sĩ, Nguồn sáng trong đời, Người trong cõi nhớ, Người tốt Nhà số 5...

Ngoài việc diễn cố định vào cuối tuần thì Nhà hát Kịch Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng lưu diễn khi có hợp đồng biểu diễn.

Vở kịch "Ngược chiều bình an" khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cứu hỏa do NSƯT Kiều Minh Hiếu dàn dựng

Vở kịch "Ngược chiều bình an" khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cứu hỏa do NSƯT Kiều Minh Hiếu dàn dựng

Từ đầu năm 2025, các chương trình Xuân 25 - Valentine Đỏ, Điểm hẹn 8.3 là những sản phẩm “đón đầu” những dịp như Valentine 14.2, Quốc tế Phụ nữ 8.3... với các vở diễn đặc sắc: Người tốt nhà số 5, Kiều,Người trong cõi nhớ.

Với 3 đêm diễn đầy cảm xúc của Người tốt nhà số 5 đã đón hơn 500 lượt khách. Điểm hẹn 8.3 phục vụ hơn 1.200 khán giả trong 7 đêm diễn của tháng 3, chương trình đã mang đến một sân chơi nghệ thuật chất lượng, cũng như mang nghệ thuật kịch nói đến gần hơn với khán giả qua những tác phẩm nổi tiếng qua các vở kịch như Kiều và các tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Cá nhân tôi cũng rất hạnh phúc khi đón nhận những lời khen từ đồng nghiệp và chứng kiến cả những giọt nước mắt xúc động rơi từ khán giả khi xem vở kịch Ngược chiều bình an của tác giả Thiên Ân do tôi dàn dựng.

Từ câu chuyện có thật về sự hi sinh anh dũng của ba cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong khi làm nhiệm vụ.

Chúng tôi đã cố gắng tái hiện chân thực những nhiệm vụ hiểm nguy của người cảnh sát phòng cháy chữa cháy đồng thời đi sâu khai thác những yếu tố đời thường,những sâu thẳm trong nội tâm của người lính mới làm nên những điều vĩ đại.

Tháng 5 này, chương trình Tháng năm cùng Người, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), chào mừng kỉ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890), gợi nhớ về chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu (7.5.1954). Những tác phẩm sân khấu xuất sắc của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được diễn vào dịp này.

“Ngược chiều bình an” là một hiện tượng của sân khấu khi mang tới cho khán giả những khoảnh khắc xúc động

“Ngược chiều bình an” là một hiện tượng của sân khấu khi mang tới cho khán giả những khoảnh khắc xúc động

Theo gợi ý của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc, Nhà hát dự định hợp tác với Khu di tích Phủ Chủ tịch để diễn Chương trình Bác Hồ - Một tình yêu bao la với thời lượng khoảng 35 phút để phù hợp với lịch trình tham quan của du khách.

Việc mở rộng hợp tác với quốc tế luôn được chúng tôi chú trọng. Tháng 5.2025 này Nhà hát sẽ tổ chức một chuyến lưu diễn phục vụ kiều bào tại Lào và Thái Lan.

Mạnh dạn kết hợp với đạo diễn Hàn Quốc dựng nhạc kịch kỷ niệm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2.9. Đặc biệt, chúng tôi cũng đang làm việc để tác phẩm Bến không chồng hợp tác với Hàn Quốc với những dàn dựng rất ấn tượng đã biểu diễn thành công ở Hàn Quốc sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Cục NTBD Nhà hát đã chuẩn bị rất nhiều tác phẩm chất lượng để phục vụ nhiệm vụ chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

.Hiện Nhà hát Kịch Việt Nam có một đội ngũ đạo diễn trẻ hùng hậu, năng động, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc tạo đất cho đạo diễn trẻ hiện nay?

- Nếu không tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ “dụng võ” thì Nhà hát sẽ rất thiệt thòi và đánh mất đi cơ hội thành công cho chính thương hiệu của mình.

Chủ trương của Ban giám đốc là mỗi người đều phải làm việc, ai tự tin làm tốt ở lĩnh vực nào, sẽ có cơ hội để “tỏa sáng” ở lĩnh vực đó.

Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị đi đầu với nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa trong cộng đồng

Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị đi đầu với nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa trong cộng đồng

Chính nhờ sự tạo điều kiện của Ban giám đốc mà tôi và các đạo diễn khác như: NSND Tạ Tuấn Minh, NSND Lâm Tùng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Tùng Linh...

Bản thân NSND Xuân Bắc khi giữ trọng trách Giám đốc Nhà hát đã dàn dựng thành công vở Đêm trắng tạo ấn tượng rất tốt trong cách dàn dựng đầy bản lĩnh về đề tài Bác Hồ.

Để tạo nên thành công cho từng tác phẩm, Hội đồng nghệ thuật Nhà hát phải thực sự công bằng khi lựa chọn, cân nhắc từng tên tuổi đạo diễn, thành phần sáng tạo cho tới những cái tên nghệ sĩ tham gia.

Mỗi tác phẩm không chỉ mang dấu ấn của một cá nhân mà còn có sự trợ giúp và góp ý thẳng thắn, tham gia của cả một tập thể để cùng bồi đắp cho tác phẩm được hoàn thiện.

Về chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp, chúng tôi cũng yêu cầu diễn viên phải rất chuẩn chỉ trong từng vai diễn, kể cả quần chúng, nếu như ai cẩu thả hay như thế nào là tự loại mình ra khỏi tập thể.

Việc gìn giữ truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam đối với chúng tôi vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là một áp lực trách nhiệm rất lớn.

.Xin cảm ơn ông.

THÚY HIỀN (thực hiện)

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/nha-hat-kich-viet-nam-da-dang-cac-san-pham-nghe-thuat-126397.html