Nhà hát Nghệ thuật truyền thống: Nỗ lực vượt khó
Để tìm được chỗ đứng và hướng đi dưới áp lực cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Ban Giám đốc và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bùng phát đã nhân cái khó lên nhiều lần và buộc nhà hát phải xoay sở để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa bảo đảm đời sống cho người lao động.
Vở chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.
Có lẽ, trong nhiều năm trở lại đây, hiếm có khi nào mà hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống lại trầm lắng như năm 2020. Do tác động của đại dịch, mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật... gần như “đóng băng”, do quy định giãn cách xã hội và hạn chế tập trung đông người. Thực trạng ấy khiến nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ lễ tết và các sự kiện văn hóa, được nhà hát dàn dựng công phu, cũng buộc phải hủy bỏ, nên doanh thu bị giảm sút, khiến cuộc sống của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người lao động gặp không ít khó khăn.
Song, xác định vai trò của nhà hát trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao, nên ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhà hát đã nhanh chóng “bắt nhịp” trở lại. Điển hình là đơn vị đã tổ chức dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện như chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ( 29-7-1930 – 29-7-2020); kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam; lễ khai mạc, bế mạc Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 và trưng bày hình ảnh tiêu biểu về thành tựu trên các lĩnh vực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tập luyện và biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với đó, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, người lao động, nhà hát còn tích cực tham gia các sự kiện văn hóa như, biểu diễn phục vụ lễ dâng trống vào thành cổ Quảng Trị; lễ hội Đền Hàn... Ngoài ra, đơn vị còn tích cực tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các huyện Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh và các xã miền núi của Vĩnh Lộc, Hà Trung.
Bên cạnh công tác biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ Nhân dân, một nhiệm vụ quan trọng được nhà hát tập trung triển khai là khôi phục vở cũ và dàn dựng vở mới. Điển hình, nhà hát đã dàn dựng kịch bản chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2020 về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân”. Kết quả, vở diễn đã xuất sắc mang về 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc cá nhân và 1 Bằng khen của Bộ Công an cho tập thể Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Cùng với đó, các đoàn còn tích cực tập luyện và tham gia Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc (tháng 9-2020 tại TP Thanh Hóa), với thành tích 1 giải nhì hòa tấu và 1 giải nhì độc tấu; tham gia Liên hoan tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo, cải lương toàn quốc năm 2020, với thành tích 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 giải diễn viên triển vọng và 2 giải diễn viên trẻ nhất. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn xây dựng kịch bản và ghi hình 7 tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống dịch COVID–19 phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát...
NSƯT Nguyễn Hữu Chính, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, cho biết: Giữa bối cảnh khó khăn chồng chất thời gian qua, để có thể đạt được những kết quả kể trên, đòi hỏi sự nỗ lực vượt khó và tinh thần đoàn kết, sẻ chia rất lớn từ tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động của nhà hát. Đây cũng là cơ sở để năm 2021 này, nhà hát tích cực mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành nhằm mở rộng địa bàn hoạt động biểu diễn nghệ thuật khắp địa bàn trong tỉnh và vươn ra ngoài tỉnh. Từ đó, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Được biết, hiện nhà hát đang tiếp tục thực hiện chương trình sân khấu học đường tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Thông qua cách kể truyện, biểu diễn minh họa giúp học sinh hiểu thêm về các bộ môn nghệ thuật truyền thống, để có ý thức hơn trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc. Đồng thời, giúp các em thêm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa và thêm yêu quê hương xứ Thanh. Cùng với đó, nhà hát cũng đang tích cực khôi phục các trích đoạn, vở cũ và các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của quê hương. Từ đó, dàn dựng thành các chương trình nghệ thuật để tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân, góp phần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch giao, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đang rất cần sự hỗ trợ từ phía tỉnh và ngành trong việc bảo đảm kinh phí xây dựng vở diễn mới hàng năm cho 3 đoàn tuồng, chèo, cải lương. Việc tăng thêm kinh phí dàn dựng các vở diễn cũng là nhằm bảo đảm việc chi trả nhuận bút tác giả theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm cấp bổ sung kinh phí dành cho việc khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, có nguy cơ bị mai một, thất truyền của các dân tộc trên địa bàn.