Nhà khoa học 60 năm viết nhật ký bằng âm nhạc

'Nhà khoa học viết nhạc' là cái tên thân mật mà khán giả và đồng nghiệp thường gọi nhạc sĩ Lân Cường. Không chỉ nổi tiếng với những công trình khảo cổ học, người nhạc sĩ này còn dành tình yêu đặc biệt cho âm nhạc.

Ông đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong nền âm nhạc Việt Nam với những tác phẩm như: “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”; “Trên đỉnh cao vinh quang”; Việt Nam-Campuchia”; “Bài ca về những người lính đảo”

Vừa qua, tại Hà Nội, nhạc sĩ Lân Cường đã ra mắt công chúng tuyển tập ca khúc, hợp xướng chọn lọc “Nhật ký trên khóa Sol”. Đây là tuyển tập để người nhạc sĩ này nhìn lại chặng đường 60 năm sáng tạo nghệ thuật của chính mình.

Bên cạnh những công trình đồ sộ về nhân chủng học, những sáng tác của nhạc sĩ Lân Cường trong tuyển tập gồm hơn 60 ca khúc với những chủ đề đa dạng về tình cảm gia đình, người chiến sĩ, thiên nhiên… Nhạc sĩ đã vẽ nên một bức tranh âm nhạc sống động, đầy màu sắc về đất nước, quê hương.

Ngoài những sáng tác được nhạc sĩ viết từ nhiều năm trước và có chỗ đứng trong lòng khán giả. Tuyển tập còn giới thiệu những sáng tác mới nhất của các nhạc sĩ như “Chiều nay anh không về”- bài hát viết về các y sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Ca sĩ Đăng Dương biểu diễn trong chương trình ra mắt tuyển tập ca khúc, hợp xướng chọn lọc “Nhật ký trên khóa Sol”.

Cung bậc trong tiến trình sáng tạo âm nhạc ở tuổi 80

Tôi tìm gặp nhạc sĩ Lân Cường tại một bệnh viện ở Hà Nội vào trung tuần tháng 4 khi ông đang điều trị chấn thương ở chân. Mặc dù vừa trải qua cuộc phẫu thuật nhưng tinh thần người nhạc sĩ đang ở tuổi 80 vẫn rất lạc quan, giọng nói hào sảng khi kể về con đường đến với âm nhạc của mình.

Bìa cuốn sách “Nhật ký trên khóa Sol” của nhạc sĩ Lân Cường.

Bìa cuốn sách “Nhật ký trên khóa Sol” của nhạc sĩ Lân Cường.

“Năm 1951, khi đó tôi mới 10 đã bắt đầu làm quen với từng nốt nhạc. Thời kỳ đó, tôi học ở Trung Quốc. Cuối năm 1958, tôi về nước và học tại Trường Phổ thông 3A, nay là Trường PTTH Việt Đức (Hà Nội). Chính tại ngôi trường này, tôi đã viết ca khúc đầu tiên “Tiếng hát bản Mường” khi 19 tuổi. Nhưng vui sướng nhất là vào năm 1960, bản hợp xướng “Tiếng ca trên bè gỗ”, do tôi sáng tác, phối cho cả dàn nhạc dàn dựng và chỉ huy. Bản hợp xướng này đã đoạt giải Nhất trong Hội diễn của sinh viên và học sinh toàn thành phố”, nhạc sĩ Lân Cường cho biết.

Nhạc sĩ Lân Cường luôn tâm niệm một điều, vinh hạnh cho đời mình là được hai nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam là Hoàng Vân và Phạm Tuyên giới thiệu vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vinh dự ấy chính lại là lời nhắc nhủ ông trong cuộc đời hoạt động âm nhạc không chỉ trong sáng tác, trong vai trò chỉ huy hợp xướng, mà cả với trách nhiệm làm Phó chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội trong những năm vừa qua.

Đức tính khiêm nhường, chỉn chu trong âm nhạc của những người thầy mà nhạc sĩ Lân Cường luôn trân trọng như: Huy Du, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trọng Bằng, Chu Minh, Nguyễn Tài Tuệ, Ca Lê Thuần, Doãn Nho, Văn Dung, Hồng Đăng... là những tấm gương sáng để ông học hỏi, noi theo.

Nhạc sĩ Lân Cường nhớ lại: Mỗi chuyến đi công tác đều có những kỷ niệm không sao quên được. Tôi nhớ ngày tới công tác ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), địa danh ở Tây Nguyên nằm giáp biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, một vùng đất còn rất nhiều khó khăn. Tôi gặp một cháu bé người Brâu khoảng 8 tuổi, tôi hỏi cháu: Sau này con thích làm nghề gì? Làm bác sĩ hay kỹ sư? Cháu trả lời tôi: Con chỉ thích làm cô giáo để sau này dạy cho trẻ em của lũ làng biết đọc, biết viết”. Mùa đông năm 1966, tôi đến bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu), tôi cũng gặp một cháu bé, cháu cũng nói: “Cháu thích làm cô giáo vì nơi cháu ở các cô giáo miền xuôi không lên được, toàn các chú bộ đội dạy thôi. Câu chuyện ấy cứ in sâu vào tâm can tôi, và thế là những dòng nhật ký bằng nhạc đã được tôi hoàn thành bằng 2 ca khúc “Con thích làm nghề gì” và “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”. Hai ca khúc này đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nói về khả năng sáng tác của nhạc sĩ Lân Cường, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Trong âm nhạc có 7 nốt: Đô-rê-mi-fa-sol-la-si” và nốt thứ 8 quay lại nốt đô những cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của anh, từng bước, bước sau cao hơn bước trước và khi đã bước tới nốt thứ 8 là lúc anh đã đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo ở tuổi 80 của mình”.

"Gắn cuộc đời mình với âm nhạc"

Đó là nhận xét của PGS,TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về nhạc sĩ Lân Cường.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: Nhạc sĩ Lân Cường là một nhà khoa học - khảo cổ học, đã gắn liền cuộc đời mình với nghệ thuật âm nhạc. Khoa học là mối tơ duyên đã gắn kết hai thế giới tinh thần trong anh, đó là nghiên cứu - sưu tầm và sáng tạo. Tình yêu khát vọng vô bờ bến đã tiếp năng lượng soi sáng con đường sáng tạo của anh đi tới những thành công như hôm nay. Đây là một hiện tượng hiếm có (nếu không nói là duy nhất) trong giới âm nhạc, một điều mà bao người hằng mong ước. Phải yêu con người, yêu cuộc đời, yêu đất nước từ những tầng sâu thẳm của cuộc sống mới giúp anh có một năng lượng dồi dào, không vơi cạn để bền bỉ lao động sáng tạo.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh của anh là một nhà chỉ huy hợp xướng xuất hiện trên sân khấu với bước đi nhanh nhẹn, trong trang phục "đuôi tôm" đúng quy chuẩn, trên ngực lấp lánh huân chương, điều khiển dàn hợp xướng say sưa, đầy nhiệt huyết. Anh cùng với NSND Nguyễn Thiếu Hoa đã có công xây dựng dàn hợp xướng Hanoi Harmony của Hội Âm nhạc Hà Nội hơn 10 năm nay, biểu diễn nhiều nơi và ngày càng phát triển”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

 Nhạc sĩ Lân Cường.

Nhạc sĩ Lân Cường.

Nhạc sĩ Lân Cường sáng tác nhiều thể loại, từ hợp xướng, ca khúc cho các đối tượng: Thanh niên, sinh viên, công nhân, nông dân, chiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo... Trong đó có những bài ca xúc động về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chất âm nhạc trong nhạc sĩ Lân Cường toát lên tính tươi trẻ, yêu đời, lạc quan... Đối với các cháu thiếu nhi, nhạc sĩ này viết những bài ca giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hơn nữa, nhạc sĩ Lân Cường đã sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca của các dân tộc như: Thái, Mông, Tây Nguyên... vào các sáng tác của mình.

Những sự việc đã qua, những con người đã gặp đều được ông suy ngẫm và ghi chép vào quyển nhật ký bằng âm thanh, để chuyển thành hình tượng, giai điệu, kết tinh thành những bài ca chân thực, lắng đọng, chạm đến trái tim người nghe.

Nói về quá trình ghi chép nhật ký để viết nhạc, nhạc sĩ Lân Cường cho biết: Một lần tôi gặp em B.N ở trại cai nghiện. Tôi rất xúc động khi nghe em kể về cuộc đời mình. Ngay đêm đó, tôi đã viết ca khúc “Về đi em" - tác phẩm đoạt 2 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Sở Tư pháp Hà Nội. Cứ thể sau mỗi chuyến đi, thỉnh thoảng tôi lại ghi “Nhật ký ... trên khóa sol”.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhạc sĩ Lân Cường đã sáng tác hợp xướng. Đây là thể loại âm nhạc nhiều bè được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam. Bên cạnh những hợp xướng nổi tiếng như: “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc; “Sóng Tùng” của Doãn Nho; “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” của Tô Hải..., người nhạc sĩ này đã mạnh dạn cho ra đời hợp xướng “Bài ca địa chất” và tự mình dàn dựng, chỉ huy, biểu diễn trước công chúng Thủ đô. Chính bởi tình yêu và nhiệt huyết với âm nhạc đã giúp ông vượt qua hàng rào kỹ thuật để chinh phục một thể loại thanh nhạc khó và hiếm thời kỳ đó.

Dù trên chặng đường làm nhà khoa học hay viết nhạc thì nhạc sĩ Lân Cường luôn bộc lộ và cống hiến hết mình cho niềm đam mê mà ông theo đuổi. Để rồi, giờ đây khi đã bước vào tuổi “bát thập cổ lai hy”, ông vẫn tiếp tục dành những năm cuối đời để hoàn thành 3 chương: “Dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nỗi oan Lệ Chi Viên, Sống mãi với non sông” của bản giao hưởng “Nguyễn Trãi” mà ông đã từng ấp ủ bao năm qua. Gia tài của 60 năm sáng tác âm nhạc gồm 14 giải thưởng là động lực để người nhạc sĩ, nhà khoa học tiếp tục phấn đấu và đáp lại tình yêu của công chúng dành cho mình.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nha-khoa-hoc-60-nam-viet-nhat-ky-bang-am-nhac-657073