'Nhà khoa học bị săn đuổi' và cái chết bí ẩn gây xôn xao cả Trung Đông
Gần một tuần qua, cái tên Mohsen Fakhrizadeh đã trở thành tâm điểm của truyền thông và dư luận thế giới. Bởi, người mang cái tên ấy được đánh giá là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu, 'cha đẻ' của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bị săm soi, dòm ngó hết mức của Iran và là bậc thầy vũ khí của Iran.
Nhà khoa học được bảo vệ tuyệt đối
Hiếm có nhà khoa học nào thường xuyên nhận được sự bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối từ Chính phủ cầm quyền, không kém bất kỳ vị nguyên thủ nào như nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh. Theo nhiều tài liệu, đến cả các nhà điều tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cũng chưa bao giờ có thể tiếp cận nhà khoa học này. Là nhà khoa học nổi tiếng nhưng ông Fakhrizadeh chỉ thuộc dạng “biết tên mà không biết mặt” khi công chúng vừa gần như không thể tiếp cận ông càng hiếm khi thấy ông xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Thông tin về nhà khoa học này vì thế cực ít ỏi và khó có thể được kiểm chứng. Rất hiếm hoi, tháng 5/2011, tổ chức đối lập Hội đồng kháng chiến quốc gia Iran (NCRI) cung cấp một bức ảnh được cho là ông Fakhrizadeh, với mái tóc đen và để râu đồng thời tiết lộ ông Fakhrizadeh sinh năm 1958 tại thị trấn Qom.
Người Iran biểu tình sau khi xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Ảnh: Anadolu.
Tất nhiên, trên thực tế, không vô cớ để Mohsen Fakhrizadeh nhận được sự “biệt đãi” mà có lẽ chính bản thân Mohsen Fakhrizadeh chắc cũng không lấy gì thoải mái. Tuy nhiên, điều này lại vô cùng cần thiết cho sự an toàn của ông. Nhiều năm qua, với giới tình báo phương Tây, Mohsen Fakhrizadeh luôn là một cái tên “nóng” và nhà khoa học này luôn nằm trong danh sách những “mục tiêu” hàng đầu cần phải được để mắt tới liên tục. Thậm chí, Mohsen Fakhrizadeh được liệt vào danh sách 8 công dân Iran bị hạn chế đi lại quốc tế và hạn chế giao dịch tài chính theo một nghị quyết năm 2007 của Liên hợp quốc.
Đơn giản, bởi với họ, Mohsen Fakhrizadeh… “quá nguy hiểm”. “Quá nguy hiểm” bởi theo phương Tây, ông là người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Phòng thủ (SPND) của Bộ Quốc phòng Iran đồng thời là giáo sư vật lý tại Đại học Imam Hussein của Tehran, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động “hỗ trợ phương diện quân sự cho chương trình hạt nhân”, có tên gọi là “kế hoạch AMAD” - nhận định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Nhưng, nguy hiểm hơn nữa, trong nhìn nhận đầy nghi ngờ của tình báo Mỹ, Irael cùng một số quốc gia phương Tây và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhà khoa học này là người đứng đầu “chương trình phát triển bom nguyên tử bí mật” của Iran (được cho đã hoãn năm 2003) rằng ông là người đóng vai trò chủ chốt trong công trình nghiên cứu chế tạo phương tiện để lắp ráp đầu đạn hạt nhân phía sau vỏ bọc một chương trình làm giàu uranium phục vụ mục đích dân sinh.
Nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán. Phía Iran thì một mực phản đối, phủ nhận. Chỉ một lần duy nhất, tháng 11/2018, Bộ Quốc phòng Iran xác nhận ông Fakhrizadeh là người đứng đầu Tổ chức Cải cách và Nghiên cứu thuộc Bộ này. Còn bản thân Mohsen Fakhrizadeh thì đương nhiên không ai tiếp cận được và bản thân ông luôn luôn chỉ sở hữu sự im lặng.
Chỉ có một thực tế là Mohsen Fakhrizadeh là nhà khoa học Trung Đông bị săn đuổi bậc nhất những năm qua. Rất ít thông tin về điều này. Dường như chỉ một lần duy nhất năm 2018, cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert, trong một lần trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Kan đã hé lộ việc ông Fakhrizadeh có thể là mục tiêu bị tấn công. Việc mới đây, nhiều tờ báo đưa ra phỏng đoán về cái chết của Mohsen Fakhrizadeh, rằng một biệt đội lên tới khoảng 62 người được cho là đã lên kế hoạch kỹ lưỡng và ra tay sát hại, cũng đã cho thấy sự “bị săn đuổi” gắt gao tới mức nào của ông Mohsen Fakhrizadeh.
Vụ ám sát nhiều bí ẩn
Cho tới thời điểm này, dù rất ồn ào nhưng việc Mohsen Fakhrizadeh bị giết như thế nào, thậm chí có thực sự là bị ám sát hay không, vẫn hoàn toàn chưa có manh mối gì rõ ràng. Tất cả đều dừng lại ở giả thuyết và rất khác nhau.
Một số báo cáo thì cho rằng ông Mohsen Fakhrizadeh bị một nhóm tay súng chặn lại trên đường sau khi đi vào khu vực Aabsard gần Tehran vào khoảng 14h30 chiều ngày 27/11 (giờ Iran) và sau đó các tay súng xả đạn vào ông này. Nhiều tờ báo cho rằng nhóm này lên tới 62 người, được chia làm hai mũi: một mũi gồm 50 người, làm công tác “tiền trạm” cho vụ ám sát là đã ngắt toàn bộ lưới điện tại khu vực để cản trở việc phản ứng, cấp cứu sau khi tấn công. Sau đó, mũi thứ 2 gồm 12 người, đi trên một chiếc xe hơi và 4 xe mô tô tiếp cận và nã đạn vào xe của ông Fakhrizadeh. Còn kênh truyền hình Israel “i24news” thì cho rằng ông Mohsen Fakhrizadeh đã bị bắn bằng một khẩu súng máy điều khiển từ xa gắn trong một chiếc ô tô trên đường.
Hiện trường vụ sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: FARS
Quá nhiều giả thuyết được đưa ra, tuy nhiên, theo phản ứng của nhiều người dân Iran, dù là nhà khoa học của họ đã bị giết theo cách nào thì việc để một tài năng như ông bị đối phương dễ dàng trừ khử ngay giữa thanh thiên bạch nhật là sự tắc trách khó có thể chấp nhận được của các cơ quan an ninh - tình báo của Iran. Thêm vào đó, Mohsen Fakhrizadeh cũng không phải là nhà khoa học đầu tiên của Iran ra đi bí ẩn. Trước đó, hàng loạt nhà khoa học của nước này đều được cho là bị ám sát hết sức khó hiểu.
Dầu đã đổ vào “chảo lửa Trung Đông”
Với những nhà khoa học hàng đầu ở một lĩnh vực hạt nhân quan trọng và khó nhằn như Mohsen Fakhrizadeh, không hề ngạc nhiên khi ông Mohsen Fakhrizadeh được xem là một báu vật. Vì thế, việc ai đó làm tổn hại tới “báu vật” thì đương nhiên đó là sự không thể chấp nhận được. Nhất là khi phía Iran ngay từ đầu đã một mực khẳng định cái chết của Mohsen Fakhrizadeh là một âm mưu và chỉ đích danh kể chủ mưu duy nhất là Israel.
Tướng chỉ huy lực lượng vũ trang Iran Hossein Dehghan tuyên bố thẳng thừng trên Twitter rằng Israel đã cố tình sát hại ông Fakhrizadeh để kích hoạt một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran, tranh thủ những ngày còn lại trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Donald Trump. Cũng theo ông Hossein Dehghan, Iran sẽ đáp trả khốc liệt về sự cố tình này. “Chúng ta sẽ tấn công như sấm sét vào những kẻ đã sát hại ông ấy và khiến những kẻ đó phải sám hối vì hành động của mình” - ông Hossein Dehghan nhấn mạnh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì cáo buộc Israel tìm cách gây “hỗn loạn” bằng cách thực hiện vụ sát hại ông Fakhrizadeh đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc “vào thời điểm thích hợp”. Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri tuyên bố sẽ trả thù quyết liệt với những người đứng sau vụ ám sát nhà khoa học Iran rằng cái chết của ông Mohsen Fakhrizadeh là “một đòn đau đớn, nặng nề” giáng vào Iran và những người Iran sẽ không an tâm cho tới khi săn lùng và trừng phạt được những kẻ liên quan tới vụ việc.
Ngoại trưởng Iran viết trên Twitter: “Những kẻ khủng bố đã sát hại một nhà khoa học lỗi lạc của Iran ngày nay. Sự hèn nhát này - với những dấu hiệu quan trọng về vai trò của Israel - cho thấy sự gây hấn liều lĩnh của các thủ phạm”.
Một số nghị sĩ Iran cũng cáo buộc Mỹ có liên quan đến vụ tấn công. Phía Iran cũng đã đưa ra những lời đe dọa rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với “sự trả thù khủng khiếp khiến họ phải hối hận về quyết định của mình”.
Giới chuyên gia nhận định, vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh có thể khiến quan hệ giữa Iran với Israel và phương Tây căng thẳng hơn nữa và sẽ gây thách thức lớn cho chính quyền tương lai của ông Joe Biden. Dư luận và giới phân tích cũng lo ngại có thể dẫn đến những bất ổn và căng thẳng nghiêm trọng mới tại khu vực Trung Đông. Trước thực tế này, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế hành động. Ngày 29/11, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh đẩy khu vực Trung Đông rơi vào bất ổn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực.