'Nhà khoa học của nông dân'
Hạn mặn đang hoành hành ở ĐBSCL, nông dân đau đớn nhìn ruộng lúa tươi tốt chuyển sang cằn cỗi, khô héo. Trong bối cảnh đó, tôi chọn nhân vật 'nhà khoa học nông dân' Hoa Sĩ Hiền (ngụ xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang) để kể lại một câu chuyện phòng, chống thiên tai.
“Lão” là từ tự xưng của ông Hiền, dù ông mới bước sang ngũ tuần. Ông đã lai tạo được hơn 50 giống lúa chống chịu hạn mặn, hỗ trợ nông dân xa gần bằng tấm lòng thơm thảo. Ông cũng là một nông dân nặng lòng với thực trạng của biến đổi khí hậu.
Chiến tranh, nghèo khó, nên ông chỉ học đến lớp 6. Có 5 công đất trong tay, ông sản xuất trật vuột, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân địa phương vận động ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…
Năm 2004 đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong đời: ông được tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân kỹ thuật lai tạo giống lúa trong thời gian 3 tháng. Lớp hơn 30 người, chỉ mình ông tiên phong sử dụng mấy công đất nhà để thử nghiệm lai tạo, góp phần xã hội hóa giống lúa cộng đồng. Dần dần, ông được tạo điều kiện học thêm nhiều khóa tập huấn nâng cao.
Năm 2009, tình cờ nghe trên phương tiện thông tin đại chúng rằng thời gian tới, ĐBSCL sẽ có tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu khá nặng nề. Ông chợt nhận ra mình phải làm gì: tìm cách lai tạo cho bằng được giống lúa chịu hạn mặn.
Nghĩ là làm, ông nhờ người tìm lúa ma ở tận U Minh Thượng (Kiên Giang) đem về, theo dõi đặc điểm của nó, tiến hành lai tạo. Sau nhiều thử thách, khó khăn, cuối cùng ông cũng mang đến cho đời giống TC7 chịu được mặn. Kể từ đó về sau, trong suốt 16 năm, ông đã lai tạo hơn 50 giống lúa, được đặt tên từ TC1 đến TC30, SH31 đến SH50.
“Tôi nghe cha mẹ kể lại, thuở mở đất khai hoang, canh tác lúa cực kỳ khó khăn. Đất phèn mặn, lúa không sống nổi, mà nếu có sống thì năng suất rất thấp. Ước muốn của cha mẹ tôi và mỗi nông dân cực khổ trên cánh đồng, chỉ là: làm sao cho lúa đạt sản lượng cao, đủ ăn rồi bán kiếm thu nhập chút ít. Cả đời họ trăn trở, tìm mọi cách cải tạo đất, xả phèn… nhưng đều không hiệu quả. Đến lượt mình nối nghiệp, tôi cố gắng tìm hiểu từ bạn bè, thông tin đại chúng: có giống lúa nào chịu hạn mặn, chịu phèn tốt hơn những giống thông thường? Cuối cùng, tôi biết đến chú Hoa Sĩ Hiền” - anh Phạm Thanh Vũ (sinh năm 1996, ngụ xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) chia sẻ.
Canh tác được một thời gian, anh Vũ nhận thấy, năng suất từ các giống lúa của ông Hiền không hề thua kém các giống lúa đang được trồng ở địa phương. Khả năng tự tổng hợp dinh dưỡng của chúng khá cao, thích ứng điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
Đất khô cằn, nứt nẻ, 20 ngày nay không có một giọt nước nào, nhưng cây lúa vẫn tươi tốt, cho năng suất bình thường. Trong khi đó, chỉ cần hơn 15 ngày không có nước, lúa sẽ khô héo, chết dần. Chính vì thế, những giống lúa của “lão Hiền” càng trở nên đặc biệt. Không chỉ vậy, lúa được trang bị thêm khả năng chịu phèn khá tốt, thích ứng với khu vực đất miền Tây này.
Cánh đồng của Vũ là một trường hợp điển hình cho sự thành công của ông Hiền. Nhưng phía sau thành công luôn là nỗ lực không mệt mỏi của ông. Xuất phát điểm rất thấp, ông nghiên cứu lai tạo giống lúa bằng cảm tính và các giác quan của mình.
Để tìm hiểu thực tế, ông đến nhiều cánh đồng hạn mặn khắp nơi trong cả nước. Nhưng các công nghệ, thiết bị trong nghiên cứu khoa học chưa có nhiều, bản thân ông không đủ điều kiện tiếp cận. Vậy là, ông dùng miệng nếm thử từng mẫu đất, mẫu nước.
Vị chát, vị chua ngập tràn trong miệng, nhưng giúp cho ông phân biệt chất lượng đất. Nếm mãi thành quen, sau 5-6 năm, ông đủ kinh nghiệm để xác định độ pH, độ mặn, natri tồn đọng trong đất gần chính xác với thiết bị đo đạc chuyên dụng (chỉ lệch 1-2 phần ngàn).
Với những đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, lai tạo giống lúa, ông Hiền nhận được rất nhiều bằng khen các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trở thành điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực. Người ở xa, chưa từng tiếp xúc với ông, nghĩ chắc mẫm ông giàu có lắm, biết bao giống lúa tốt được đưa nhân rộng ở nhiều cánh đồng như thế cơ mà!
Nhưng ông vẫn như trước kia, miệt mài vào từng bông lúa, mặc kệ chiếc áo mòn vai sờn rách, mặc kệ cả tiếng chê khen của người đời. 10 năm trở lại đây, những thành quả ông nghiên cứu ra được, hễ giúp ích cho nông nghiệp, nông dân, ông chia sẻ toàn bộ, không giữ lại gì riêng mình.
“Nhiều công ty ngỏ lời muốn nhượng quyền một số giống lúa (vài trăm triệu đồng cho 1 giống lúa), nhưng tôi thẳng thừng từ chối khi biết được họ muốn độc quyền kinh doanh thu lợi cao, thu lợi từ nông dân mình. Đó là điều tôi đại kỵ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng tôi gàn dở, lập dị. Nhưng họ đâu hiểu được, tôi là người sống trong cộng đồng, nên phải có trách nhiệm vì cộng đồng, không thể vì lợi ích cá nhân hay một tổ chức nào. Đã lai tạo giống lúa vì mục đích phục vụ bà con nông dân, mà lại đi bán lúa giá cao, thì làm sao nông dân tiếp cận được lúa?” - ông Hiền tâm sự.
Xã hội đang hướng về câu chuyện ĐBSCL khát nước ngọt, cùng nỗ lực vượt qua thách thức bằng mọi giải pháp. Ở một vùng biên giới đầu nguồn An Giang, gần 20 năm nay, đã có một “lão Hiền” chắt chiu tìm “ngọt”. Hành trình ấy vẫn sẽ tiếp diễn và thành công, nếu “lão” được tiếp thêm sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần, để những “đứa con vàng ngọc” nối đuôi nhau ra đời, để góp một chút sức lực nhỏ bé chinh phục thiên tai, tìm lại màu xanh cho cây lúa trên đồng!
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-nha-khoa-hoc-cua-nong-dan--a268329.html