Nhà khoa học nữ dành tình yêu đặc biệt cho cây lúa
Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, genome học cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.
Công trình khoa học đồ sộ
Năm 2019, công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” của GS.TS Nguyễn Thị Lang là một trong 4 công trình khoa học vinh dự nhận được Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhờ tính ứng dụng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đặc biệt, GS Lang còn là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, nhờ có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao.
Sinh ra tại Bến Tre; sau khi tốt nghiệp ngành sinh học tại Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, bà trở về công tác tại Sở Khoa học tỉnh Bến Tre ở cương vị Phó trưởng phòng Kế hoạch Khoa học. Từ năm 2006 - 2012, bà chuyển công tác đến Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long ở cương vị Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống.
Trong suốt quá trình công tác và làm việc, bà luôn dành tình yêu đặc biệt cho cây lúa. GS đã không ngừng nghiên cứu về di truyền – giống, di truyền phân tử, công nghệ sinh học, về chuyển gien và chuyển giao kỹ thuật… Đây là những vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất và chất lượng lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam.
Hiện tại, mặc dù đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục công tác ở vị trí nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học Trường Đại học Cửu Long.
Công trình khoa học của GS Lang được giới thiệu tại Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa 2019 - Ảnh: T.A
Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia… Từ năm 2011 - 2015, đã có 334 công trình khoa học được công bố với 59 hội thảo khoa học quốc tế được tiến hành.
Là một nhà khoa học gắn liền với cây lúa, hàng ngày làm bạn với người nông dân, nữ GS thấu hiếu những nỗi vất vả, sự khó khăn mà người nông dân phải đối mặt. Hơn 10 năm ròng rã, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, dân gian gọi là “lúa ma”, là một loại lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười.
“Trái ngọt” chính là giống lúa mới mang tên AS996 đã ra đời, trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. Sau đó, hàng chục giống lúa chịu mặn tiếp tục ra đời như OM4498, OM5930, OM4900, OM6073… Đến nay, bà đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.
Hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đang nghiên cứu thêm các giống lúa có tính kháng đối với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, ngập, nóng và mặn.
Hiện GS vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm các giống lúa mới - Ảnh: T.A
Phần thưởng không của riêng mình
Tại Lễ trao giải Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019, phát biểu trước hàng trăm nhà khoa học, bà Lang chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ rằng đây là phần thưởng của riêng mình. Đây chính là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, với biết bao công trình hợp tác quý báu của các đồng nghiệp”.
Chia sẻ về hoạt động làm khoa học, GS Lang cho rằng chúng ta luôn đứng trước ranh giới của sự kế thừa và sự sáng tạo ra cái mới. Nếu không biết kế thừa những tinh hoa của quá khứ sẽ không thể tìm ra cái gì mới hơn cho phát triển trong hiện tại. Nhưng nếu chỉ có trân trọng và kế thừa quá khứ mà không hề sáng tạo, chúng ta sẽ hổ thẹn với tương lai vì không đáp ứng yêu cầu mới luôn luôn phát triển.
GS.TS Nguyễn Thị Lang tin tưởng giới khoa học sẽ phải khẳng định được thế và lực của mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam, để Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một Trung tâm khoa học có tính chất hàn lâm, một địa bàn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đáng tin cậy của bà con nông dân.