Nhà khoa học nữ tìm ra cách trị bệnh phong
Sau khi bà Alice Ball qua đời vào năm 1916, khi mới 24 tuổi, đã có một quý ông da trắng kế tục sự nghiệp nghiên cứu của bà nhằm hoàn thiện phương pháp điều trị bệnh phong. Tác giả bài viết là bà Kathleen, một nhà văn kiêm biên tập viên sống ở Honolulu (Hawaii), với nhiều bài viết đã được công bố trên các báo và tạp chí nổi tiếng như New York Times, Vice, Cut, Insider…
Thành tựu đột phá
Ở hướng Đông của khu học xá Manoa của Đại học Hawaii có trồng một cái cây cao độ 7,6m, cây có những lá hẹp và cho thứ quả màu nâu mịn như nhung, nó là vật để tưởng nhớ về bà Alice Augusta Ball, người phụ nữ đầu tiên và cũng là nữ sinh người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được bằng Thạc sĩ tại ngôi trường này. Có tên là Đại Phong Tử (Chaulmoogra), cây đó được trồng từ năm 1935 nhằm tôn vinh công trình nghiên cứu đột phá của bà Alice Ball trong điều trị bệnh Hansen’s, tức bệnh phong hủi.
Là một nhà hóa học tại trường (khi đó là Cao đẳng Hawaii) vào giữa thập niên 1910, bà Alice Ball đã phát triển ra một trong những phương pháp đặc trị đầu tiên của chứng nhiễm trùng mãn tính, bằng cách chiết xuất dầu từ hạt của trái Đại Phong Tử để tiêm vào máu bệnh nhân.
Trước khi ra đời thuốc kháng sinh Sulfone vào thập niên 1940, cái gọi là Phương pháp Ball là một trong những cách trị bệnh phong hủi chủ yếu, nó tác động lên thần kinh và da, cũng như làm biến đổi đáng kể các chi của người. Tuy nhiên, suốt hàng thập niên, người phụ nữ đứng sau khám phá này đã bị bỏ qua, khi mà những thành tựu trong cuộc đời ngắn ngủi của bà đã bị quên lãng khi mà nam giới làm khoa học vẫn chiếm ưu thế khi đó.
Ông Paul Wermager, một thủ thư, người vừa mới nghỉ hưu sau 20 năm phục hồi cuộc đời và di sản của bà Alice Ball, phát biểu: “Vì chúng tôi không thể làm cho bà Alice sống lại, nên chí ít chúng tôi sẽ kể chuyện đời bà ấy một cách chân thành và cặn kẽ nhất để mọi người biết về công việc xuất sắc của bà trong ngày hôm nay và tương lai. Alice và công việc của bà có thể giáo dục và giúp truyền cảm hứng cho người khác làm những việc tưởng rằng không thể”.
Ngoài việc mở ra cánh cửa cho phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính trong giới học thuật vào đầu thế kỷ 20, thì câu chuyện của Alice Ball còn lộ sáng một chương đen tối trong lịch sử Hawaii. Từ giữa năm 1866 và 1969, chính quyền đã cưỡng chế di dời hơn 8.000 bệnh nhân phong hầu hết là người thổ dân Hawaii đến bán đảo Kalaupapa.
Trong khi những người da trắng mắc bệnh phong được cho phép rời khỏi Hawaii để tìm thuốc điều trị trên đất liền, thì những người gốc Phi khác bị đày đến thuộc địa mà họ sẽ mãi ở đó suốt đời hay chí ít là luật cách ly mãi đến tận năm 1969 mới được gỡ bỏ. Ông Doug Herman, giám đốc điều hành (CEO) của Viện thế giới Thái Bình Dương (PWI, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn và chia sẻ văn hóa người Hawaii và Micronesia, nhận xét: “Nó là một tiêu chuẩn kép hoàn toàn, một thứ cổ điển trong suốt thời kỳ đó”.
Trại phong lớn nhất Hawaii
Có thể do các công nhân đồn điền mang đến từ Châu Á và Châu Âu, bệnh phong lây lan rất nhanh, gây bệnh cho 274 người trên quần đảo Hawaii vào năm 1866. Năm 1865, vương quốc Hawaii đã ra lệnh thành lập một bệnh viện phong trên khuôn viên đất rộng 323 ha thuộc bán đảo Kalaupapa. Những bệnh nhân phong tiến triển nặng sẽ bị tạm giữ và đày biệt xứ đến Kalaupapa; còn những người mắc ở dạng nhẹ sẽ được điều trị trong các bệnh viện và sau đó thả ra.
Từ rất lâu, phong hủi đã trở thành một căn bệnh bị kỳ thị nặng nề, bệnh nhân thường bị cả xã hội xa lánh, hoặc bị cách ly nhằm ngăn ngừa bệnh lây lan. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, giới chức đã thiết lập nhiều “trại phong” trên khắp đất Mỹ, từ Carville (Louisiana) cho đến duyên hải tiểu bang Massachusetts. Kalaupapa trở thành lãnh địa phong hủi lớn nhất trong số đó với hơn 1.100 người mắc (tất cả đều là người thổ dân Hawaii) vào lúc đỉnh cao trong năm 1890.
Nằm lọt thỏm giữa những vách đá cao tới 610m, trại phong Kalaupapa chỉ có thể tiếp cận được bằng thuyền (sau này là máy bay), cưỡi la, hoặc đi bộ. Buổi ban đầu thì các bệnh nhân sống rất khổ sở và thiếu thốn. Rồi thì các nhà truyền giáo cùng các tình nguyện viên tìm tới đã giúp bệnh nhân phong biến viện phong thành một cộng đồng, có nhà thờ, quán bar, cửa hàng, nhà hát... Một số cư dân làm thư ký, bồi bàn, ngư dân và cả y tá viện phong.
Với các bệnh nhân phong là trẻ em, các nhà truyền giáo đã thành lập những ngôi nhà cộng đồng cho bọn trẻ nương náu khi không có cha mẹ đi kèm. Gia đình được phép thăm các bệnh nhân phong nhưng họ bị bắt buộc phải ngủ nghỉ ở nơi khác trong lãnh địa phong và trò chuyện với thân nhân thông qua tấm lưới mắt cáo. Nếu bệnh nhân trốn khỏi trại phong, họ sẽ trở thành đối tượng bị theo dõi và có thể bị bắt lại bởi những người săn tiền thưởng. Chính quyền Hawaii đã bắt hàng ngàn trẻ em được sinh ra bởi cha mẹ mắc bệnh phong ở Kalaupapa, sau đó cho chúng đi làm con nuôi và che giấu nguồn gốc để tránh trẻ bị kỳ thị.
Nữ khoa học gia và cuộc chiến chống bệnh phong
Bà Alice Ball sinh ra ở thành phố Seattle vào ngày 24 tháng 7 năm 1892, cha bà là một biên tập viên báo chí, nhiếp ảnh gia và luật sư người gốc Phi tên là James Presley Ball Jr.; còn mẹ là bà Laura Louise Howard Ball, một nhiếp ảnh gia người da trắng. Cô bé Alice lớn lên trong gia đình thành phần trung lưu, danh giá.
Ông nội bà là James Presley Ball, một nhiếp ảnh gia người Phi vô cùng nổi tiếng khi đã chụp ảnh chân dung của các cá nhân nổi tiếng như người theo chủ nghĩa bãi nô Frederick Douglass, ca sĩ opera Jenny Lind và văn hào Charles Dickens. Tròn 10 tuổi, gia đình Alice dọn tới Honolulu với hy vọng thời tiết ấm áp sẽ giúp chữa lành căn bệnh viêm khớp của ông nội. Ngay từ thời học sinh tiểu học, Alice đã nổi tiếng thông minh khi so sánh với các bạn học cấp hai, theo lời ông Paul Wermager, người từng đứng đầu phòng khoa học và công nghệ của Thư viện Hamilton, Đại học Hawaii suốt hàng thập kỷ.
Khi ông nội của Alice Ball tạ thế vào năm 1904, cả nhà Alice Ball lại chuyển đến Washington. Vóc dáng nhỏ bé do mắc chứng hen kinh niên, Alice Ball đã tham gia câu lạc bộ kịch tại trường trung học. Trong cuốn kỷ yếu năm 1910 nhân lễ tốt nghiệp của mình, Alice Ball đã thể hiện tham vọng của bản thân: “Tôi làm việc không biết chán, và dường như vẫn chưa việc gì ra hồn”. Thế rồi, Alice Ball đi học Đại học Washington, kiếm 2 bằng cử nhân trong 4 năm học: đầu tiên là bằng hóa dược vào năm 1912, và bằng dược học trong năm 1914.
Theo ông Paul Wermager thì thuở còn là sinh viên, lice Ball đã có bài viết được đăng trên Tạp chí Hội hóa học Hoa Kỳ, tạp chí hóa học uy tín nhất thời kỳ đó. Sau khi tốt nghiệp, Alice Ball trở lại ngôi nhà thời thơ ấu ở Hawaii để kiếm bằng Thạc sĩ hóa. Và tốt nghiệp năm 1915, Alice trở thành nữ giảng viên hóa học người gốc Phi đầu tiên của Đại học Hawaii. “Alice Ball chắc chắn là một người tiên phong, một hình mẫu”, theo phát biểu của ông Philip Williams, Chủ tịch hiện tại của khoa Hóa, Đại học Hawaii”.
Lúc còn là học viên cao học, bà Alice Ball đã tham gia vào nghiên cứu các thành phần hóa học của thực vật, đặc biệt là củ Awa (còn có tên khác là Kava). Ở Hawaii, củ Awa được coi là thuốc trị bách bệnh, từ mất ngủ, nhức đầu, rối loạn thần. Bà Alice Ball nghiên cứu về chất chua, khả năng hòa tan và nhựa của củ Awa nhằm tìm hiểu xem nó có thể được tiêm vào cơ thể bệnh nhân để trị bệnh hay không.
Nghiên cứu của bà Alice Ball đã thu hút sự chú ý của ông Harry T. Hollmann, vị bác sĩ đang dùng dầu hạt Đại Phong Tử để trị chứng phong hủi dạng nhẹ. Dù dân Châu Á đã dùng loại dầu này để trị các bệnh về da suốt nhiều thế kỷ, nhưng mãi đến năm 1854, bác sĩ người Anh-Frederic John Moaut mới giới thiệu các đặc tính y học của nó trong thế giới phương Tây. Các thầy thuốc phương Tây tỏ ra lúng túng trong việc sử dụng hiệu quả dầu Đại Phong Tử: uống thì gây buồn nôn, còn tiêm thì gây ra chứng áp xe da rất đau đớn.
Năm 1915, bác sĩ Hollmann tuyển dụng Alice Ball nhằm giúp tìm ra cách dễ tiêm dầu thuốc hơn. Lúc đó người thổ dân Hawaii đang đối mặt với đại dịch phong hủi, một chứng truyền nhiễm mãn tính do vi khuẩn phát triển chậm gây ra. Bệnh phong ảnh hưởng tới con người ở mọi lứa tuổi, và các triệu chứng bệnh có thể hình thành bất kỳ lúc nào từ 1 đến 20 năm sau khi nhiễm bệnh. Bệnh phong được nhắc lần đầu tiên ở Hawaii vào năm 1835: “Người Hawaii trải qua nhiều đợt dịch bệnh trước khi bị bệnh phong tấn công, kiểu như ho gà, quai bị và kiết lỵ. Dân số bị suy giảm nặng nề”. Phần lớn sự tàn phá này có thể bắt nguồn từ những căn bệnh do các nhà truyền giáo và thực dân phương Tây đưa vào.
Khi tập trung vào công việc giảng dạy tại đại học hoặc làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh, bà Alice Ball thường mò mẫm trong phòng thí nghiệm nhằm tìm ra cách khiến tinh dầu Đại Phong Tử hòa tan trong nước. Được sự hỗ trợ bởi ông Arthur L. Dean (Giáo sư hóa và sau đó là Chủ tịch của Đại học Hawaii), Alice Ball đã đạt được thành tựu chỉ trong 1 năm.
Năm 1915, bà Alice Ball đã đóng băng acid béo của dầu Đại Phong Tử nhằm cô lập ra hợp chất Ester mà có thể tạo nên một dạng thuốc tiêm ở dạng nước hòa tan và hiệu quả. Năm 1916, bà Alice Ball được cho là đã hít phải khí Clo trong khi đang trình bày cách dùng mặt nạ phòng độc và bị ốm nặng (ngoài ra rất có thể bà đã mắc phải bệnh lao khi nó được liệt kê là nguyên nhân cái chết trong giấy chứng tử của bà). Người mẹ đã đem con gái Alice quay lại Seattle và bà đã qua đời ngay đêm giao thừa ở tuổi 24.
Trả lại công lao cho nhà khoa học
Sau khi Alice Ball mất, Giáo sư Arthur L. Dean đã thực hiện một số điều chỉnh nhỏ trong khám phá của Alice trước khi công bố thành tựu, nhưng ông này lại tuyên bố là do công sức của mình. Được gọi là Phương pháp Dean, cách trị phong đã chứng minh hứa hẹn. Theo một báo cáo năm 1922 của Bộ Nội vụ Mỹ thì Phương pháp Dean đã chứng minh hiệu quả ở những trường hợp bệnh phong nặng. Từ giữa năm 1919 và 1923, không có bệnh nhân phong nào bị đày đến Kalaupapa, thay vào đó họ được chữa trị tại bệnh viện Kalihi và cho xuất viện.
Theo Cục công viên quốc gia Hoa Kỳ (NPS) thì ban đầu giới chức hy vọng rằng trị liệu bằng dầu Đại Phong Tử sẽ chứng minh hiệu quả đủ cho họ đóng cửa trại phong Kalaupapa. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1930, niềm tin vào dầu thuốc trị phong đã suy yếu. Sang thập niên 1940, một phương pháp trị phong hiệu quả cao đã ra đời bằng sự khai sinh thuốc kháng sinh Sulfone.
Tiểu bang Hawaii đã bãi bỏ luật cách ly cưỡng ép vào năm 1969, mang đến cơ hội rời khỏi lãnh địa phong Kalaupapa, tuy vậy nhiều cư dân lâu năm đã chọn cách ở lại nơi này, nơi họ xem là nhà. Tính đến năm 2021, trại phong Kalaupapa (giờ đây là một phần của Công viên lịch sử quốc gia) có khoảng 10 người là các bệnh nhân phong, và khoảng từ 80 đến 100 người đã làm việc trên hòn đảo này từ rất lâu. Ngày hôm nay, bệnh phong có thể trị khỏi, song nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới hàng vạn người mỗi năm.
Năm 2020, WHO ghi nhận có 127.558 bệnh nhân phong mới trên toàn cầu, hơn một nửa là người Ấn Độ. Những cống hiến của nhà khoa học Alice Ball trong điều trị bệnh phong đã bị bỏ quên trong suốt nhiều thập niên. Trong một bài báo công bố vào năm 1922, bác sĩ Hollmann đã ghi công cho bà Alice Ball: “Sau một lượng lớn công việc, cô Alice đã giải quyết khó khăn cho tôi bằng cách làm ra Ethyl ester từ acid béo tìm thấy trong dầu hạt Đại Phong Tử”.
Gần đây hơn, một nhà nghiên cứu về hưu đến từ Baltimore (tiểu bang Maryland) tên là Stan Ali cũng đã trả lại công lao cho bà Alice Ball. Trong hành trình tìm kiếm danh tính bà Alice, ông Ali đã gặp gỡ ông Paul Wermager, người cũng đang tìm kiếm cuộc đời của bà Alice từ năm 1988, và các đồng nghiệp của ông ở Đại học Hawaii. Phát biểu với báo Honolulu Star-Bulletin vào năm 2000, ông Ali đã ghi nhận công lao xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và giới tính của bà Alice.
Cây Đại Phong Tử được trồng ở khu học xá Manoa thuộc Đại học Hawaii vốn là món quà của Vua Prajadhipok nước Xiêm (Thái Lan ngày nay) từ năm 1935. Đến năm 2000, một tấm bảng bằng đồng lấy ngày 29 tháng 2 hàng năm làm Ngày Alice Ball đặt dưới gốc cây Đại Phong Tử đó. Năm 2007, Đại học Hawaii đã trao tặng huân chương xuất sắc cho bà Alice. Và đến năm 2017, ông Paul Wermager đã thành lập Học bổng Alice Ball nhằm tôn vinh những thành tựu của bà trong việc hỗ trợ sinh viên khoa học từ những nhóm yếu thế.