'Nhà khoa học' ống hút rau củ
Năm 2019, trong khu xưởng của HTX Sông Hồng ở Đông Anh (Hà Nội), sau khi đã 'đổ đi' gần 30 tấn tinh bột rau củ sạch cho những đợt thử nghiệm, 'nhà khoa học' Lê Văn Tám đã tìm ra công thức để sản xuất một loại ống hút 'lạ' từ rau củ hữu cơ, có thể xào, luộc, nhúng lẩu...
Phải gọi Lê Văn Tám là “nhà khoa học” bởi những điều đặc biệt mà anh tạo ra trong quá trình làm nông nghiệp sinh thái. Một trong những chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công cho anh, từ những ngày bôn ba tại Hàn Quốc rồi trở về quê hương khởi nghiệp với HTX, là sự sáng tạo không ngừng.
Ống hút "độc và lạ"
Ngay cả khi tra cứu Google, công cụ tìm kiếm được cho “vạn năng” thời công nghệ số, chúng ta cũng rất khó để tìm được một vật dụng thế hệ mới được chế biến từ rau củ, vừa có tác dụng thay thế hoàn toàn vật dụng cũ, vừa có lợi ích tuyệt vời về môi trường.
Nhưng từ cách đây 3 năm, anh Lê Văn Tám đã là một trong những người tiên phong ở Việt Nam có ý tưởng chế biến ống hút từ rau củ để thay thế cho các loại ống hút nhựa. Nhìn vào con số hàng triệu ống hút được thải ra môi trường mỗi năm, ý tưởng này cần được trao một giải thưởng lớn.
Tuy nhiên, người đàn ông quê xứ Thanh bảo, anh thực hiện dự án này không phải để được trao cúp hay nhận bất kỳ giải thưởng nào. Đơn giản là vì nỗi ám ảnh của anh với rác thải nhựa và khát khao nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
“Rác thải nhựa đang trở thành bài toán toàn cầu, những bao bì ni lông, ống hút nhựa là kẻ thù lớn của hệ sinh thái, đặc biệt là môi trường biển. Vì vậy, tôi hy vọng ống hút từ rau củ quả sạch sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người”, anh Tám chia sẻ.
Song, từ ý tưởng đến thực tế là một quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về thời gian, tiền bạc và chất xám, đặc biệt là với một dự án còn rất mới ở Việt Nam. Và thực tế, để có được sản phẩm ống hút từ rau củ hoàn thiện như hiện nay, anh Tám cùng cộng sự đã trải qua hàng trăm lần “hỏng ăn”.
Trong hơn 3 tháng ăn ngủ trong xưởng sản xuất, những đợt thử nghiệm thất bại khiến anh phải bỏ đi gần 30 tấn nguyên liệu, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Nhưng rồi trời không phụ lòng người, những chiếc ống hút thân thiện môi trường, có thể “tái sử dụng” bằng cách rán, xào, nhúng lẩu… đã ra đời.
Nhờ những lợi ích tuyệt vời, bình quân mỗi tháng có 50.000 chiếc ống hút thương hiệu ECOS được bán ra thị trường. Sản phẩm được cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và phân phối trong hệ thống các siêu thị trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Đức…
Nông nghiệp không hóa chất
Nhìn vào những thành công hiện tại, không nhiều người biết rằng anh Lê Văn Tám đã từng có hơn một thập kỷ làm công ở Hàn Quốc. Chính những trải nghiệm khi làm việc trong ngành cơ giới hóa đồng bộ và nông nghiệp tại “xứ sở Kim chi” đã truyền cảm hứng để anh trở về lập nghiệp với nông nghiệp sạch.
Trước khi có ống hút “độc lạ” từ rau củ, anh Tám đã khởi nghiệp với nông nghiệp sạch và gặt hái thành công lớn với HTX dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng, mô hình do chính anh sáng lập vào năm 2016. Hiện, HTX còn phát triển mô hình trồng hoa, nuôi tôm càng xanh an toàn sinh học.
Trên khu đất trên 1.500m2, HTX Sông Hồng đang phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ. Và một sản phẩm khác được tạo ra bởi “nhà nghiên cứu” Lê Văn Tám trong những năm đầu khởi nghiệp là giá thể để gieo mạ.
Sản phẩm mang đầy tính ưu việt này là một dạng đất có đầy đủ chất dinh dưỡng tốt nhất, sạch nhất, để khi gieo hạt thóc xuống nảy mầm, cây mạ sẽ có khả năng sinh trưởng nhanh, cùng sức chống chịu rất mạnh nhờ có nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào.
Ý tưởng làm giá thể gieo mạ được anh Tám hình thành sau nhiều thời gian mày mò, tìm hiểu và nghiên cứu về nông nghiệp trong nước. Đây cũng là kinh nghiệm anh học được từ những trang trại trồng rau hữu cơ ở Hàn Quốc. Giá thể bao gồm bùn được phơi khô, mùn cưa, phân, kali, vôi, tất cả trộn đều và được ủ kín trong 3 - 6 tháng, sau đó được đưa vào khay.
Trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu thế toàn cầu, trở thành đòi hỏi tất yếu cho sự phát triển bền vững, HTX Sông Hồng đang trở thành một trong những điểm sáng tại Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã đi, người sáng lập của HTX Sông Hồng, “nhà khoa học” nông dân Lê Văn Tám nói rằng, điều thành công nhất của anh cho tới giờ không phải là doanh thu, mà là giá trị của các sản phẩm mang lại.
Từ chỗ bị định giá rẻ mạt, nông sản sau khi được chế biến đã trở thành những món hàng đắt giá. Vì vậy, sáng tạo và sản xuất sạch sẽ tiếp tục là tôn chỉ trên con đường nhiều cỏ hoa nhưng cũng lắm chông gai mà anh và HTX sẽ đi trong tương lai.
Biến rau củ thừa thành giấy viết
Việc sản xuất các vậy liệu thân thiện môi trường từ rau quả đang lan rộng cả ở Việt Nam và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Điển hình như ở Nhật Bản, một ý tưởng tái chế rau củ quả thừa thành giấy viết, hoặc một số vật dụng hữu ích khác đã thành hiện thực.
Ý tưởng trên là của thợ thủ công chuyên sản xuất giấy Washi Nhật Bản, Masami Igarashi. Với 25 năm kinh nghiệm sản xuất Washi, cô đã miệt mài tạo ra nhiều sản phẩm giá trị, đặc biệt là “Food Paper” – giấy làm từ thực phẩm thừa.
Cụ thể, vào năm 2020, Igarashi đã thành công trong việc tạo ra giấy viết và các sản phẩm liên quan, với nguyên liệu chính là những phần rau củ quả hư, hay phần vỏ thừa bị bỏ đi sau quá trình chế biến nông sản, thực phẩm.
Đáng chú ý, Igarashi đã thực hiện ý tưởng từ gợi ý của con trai của mình, Yuto - một cậu bé 14 tuổi. Từ nhỏ, Yuto đã có niềm đam mê sản xuất giấy, đặc biệt là loại giấy Washi truyền thống.
Hướng đến xu thế thân thiện môi trường và tận dụng các nguồn nguyên liệu tại nhà, chính Yuto là người tiến hành nghiên cứu trong 5 năm và cùng mẹ xây dựng nên thương hiệu “Food Paper” hiện nay.
“Food Paper” vừa giúp giảm lãng phí thực phẩm, lại thân thiện môi trường, do loại giấy này dễ phân hủy. Mặc khác, việc tái chế các phế phẩm thực vật còn tạo ra nguồn cung ứng phong phú cho công nghệ sản xuất giấy Washi truyền thống, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Một điểm cộng đặc biệt đối với “Food Paper” là mùi hương. Vì sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, nên không chỉ đơn giản là một tờ giấy, “Food Paper”còn chứa đựng cả hương vị đặc trưng của từng loại nguyên liệu làm ra nó trong thời gian rất lâu.
Với những thành công đang có, Igarashi kỳ vọng trong tương lai, “Food Paper” có thể mở rộng sản xuất bằng các loại máy móc cơ khí, qua đó tiến tới sản xuất hàng loạt, trở thành loại giấy tiêu chuẩn trong thời đại phát triển xanh, bền vững.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nha-khoa-hoc-ong-hut-rau-cu-1090068.html